dd/mm/yyyy

Nan giải bài toán trồng rừng: trồng 60ha, cây chết... 90%

Trong giai đoạn 2017 - 2021, tỉnh Gia Lai đã trồng gần 30 nghìn hecta rừng, song tỷ lệ cây sống rất thấp. Có nơi trồng 60ha rừng nhưng cây chết hết 90%.

Nan giải bài toán trồng rừng

Mới đây, đoàn giám sát của Hội đồng Nhân dân tỉnh Gia Lai đã làm việc với một số sở, ngành và địa phương về công tác trồng và quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo, giai đoạn 2017 - 2021, toàn tỉnh Gia Lai có gần 31.000ha rừng trồng mới, song tỷ lệ cây sống rất thấp, nhiều nơi kết quả trồng rừng không được như mong đợi.

Nan giải bài toán trồng rừng: trồng 60ha, cây chết... 90% - Ảnh 1.

Hơn 60ha rừng keo lai trồng nhưng chỉ thành rừng khoảng 6ha. Diện tích thành rừng cũng bị lấn chiếm để trồng hoa màu.

Huyện Krông Pa là địa phương có diện tích rừng lớn của tỉnh Gia Lai với gần 7.400ha rừng tự nhiên, 1.750ha rừng trồng và gần 27.000ha đất chưa có rừng. Từ năm 2018 - 2021, huyện đã triển khai cho các hộ dân và ban quản lý rừng phòng hộ tham gia trồng rừng trên diện tích đất rừng trống, bị lấn chiếm.

Theo đó, từ năm 2018 - 2021, toàn huyện đã triển khai trồng hơn 470ha rừng từ nguồn hỗ trợ theo Quyết định 38 của Thủ tướng Chính phủ và nguồn vốn khác.

Qua kiểm tra, nghiệm thu năm 2021 đối với diện tích rừng trồng giai đoạn 2018 - 2020, chỉ có hơn 65ha đạt yêu cầu (chiếm tỷ lệ hơn 20%).

Nan giải bài toán trồng rừng: trồng 60ha, cây chết... 90% - Ảnh 2.

Trong giai đoạn 2017 - 2021, tỉnh Gia Lai đã trồng được gần 31.000ha rừng, song tỷ lệ cây sống rất thấp.

Cụ thể, năm 2018, UBND huyện Krông Pa đã chi hơn 330 triệu đồng để trồng gần 145ha keo lai. Tuy nhiên đến nay, có tới 92ha cây bị chết, không đạt yêu cầu để nghiệm thu.

Tương tự, năm 2019, huyện này chi hơn 400 triệu đồng để trồng 105ha keo lai, bạch đàn. Đến nay, có tới 76ha cây đã chết, không đạt yêu cầu để nghiệm thu; 28ha có tỷ lệ cây sống dưới 50%; chỉ có 37ha cây có tỉ lệ cây sống trên 50%.

Nan giải bài toán trồng rừng: trồng 60ha, cây chết... 90% - Ảnh 3.

Các diện tích trồng rừng đều ở những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn nên người dân chưa mặn mà.

Tại huyện Chư Pưh, trong giai đoạn 2017 - 2021, tỉnh Gia Lai đã hỗ trợ để người dân trồng 327ha rừng. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ cây sống thấp hơn 50%.

Ngoài ra, các huyện Phú Thiện, thị xã Ayun Pa, diện tích rừng trồng cũng bị chết rất nhiều. Không chỉ rừng trồng bằng nguồn ngân sách bị chết, diện tích cho các doanh nghiệp thuê đất trồng rừng cũng có tỷ lệ cây chết rất lớn.

Bất cập trồng rừng nhưng khó thành rừng

Trong giai đoạn 2018 - 2020, Ban quản lý Rừng phòng hộ Ia Rsai (huyện Krông Pa) đã trồng hơn 60ha cây keo lai. Đến thời điểm hiện tại chỉ còn gần 6ha cây thành rừng. Rừng keo còn sống cũng phát triển chậm, xen kẽ với cây hoa màu ngắn ngày.

Nan giải bài toán trồng rừng: trồng 60ha, cây chết... 90% - Ảnh 4.

Những diện tích đất trồng rừng hiện đang trở lại tình trạng đất trống, người dân địa phương tận dụng trồng hoa màu ngắn ngày.

Ông Vũ Đức Dân - Trưởng Ban quản lý RPH Ia Rsai - cho biết: "Các diện tích đất trống, đất lấn chiếm được ban vận động người dân trồng keo theo Quyết định số 38 Chính phủ. Tuy nhiên, các diện tích trồng rừng này nhỏ lẻ, nằm rải rác khắp các nương rẫy, khe suối, xen lẫn hoa màu của bà con nên hoa mùa không cao".

Hơn 60ha đất trồng cây keo là đất lâm nghiệp do Ban quản lý RPH Ia Rsai quản lý. Để đầu tư trồng 60ha rừng thì Nhà nước đã bỏ ra hơn 100 triệu đồng nhưng tỷ lệ sống chỉ đạt hơn 10%.

Theo ông Dân, nguyên nhân khiến tỷ lệ cây sống thấp là do keo bị trồng xen với hoa màu của bà con bản địa. Khi thu hoạch hoa màu, cây rừng cũng bị hư hại. Đồng thời, do những chế độ, chính sách và hiệu quả trồng rừng chưa giải quyết được vấn đề kinh tế trước mắt nên bà con cũng không mặn mà.

Ông Hồ Văn Thảo - Chủ tịch UBND huyện Krông Pa - cho biết việc trồng rừng không thành rừng do nhiều bất cập về cơ chế, chính sách.

Huyện Krông Pa khí hậu nắng nóng, đất đai khô cằn nên trồng keo không phù hợp. Đồng thời, diện tích được trồng manh mún, nhỏ lẻ và không có đường giao thông đi lại nên người dân trồng xong bỏ hoang.

Những khó khăn trên khiến công tác trồng rừng không đạt hiệu quả kinh tế, nguy cơ lỗ là có thể nhìn thấy trước mắt.

Để công tác trồng rừng hiệu quả, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa chia sẻ mong muốn có cơ chế mở trong việc chọn loại cây vừa phủ xanh đồi trọc vừa mang lại hiệu quả kinh tế sớm cho bà con bản địa

"Khi người dân thấy mang lại hiệu quả kinh tế sẽ chăm sóc cây trồng tốt, thay đổi các cây trồng lạc hậu. Huyện cũng đang tìm các doanh nghiệp trồng rừng để liên kết, tìm đầu ra cho người dân trong công tác trồng rừng", ông Hồ Văn Thảo nói.


Phạm Hoàng