dd/mm/yyyy

Năm mới, nói chuyện nông thôn mới ở Thuận Châu

Vùng đất anh hùng Thuận Châu, tỉnh Sơn La, nơi đang chuyển mình từng ngày và đã “khoác” lên mình một diện mạo nông thôn mới. Đây chính là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn công tác của Trung ương về thăm, nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ và đồng bào các dân tộc Tây Bắc vào ngày 7/5/1959...

Bước sang năm 2020, huyện Thuận Châu tiếp tục giữ vững danh hiệu xã Phổng Lái đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) và có thêm xã Tông Lạnh về đích NTM. Đối với một huyện có diện tích rộng, gồm 28 xã, 1 thị trấn, trong đó số xã vùng III chiếm gần 80% như Thuận Châu thì đó thực sự là một kết quả đáng mừng đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc nơi đây.

Năm mới, nói chuyện Nông thôn mới ở Thuận Châu - Ảnh 1.

Đến nay, huyện Thuận Châu đã hình thành được vùng sản xuất chè hàng hóa.

Trở lại Thuận Châu vào những ngày này, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi mới về bức tranh nông thôn và con người nơi đây. Sự đổi mới đó được thể hiện bằng những con đường giao thông nông thôn, đường nội đồng trải bê tông phẳng phiu, thẳng tắp; hàng nghìn diện tích nương ngô, nương lúa được thay thế bằng những đồi chè, cây ăn quả xanh mướt đến tận chân núi.

Năm mới, nói chuyện Nông thôn mới ở Thuận Châu - Ảnh 2.

Nhiều hộ dân thoát được nghèo, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất mình sinh ra nhờ trông cây chanh leo.

Năm mới, nói chuyện Nông thôn mới ở Thuận Châu - Ảnh 3.

Sản phẩm chanh leo của Thuận Châu đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới.

Theo ông Lê Minh Tiến – Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy Thuận Châu: Vài năm trở lại đây, "tam nông" Thuận Châu đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ khi vận động người dân từ bỏ phương thức sản xuất quảng canh dựa vào ưu đãi của tự nhiên theo hướng thâm canh, hàng tấn nông sản của Thuận Châu, như: Xoài, chè, cà phê, chanh leo… đã "bay" sang các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Đức, Trung Đông và ASEAN, với tổng giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu ước đạt trên 250 tỷ đồng.  

Năm mới, nói chuyện Nông thôn mới ở Thuận Châu - Ảnh 4.

Cơ sở vật chất văn hóa được đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vui chơi, giải trí.

Trong năm 2019, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Thuận Châu tiếp tục chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đẩy mạnh thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng hằng năm hiệu quả thấp như lúa nương, ngô, sắn sang trồng cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm.

Đến nay, toàn huyện có 3.670 ha cây ăn quả (nhãn 607 ha, xoài 1.302 ha, bơ 290 ha, chanh leo 183 ha, cây có múi 109 ha, cây ăn quả khác 1.179 ha); diện tích cây cà phê 5.423 ha, chè 1.312 ha, cao su 1.658 ha và 5.216,6 ha cây sơn tra. Trong năm 2019, đã có 140 ha chè và 90 ha cây ăn quả của các hợp tác xã trên địa bàn đã được chứng nhận VietGAP (xoài 25 ha, chanh leo 10 ha, sơn tra 30 ha, cây ăn quả khác 25 ha). Hiện, Thuận Châu đã có 2 mã số vùng trồng với sản phẩm xoài xuất khẩu sang thị trường khó tính Úc, Mỹ.

Năm mới, nói chuyện Nông thôn mới ở Thuận Châu - Ảnh 5.

Đến nay, tỷ lệ hộ gia đình được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh chiếm 88,5%.

Bên cạnh việc chú trọng phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn để nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Thuận Châu còn đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật.

Đến đầu năm 2020, 28/28 xã của huyện đã có đường giao thông được cứng hóa, ô tô, xe máy đi lại thuận tiện 4 mùa; cứng hóa được 246 tuyến đường giao thông đến bản, nâng tổng số xã đạt tiêu chí giao thông trên địa bàn huyện lên 10/28 xã; 100% số xã đạt tiêu chí thủy lợi; 93,5% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% số xã trên địa bàn huyện có trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở…

Năm mới, nói chuyện Nông thôn mới ở Thuận Châu - Ảnh 6.

Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố cả về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân nông thôn.

Chia sẻ đầy tự hào với phóng viên Báo điện tử Trang Trại Việt, ông Quàng Văn Hồng, bản Dẹ, xã Tông Lạnh – địa phương vừa được UBND tỉnh Sơn La công nhận đạt chuẩn NTM vào cuối tháng 12/2019, bảo: Sau nhiều năm nỗ lực chung sức, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và người dân, đến nay xã Tông Lạnh đã về đích NTM.

"Ngoài diện mạo nông thôn đang chuyển biến theo hướng tích cực, đời sống của người dân từng bước được cải thiện, theo tôi cái được nhất trong xây dựng NTM ở Tông Lạnh là ý thức, trách nhiệm của người dân đã được nâng lên một cách rõ rệt.

Điều đó được thể hiện bằng những hành động hết sức thiết thực, như: Bà con đã biết bảo nhau chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; biết vứt rác đúng nơi quy định; tự giác di dời chuồng trại nuôi gia súc ra khỏi gầm sàn…" – ông Hồng phấn khởi thông tin.

Tuệ Linh