dd/mm/yyyy

Nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải của đồng bào dân tộc Mông

Trong xã hội hiện đại, những bộ trang phục dân tộc Mông được bán tại các chợ, cửa hàng quần áo, nhưng nhiều phụ nữ Mông trên địa bàn tỉnh Sơn La vẫn lưu giữ, duy trì, bảo tồn việc may trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Clip: Nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải của đồng bào dân tộc Mông

Nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải của đồng bào dân tộc Mông 

Xã Ngọc Chiến, huyện Mường La (Sơn La) hiện có 15 bản, trong đó có 7 bản có đồng bào dân tộc Mông sinh sống, với nhiều nét văn hóa được lưu giữ và phát triển. Đến với các bản đồng bào Mông, không khó để bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ ngồi bên hiên nhà say sưa, tỉ mỉ thêu thùa, may vá làm trang phục cho bản thân, người thân trong gia đình. Bàn tay khéo léo cùng với trí tưởng tượng phong phú, hoa văn trên trang phục của đồng bào Mông được tạo bởi nhiều chất liệu khác nhau, nhưng độc đáo nhất là vẽ bằng sáp ong trên vải lanh truyền thống. Đây là nét văn hóa độc đáo đã gắn bó với đồng bào từ bao đời nay.

Nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải của đồng bào dân tộc Mông - Ảnh 1.

Phụ nữ Mông xã Ngọc Chiến vẽ sáp ong. Ảnh: Văn Ngọc

Chị Giàng Thị So, bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La chia sẻ: Vẽ sáp ong trên vải đã có từ rất lâu đời, được truyền từ đời này, sang đời khác. Khi 6 tuổi, tôi đã được bà và mẹ dạy thêu thùa, may vá và truyền lại cách vẽ sáp ong trên vải lanh. Phụ nữ Mông ở bản ai cũng biết vẽ sáp ong, bây giờ tôi lại truyền lại cho con gái mình.

Sáp ong làm mực vẽ có 2 loại là vàng và đen, để chế mực từ sáp ong rất công phu, sáp ong thường dùng là sáp ong khoái, sau khi lấy hết mật thì đun sáp trên bếp lửa nhỏ. Sáp ong được nấu chảy sẽ trộn đều 2 loại vàng và đen tương ứng với độ đậm, nhạt. Trong quá trình vẽ, sáp được đun thường xuyên trên lửa nhỏ và đều, nếu lửa to, sáp sẽ bị cháy còn lửa nhỏ quá thì sáp bị khô cứng lại.

Nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải của đồng bào dân tộc Mông - Ảnh 2.

Nét vẽ tỉ mỉ với nhiều họa tiết phối hợp với nhau. Ảnh: Văn Ngọc

Khi bắt tay vào vẽ sáp ong, phụ nữ Mông không dùng bút mà dùng dụng cụ đặc biệt, được thiết kế bởi 2 lá đồng, một thanh tre nhỏ dài khoảng 10 - 15cm, có một ô trống nhỏ ở giữa hai lá đồng để tạo thành nơi chứa sáp ong. Ngòi bút là một lá đồng hình tam giác đầu nhọn, được nẹp vào thanh tre.

Bút vẽ có 3 loại, một loại để vẽ phác họa, vẽ đường thẳng dùng ngòi to, còn loại để vẽ hoa văn dùng ngòi nhỏ, càng mỏng vẽ hoa văn càng đẹp và dễ dàng hơn. Những nét vẽ là họa tiết, hoa văn hết sức mộc mạc: đường viền là hình vuông, chữ thập kết hợp với hình quả trám, tam giác, tròn, răng cưa… Khi vẽ, liên tục chấm bút vào chảo sáp ong đang nóng, đưa bút đều nhanh để sáp chảy đều, không loang lổ cho đến hết, rồi mới chấm bút vào sáp để vẽ tiếp.

Nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải của đồng bào dân tộc Mông - Ảnh 3.

Trong quá trình vẽ, mực được làm từ sáp ong được đun nóng liên tục. Ảnh: Văn Ngọc

Theo kinh nghiệm, sáp ong nhanh khô nên vẽ đến đâu quấn vải đến đấy, như vậy sẽ không bị bẩn. Vẽ xong hoa văn thì sẽ cho vải vào nồi nước đun sôi, đảo đều tay để lớp sáp bong hết, lúc đó hoa văn sẽ có màu sắc tự nhiên trên nền vải, bền màu. Sau khi luộc, vải được nhuộm chàm rồi phơi nắng. Từ các tấm vải này sẽ được may thành những bộ trang phục truyền thống của người Mông.

