dd/mm/yyyy

Người đàn ông 2 thập kỷ hồi sinh rừng pơ mu quý, trả 21 tỷ đồng cũng không bán 1 cây

Sau 2 thập kỷ, hơn 10ha đồi trọc đã được gia đình ông Vừ Vả Chống (xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) phủ xanh bằng những cây pơ mu quý giá. Dưới tán rừng pơ mu xanh mướt, ông Chống trồng chè tuyết shan, nuôi bò, thả gà…, nhờ đó đã thu được hiệu quả kinh tế cao.

Hành trình hồi sinh cánh rừng pơ mu của cựu binh

Về bản Trung Tâm, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn, khi hỏi thăm nhà ông Vừ Vả Chống (sinh năm 1967), người dân ai cũng biết và chỉ dẫn đường nhiệt tình. Ông Chống chính là người đầu tiên trong xã tiên phong trồng rừng pơ mu, phát triển kinh tế, có của ăn của để, lại nuôi được con cái học hành, đỗ đạt cao. Nhiều người tìm đến ông Chống để học cách trồng rừng. Cũng nhờ người cựu binh già này, những cánh rừng pơ mu, sa mu đã xanh tốt trở lại.

Dân làng kháo nhau, đã có người từ Hà Nội về trả giá những 21 tỷ đồng mua rừng pơ mu nhưng ông Chống không bán. Họ còn nói ông khôn lắm, để bán từng cây sẽ được nhiều tiền hơn… Nghe vậy ông chỉ cười, thủng thẳng bảo: Cả rừng cũng không bán, một cây tôi cũng không bán!

2 thập kỷ hồi sinh rừng pơ mu quý  - Ảnh 1.

Sau hơn 2 thập kỷ, ông Vừ Vả Chống đã phủ xanh ngọn đồi trọc bằng cánh rừng pơ mu xanh mướt với những thân cây cao lớn. Ảnh: Tâm Tý

Ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cho biết, pơ mu và sa mu là cây gỗ quý hiếm phát triển tốt ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển. Hiện, huyện Kỳ Sơn đang tăng cường quản lý và bảo vệ rừng pơ mu, sa mu đồng thời, nhân rộng ra các xã có điều kiện khí hậu tương đồng như xã Huồi Tụ, Tây Sơn.

"Cuộc sống của người Mông ở huyện Kỳ Sơn luôn gắn liền với cây pơ mu, sa mu. Ở nơi nào có 2 loài cây này thì bà con sẽ làm nhà, định cư gần đó, bởi theo quan điểm những vùng đất này sẽ ít ruồi muỗi, bệnh tật. Gỗ cây pơ mu, sa mu rất tốt, không mối mọt, lại có hương thơm dịu nhẹ đặc trưng thường được bà con dùng để dựng nhà" - ông Vừ Vả Chống chia sẻ.

Tuy nhiên, trước những năm 1990, các cánh rừng ở Kỳ Sơn bị tàn phá nặng nề. Đặc biệt, những cánh rừng pơ mu, sa mu quý hiếm gắn liền với cuộc sống, văn hoá người Mông cũng bị triệt hạ. Sau thời gian đi bộ đội trở về, thấy những cánh rừng pơ mu, sa mu không còn nữa, ông Vừ Vả Chống rất trăn trở. Bản làng bấy giờ chỉ còn lại những khu đất trống, đồi trọc.

Ý nghĩ về việc khôi phục lại những cánh rừng pơ mu thôi thúc ông Chống sải bước chân lên trụ sở của chính quyền địa phương. Ông mạnh dạn nhận một vùng đồi trọc để phục vụ sản xuất kiếm cái ăn hàng ngày cho gia đình, cũng là nơi ông thực hiện giấc mơ hồi sinh cánh rừng pơ mu.

Nghĩ là làm, những năm đầu, ông chỉ nuôi gà, trồng chè xanh. Khi chè và gà đã cho thu hoạch thì ông bán, trích một phần tiền mua cây giống pơ mu và sa mu về trồng.

Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm nên lứa cây đầu tiên của ông Chống bị chết rất nhiều.

Không chịu bỏ cuộc, ông lặn lội hàng chục cây số đến xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, nơi có những cánh rừng pơ mu, sa mu xanh tốt để học cách trồng và chăm sóc cây pơ mu. Không phụ công người, những cây pơ mu ông Chống trồng bắt đầu bám rễ trên đồi trọc. Giờ đây, sau hơn 20 năm trồng và chăm sóc, ông Vừ Vả Chống đã sở hữu khu rừng rộng hơn 10ha với hơn 8.000 cây pơ mu, sa mu cao lớn quý hiếm.

Thu hàng trăm triệu nhờ trồng chè, thả gà dưới tán rừng

2 thập kỷ hồi sinh rừng pơ mu quý  - Ảnh 3.

Ông Vừ Vả Chống đều thuê thêm nhân công để phát thực bì dưới tán rừng pơ mu để phòng cháy rừng. Ảnh: Tâm Tý

Gia đình ông Vừ Vả Chống đang "ấp ủ" biến hơn 10ha rừng pơ mu, sa mu và chè Shan tuyết này thành khu du lịch sinh thái, để người dân địa phương và du khách đến tham quan. Ông Chống mong muốn, khi vào tham quan, người dân sẽ thay đổi nhận thức từ đó trồng, bảo vệ và giữ rừng cho tương lai.

Đặc biệt, dưới tán cây pơ mu ông gia đình ông Chống trồng gần 3ha cây chè Shan tuyết. Được tán cây pơ mu che nắng, cây chè Shan tuyết phát triển rất tươi tốt. Nhận thấy hiệu quả của việc trồng cây pơ mu trong vườn chè, nhiều người dân trong xã trong xã đã đến học hỏi kinh nghiệm và làm theo. 

Nhờ ông Chống mà cánh rừng pơ mu, sa mu ở xã Huồi Tụ nay đã mở rộng lên gần 20ha.

Cũng từ đó, nhu cầu trồng cây pơ mu, sa mu giống ngày càng nhiều, ông Chống đã nhân giống bán cho bà con với giá 15.000 đồng/cây, đây là một nguồn thu nhập không nhỏ của gia đình ông. Bên cạnh đó, dưới tán rừng pơ mu ông Chống còn thả nuôi hơn chục con bò và hàng trăm con gà đen, lợn rừng… Mỗi năm, việc chăn nuôi cho gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm cho 4 -5 lao động địa phương.

"Chính nhờ cánh rừng pơ mu đã giúp gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định, nuôi được các con ăn học tử tế. Người con đầu đã xong đại học, hiện là giáo viên, 2 người con thứ cũng đang theo học đại học" - ông Vừ Vả Chống vui vẻ chia sẻ.

Quả pơ mu rụng xuống, mọc thành cây con, ông Chống đào cây con này ra trồng ở khu đất tiếp giáp. Đến nay, ông đã có hơn 7.000 gốc pơ mu. Dưới những tán cây pơ mu xanh mướt, mùi thơm đặc trưng của tinh dầu pơ mu tỏa ra rất dễ chịu. Nhiều cây pơ mu đã có đường kính 30 - 40cm…

Ông Vừ Vả Chống cho biết đã có rất nhiều đoàn khách đi phượt đến đây cắm trại. Ông không thu tiền của họ, chỉ yêu cầu giữ gìn vệ sinh. Còn các cháu trong vùng tổ chức sinh nhật thì gần như tuần nào cũng có mấy cuộc. Ông cũng dành một khoảng đất rộng làm sân vận động cho thanh niên trong xã đá bóng, cho bà con sinh hoạt cộng đồng. 

Thắng Tình