dd/mm/yyyy

Người dân vùng cao Sơn La trắng đêm đốt lửa trông, bán đào Tết

Giữa thời tiết giá rét, người dân huyện vùng cao Vân Hồ, tỉnh Sơn La phải đốt lửa sưởi ấm, dựng lều sinh hoạt dọc hai bên đường Quốc lộ 6 để trông và bán đào Tết.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, dọc hai bên đường Quốc lộ 6 đoạn qua huyện Vân Hồ có bạt ngàn những cành đào, cây đào của người dân địa phương bày bán phục vụ nhu cầu của khách đi đường dịp Tết đến Xuân về.

Người dân vùng cao Sơn La trắng đêm đốt lửa trông, bán đào Tết- Ảnh 1.

Đào được bày bán dọc Quốc lộ 6 đoạn qua huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Ảnh: Phạm Hoài.

Khi màn đêm về, nhiệt độ xuống thấp khiến những người bán đào Tết xuyên đêm gặp khó khăn, họ phải chống chọi với thời tiết lạnh buốt. Càng về khuya, nhiệt độ càng giảm sâu, người bán đào phải đốt lửa sưởi ấm, dựng lều trại ngủ để chống rét.

Trao đổi với phóng viên, ông Giàng A Lành ở bản Chiềng Đi 2, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, cho hay, ông bắt đầu dọn đào ra đường bày bán từ trước Tết Nguyên đán khoảng hơn 1 tháng. Để thuận tiện cho việc trông coi và bán đào, ông và vợ dựng tạm lều để làm nơi sinh hoạt, ngủ nghỉ. Để giữ ấm cho cơ thể trong những ngày nhiệt độ giảm sâu, hai vợ chồng ông Lành phải đốt lửa, mặc thêm quần áo ấm, thay nhau túc trực để bán đào xuyên đêm. 

Người dân vùng cao Sơn La trắng đêm đốt lửa trông, bán đào Tết- Ảnh 2.

Những ngày nhiệt độ giảm sâu, vợ chồng ông Giàng A Lành ở bản Chiềng Đi 2, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ phải đốt lửa sưởi ấm, thay nhau túc trực bán đào xuyên đêm. Ảnh: Phạm Hoài.

Theo ông Lành, những cây đào, cành đào được ông bày bán với giá dao động từ vài trăm đến vài triệu đồng. Đối với những gốc đào cổ thụ, ông bán với giá 15 triệu đồng. Khách hàng chủ yếu là người dưới xuôi. Nhiều hôm, hai vợ chồng phải thức tới 3 - 4 giờ sáng để bán đào cho khách.

"Trời lạnh như thế này nhưng hai vợ chồng vẫn trông và bán đào ở đây để cố gắng kiếm thêm thu nhập về lo cho gia đình, các con trong dịp Tết", ông Lành bộc bạch.

Người dân vùng cao Sơn La trắng đêm đốt lửa trông, bán đào Tết- Ảnh 3.

Gốc đào trên 5 năm tuổi được ông Nhà bày bán bên Quốc lộ 6. Ảnh: Phạm Hoài.

Cách nơi bán đào của ông Lành không xa, ông Sùng A Nhà ở bản Chiềng Đi 2, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ đang trông nom những gốc đào của mình trong cái lạnh về đêm.

Ông Nhà cho biết: "Tôi đưa đào ra đây bán mới được hơn 1 tuần. Đào của tôi chủ yếu là đào ghép, có độ tuổi dao động từ 2 - 7 tuổi. Tùy theo độ tuổi, giá cả những gốc đào cũng khác nhau".

Theo ông Nhà, từ lúc đưa đào ra bán tới bây giờ, ông đã bán được hơn 20 gốc. Với giá dao động từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng, ông đã thu về được khoảng hơn 50 triệu đồng. Hiện, ông còn 15 gốc chưa bán được.

"So với mọi năm, năm nay tôi bán được ít hơn. Tôi mong sớm bán hết đào, qua đó có thêm 1 khoản thu nhập cho gia đình để trang trải các chi phí khi Tết đã cận kề", ông Nhà tâm sự.

Một số thương lái chuyên thu mua đào của người dân Vân Hồ thông tin, đào Sơn La được trồng ở khu vực núi cao có thổ nhưỡng thích hợp, cây khoẻ nên tỉ lệ xử lý ra hoa thành công hơn các giống đào ở nhiều địa phương khác. Ngoài ra, gốc đào xù xì, mốc trắng cũng là một trong những đặc điểm hấp dẫn người mua. Vì vậy, thương lái thường lặn lội lên các huyện Vân Hồ, Mộc Châu để thu mua đào của bà con về xuôi để bán.

Ông Thái Bá Sinh - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La cho biết: "Toàn huyện có khoảng 500 ha đào các loại, tập trung ở 2 xã Lóng Luông, Vân Hồ ven Quốc lộ 6. Trong đó, năm nay, diện tích đào lấy hoa chiếm hơn 200 ha để phục vụ Tết. Cây đào đã đem lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho người dân địa phương".

Hoài Linh