Tỉ mỉ vẽ những nét hoa văn trên tấm vải lanh may bộ quần áo mới cho các con và chồng, chị Sùng Thị Phếnh, bản Chăm Pộng, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, (Sơn La) nói: Ngay từ nhỏ tôi đã rất thích xem các bà, các mẹ vẽ hoa văn trên váy áo, rồi lớn dần mẹ cũng dạy cách vẽ, cách thêu hoàn chỉnh một bộ trang phục. Khi đi lấy chồng, tôi cũng tự tay vẽ trang trí hoa văn bằng sáp ong trên những bộ trang phục truyền thống cho cả gia đình.

Nghệ thuật vẽ sáp ong của phụ nữ Mông hiện nay đang dần bị mai một bởi xu thế hội nhập, các sản phẩm để may trang phục được sản xuất đa dạng, giá thành rẻ. Để lưu truyền nét văn hóa đặc sắc này, ngoài việc tuyên truyền phụ nữ Mông lưu giữ nghề truyền thống, hằng năm, xã Ngọc Chiến đã đưa nội dung thi vẽ sáp ong vào lễ hội và các hoạt động văn hóa của xã; định hướng cho phụ nữ Mông tạo ra các mặt hàng thổ cẩm đa dạng trang trí bằng sáp ong, thêu tay, tạo sản phẩm du lịch giới thiệu với du khách.

Nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải của đồng bào dân tộc Mông - Ảnh 4.

Vẽ sáp ong trên vải được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ảnh: Văn Ngọc

Nét độc đáo trong trang phục đồng bào dân tộc Mông 

Trang phục của người Mông luôn sặc sỡ, nổi bật. Tuy nhiên, để làm được một bộ trang phục hoàn chỉnh đòi hỏi rất nhiều công sức và thời gian. Những nét hoa văn trên trang phục của đồng bào Mông còn thể hiện sự tài tình, khéo léo của phụ nữ Mông từ khâu tước lanh, tạo sợi, dệt vải, nhuộm tràm, vẽ sáp ong đến thêu hoa văn. Trang phục truyền thống của đồng bào Mông không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử.

Nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải của đồng bào dân tộc Mông - Ảnh 5.

Bộ trang phục của đồng bào Mông, nhất là của phụ nữ gồm có khăn quấn đầu, khăn len, váy, yếm được thêu cầu kỳ, tỉ mỉ bằng tay. Ảnh: Văn Ngọc

Chị Hạng Thị Chu, bản Tà Số 1, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ: Trang phục của chúng tôi hoàn toàn được làm thủ công bằng tay, từ khâu tước lanh, dệt vải đến tạo hoa văn và thêu và những nét hoa văn này đã gắn chặt với văn hóa nhiều đời của chúng tôi. Để hoàn thành 1 bộ trang phục của phụ nữ chúng tôi phải mất cả tháng mới hoàn thành nên chúng tôi luôn thực hiện các chi tiết rất tỉ mỷ tạo thành sản phẩm đẹp nhất.

Bộ trang phục của đồng bào Mông, nhất là của phụ nữ gồm có khăn quấn đầu, khăn len, váy, yếm được thêu cầu kỳ, tỉ mỉ bằng tay; và trong tuần văn hóa du lịch Mộc Châu năm 2023, đồng bào Mông bản Tà Số 1, xã Chiềng Hắc sẽ giới thiệu, giúp du khách được trực tiếp trải nghiệm cách tạo ra các hoa văn trên trang phục.

Nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải của đồng bào dân tộc Mông - Ảnh 6.

Phụ nữ Mông trên địa bàn tỉnh Sơn La vẫn lưu giữ, duy trì, bảo tồn việc may trang phục truyền thống của dân tộc mình. Ảnh: Văn Ngọc

Trang phục của đồng bào Mông không chỉ đáp ứng nhu cầu vật chất, là vật để che thân mà còn đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ, là thước đo tài năng của người phụ nữ Mông. Không những vậy nó còn là tác phẩm văn hóa mang đậm nét tâm linh truyền thống, là tín hiệu để nhận biết nguồn cội và là nét riêng để tạo nên sự khác biệt với các dân tộc khác.

Văn Ngọc