Đường lên bản Móng Vàng đã được trải bê tông phẳng lì. Dọc hai bên đường rợp bóng cây, bà con người Mông đã biết mở homestay để đón khách. Lên Tà Xùa, du khách được ngắm cảnh núi non hùng vĩ và cũng có cơ hội uống trà shan tuyết. Ở bản Móng Vàng, gia đình ông Khư được coi là hộ làm chè lâu năm nhất xã. Không chỉ giữ gìn, bảo vệ những gốc trà cổ thụ mà cách đây 50 năm, gia đình ông đã trồng được cả một đồi trà. Đến giờ những cây trà này cao bằng mái nhà, mang lại nguồn thu nhập không nhỏ.
Gìn giữ nghề sao trà truyền thống
Nhà ông Khư ở tít sâu trong thung lũng Tà Xùa. Từ trung tâm xã phải vượt qua mấy km đường rừng mới tới trang trại của ông Khư. Vợ chồng ông ở trang trại để trồng trọt và chăn nuôi. Xưởng sao trà cũng được ông đặt tại đây. Xung quanh ngôi nhà gỗ vững chãi là rừng thông phủ bóng. Rừng thông này cũng có tuổi đời trên 30 năm. Giờ rừng thông là nguồn cung cấp củi để phục vụ cho việc sao trà. Cách đây mấy chục năm, gia đình ông Khư đã biết trồng rừng, trồng trà để phủ xanh đất trống đồi trọc. Giờ rừng đã trả cho gia đình ông thành quả xứng đáng.
Vừa vào tới trang trại đã thấy ông Khư đang sắp xếp lại sản phẩm trà vừa sao. Ông Khư là người hiếu khách. Ông vồn vã mời khách vào nhà rồi nhóm bếp, đun nước rồi pha trà shan tuyết đãi khách. Cứ nhìn cách ông rửa chén, nâng niu từng cánh trà cũng đủ thấy ông trân trọng sản phẩm của quê hương đến nhường nào. Giữa mùa đông rét mướt, ngồi bên bếp lửa được nghe ông Khư nói về cây trà cổ thụ ở Tà Xùa quả là thú vị. Hương trà thơm thoang thoảng quyện với hương rừng khiến bao mệt mỏi sau hành trình dài trong chúng tôi tan biến.
Nhấp chén trà thơm trứ danh, ông Khư chia sẻ, ngày trước trong rừng của Tà Xùa có nhiều cây trà cao cả chục mét, gốc to bằng người ôm. Các cụ đã biết hái trà về uống và sao trà khô. Tuy nhiên, những năm đó kinh tế chưa phát triển, nên việc bán trà chưa nhiều như bây giờ. Bố của ông Khư vốn là thợ sao trà nổi tiếng ở Tà Xùa. Mỗi khi mùa trà đến, cả nhà ông được ướp bởi hương trà thơm ngào ngạt.
Mùa đông đến cũng là lúc ông Khư đã hái xong lứa trà cuối cùng của năm. Ở nơi trang trọng nhất của ngôi nhà, ông Khư để nhiều sản phẩm trà ở đó. Từng gói trà được đóng túi cẩn thận. Hiện cũng chỉ còn vài kg là ông Khư chưa bán hết.
Ông Khư bảo: "Mình sao ra đến đâu, khách đến mua hết đến đó. Giá bán từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng 1kg – tương đương một tấn ngô. Mỗi năm mình sao được khoảng hơn 1 tạ trà khô, thu gần 200 triệu đồng".
Theo ông Khư, Tà Xùa đang làm 2 loại trà shan tuyết có tên là Bạch trà mây và Hoàng trà mây. Để có được ấm trà shan tuyết thơm ngon hảo hạng cần có cách chế biến rất riêng biệt. Với người sao trà đòi hỏi làm từng công đoạn vô cùng tỉ mỉ. Cách chế biến rất đặc biệt, các loại trà khi hái về đều được phân loại, sau đó phơi, sấy khô qua công nghệ máy nhiệt, rồi đóng gói. Còn loại trà ép chặt thành bánh, khi hái mang về cũng sấy khô rồi qua hơi nhiệt cho chín trà. Quá trình này, bánh trà tiếp tục lên men, nội chất trà tự thân biến đổi, hàm lượng khoáng chất trong trà càng biến chuyển phong phú hơn. Bánh trà để hàng vài chục năm giống như loại trà Phổ Nhĩ của Trung Quốc, càng để lâu càng giá trị. Khách mua về để trưng bày, sau uống dần mà không bị mất mùi mà vẫn hội tụ đủ hương thơm, vị ngọt, màu nước.
