dd/mm/yyyy

Lai Châu: Người dân Can Hồ bảo vệ vốn rừng

Có sự tham gia tích cực của người dân trong công tác bảo vệ, những cánh rừng ở xã Can Hồ (Mường Tè, Lai Châu) ngày càng phát triển xanh tốt.

Xã Can Hồ tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng

Can Hồ là xã nội địa, cách trung tâm thị trấn Mường Tè (Mường Tè) khoảng 20 km về phía Nam. Xã có tổng diện tích đất tự nhiên là 23,673,43 ha; diện tích đất có rừng là 16.541,73 ha, trong đó có 16.519,79 ha rừng tự nhiên, diện tích còn lại là rừng trồng đã thành rừng 21,94 ha, diện tích trồng rừng chưa thành rừng là 94ha. Toàn xã có 593 hộ, với 2.159 khẩu, sinh sống rải rác ở 5 bản.

Lai Châu: Người dân Can Hồ bảo vệ vốn rừng - Ảnh 1.

Xã Can Hồ có 16.541,73 ha đất có rừng. (Ảnh: Thanh Ngân)

Trò chuyện với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Lỳ Gạ Xá – Phó Chủ tịch UBND xã Can Hồ, cho biết: Những năm qua, xã Can Hồ luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương  tỉnh, huyện; Sự chỉ đạo sát sao và thường xuyên của Huyện ủy, HĐND - UBND huyện về nhiều mặt, nhất là về lĩnh vực bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Cấp ủy, chính quyền xã cũng đã có sự cố gắng, nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Đặc biệt, thời gian qua, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng ở xã Can Hồ đã có sự tham gia tích cực của người dân các bản.

"Các chính sách: Chi trả dịch vụ môi trường rừng, trồng rừng đã đi vào cuộc sống của người dân, góp phần quan trọng vào việc thay đổi cả về nhận thức và trách nhiệm của bà con trong công tác bảo vệ rừng. Nhờ đó, việc phá rừng, cháy rừng trên địa bàn xã giảm mạnh" – ông Xá thông tin.

Lai Châu: Người dân Can Hồ bảo vệ vốn rừng - Ảnh 2.

Công tác bảo vệ rừng ở xã Can Hồ đã có sự tham gia tích cực của người dân. (Ảnh: Thanh Ngân)

Cũng theo ông Xá, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, xã Can Hồ đặc biệt chú trọng tới công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, nhất là vào mùa khô hanh hàng năm. Ngoài việc ban hành các văn bản chỉ đạo, ngay từ đầu mùa khô, xã Can Hồ đã chỉ đạo các bản tổ chức họp, tuyên truyền Luật lâm nghiệp và các văn bản có liên quan đến người dân.

Người dân xã Can Hồ đồng lòng giữ rừng

Qua các buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của người dân các bản đã được nâng lên. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn tố giác những cá nhân có hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Nhờ đó, những vụ vi phạm đã được phát hiện và xứ lý kịp thời theo quy định của Pháp luật, góp phần răn đe, giáo dục và làm gương cho những người khác.

Từ đầu năm 2023 đến nay, xã Can Hồ đã tổ chức 11 buổi họp tại 5 bản, thu hút cả nghìn lượt người dân tham gia lắng nghe về các văn bản pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Xã Can Hồ cũng đã tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng năm 2023, với 481 hộ dân trên địa bàn; Ký cam kết không buôn bán, tàng trữ động vật rừng và sản phẩm của chúng với 10 hộ hiện đang kinh doanh, mua bán nhỏ lẻ các mặt hàng trên địa bàn.

Lai Châu: Người dân Can Hồ bảo vệ vốn rừng - Ảnh 3.

Những cánh rừng ở xã Can Hồ ngày càng phát triển xanh tốt. (Ảnh: Thanh Ngân)

Không chỉ chủ động tố giác các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, người dân các bản của xã Can Hồ còn tích cực tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.Trong thời gian nắng nóng cao điểm của mùa khô hanh năm 2023, trên địa bàn xã Can Hồ đã xảy ra 2 vụ cháy thảm cỏ. Ngay sau khi phát hiện đám cháy, Ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng xã Can Hồ đã huy động lực lượng, với tổng số gần 300 người tham gia chữa cháy thành công, không để cháy lan vào rừng.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Can Hồ, từ khi thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân trên địa bàn được hưởng lợi nên tích cực tham gia giữ rừng. Để thực hiện tốt chính sách này, xã Can Hồ đã phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Tè, kiểm lâm địa bàn thực hiện công tác nghiệm thu các diện tích đủ điều kiện, để chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân, đảm bảo đúng đối tượng, đủ diện tích. Đến thời điểm này, xã Can Hồ đã chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2022 cho các hộ dân ở các bản, với tổng số tiền là hơn 9,4 tỷ đồng.

"Được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân trên địa bàn xã ngày càng hăng hái, tích cực bảo vệ rừng. Nhờ đó, những cánh rừng trong xã ngày càng phát triển xanh tốt, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn" – ông Xá phấn khởi cho biết.


Thanh Ngân