Đồi trà shan tuyết giữa biển mây
Đồi trà của gia đình ông Khư nằm cách trang trại khoảng 2km. Mới chớm đông mà cái lạnh đã ùa về khiến đồi trà chìm trong màn sương. Từ đường trục chính phải đi bộ khoảng 200m mới tới đồi trà cổ thụ. Vừa đi ông Khư vừa chia sẻ, đồi trà này do các cụ trồng cách đây 50 năm. Nhiều cây gốc to bằng cột nhà, cao cả chục mét. Mỗi khi thu hái chè cổ thụ vô cùng vất vả. Mỗi ngày một người chỉ hái được 6 đến 8kg lá tươi. Từng thân chè mọc rêu mốc thếch, thân và cành lá khẳng khiu hiện lên giữa bốn bề mây núi. Vào mùa đông, nên cây chè cũng "ngủ đông", ra xuân chúng mới phát lộc.
"Một năm gia đình tôi hái trà được 3 lần. Mỗi lần được khoảng nửa tấn trà tươi. Cứ 6kg chè tươi sẽ sao được 1kg chè khô", ông Khư cho biết.
Cây trà Tà Xùa mọc trên độ cao 1400m so với mặt nước biển, sống giữa vùng sương gió lại có tuổi đời lâu năm, nên cho chất lượng trà thơm ngon hơn hẳn các vùng khác. Ai đã một lần được thưởng thức trà Tà Xùa hẳn không thể quên vị thơm và ngọt dịu của trà núi. Suốt mấy chục năm trồng trà, gia đình ông Khư chỉ làm cỏ, còn cây trà tự hút dinh dưỡng nơi núi cao nuôi thân. Nhờ thế mà trà Tà Xùa được coi là trà sạch.
Suốt mấy chục năm qua, gia đình ông Khư nâng niu đồi trà này như vật báu trong nhà. Đồi trà năm nào cũng mang lại cho gia đình ông một khoản thu nhập lớn. Cũng giống như gia đình ông Khư, cây trà mang lại nguồn thu nhập lớn cho nhiều hộ gia đình nơi đây.
"Nhiều hộ dân khác trong bản Móng Vàng cũng chăm sóc đồi trà rất tốt. Đây là lợi thế mà ít vùng có được. Tà Xùa còn đón nhận tin vui là sản phẩm trà được công nhận là sản phẩm OCOP. Nhờ vậy mà hương trà Tà Xùa ngày một bay xa hơn", ông Khư chia sẻ.
Xã Tà Xùa có khoảng 300 ha cây trà shan tuyết, trong đó khoảng 40 ha cây trà shan tuyết cổ thụ với gần 3.000 cây tập trung ở bản Bẹ có độ tuổi từ 100 năm đến 300 năm. Còn lại hơn 250 ha trà dưới 100 năm tuổi trồng ở các bản Tà Xùa, Móng Vàng và Chung Chinh.
"Giờ đây xã đang vận động bà con nhân trong các bản giữ gìn và chăm sóc tốt những cây trà cổ thụ. Đây là tài sản quý mà Tà Xùa còn giữ được. Bên cạnh vườn trà cổ thụ, nhiều hộ dân đã trồng thêm trà ở các khu lân cận. Hiện ở xã có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến trà cổ thụ Tà Xùa. Họ cũng đã đầu tư công nghệ chế biến rồi quảng bá sản phẩm trà Tà Xùa. Đây cũng là cơ hội giúp bà con xóa đói, giảm nghèo và làm giàu từ cây trà", ông Mùa A Hồ, Chủ tịch UBND xã Tà Xùa chia sẻ.