Nam Định: Nguồn vốn Quỹ HTND giúp thành lập 47 mô hình kinh tế tập thể
10/08/2018 08:00 GMT +7
Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), hàng nghìn lượt hội viên, nông dân tỉnh Nam Định không chỉ có vốn đầu tư phát triển sản xuất mà còn biết liên kết với nhau tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa.
Nhiều nông dân thành triệu phú
Với 500 triệu đồng nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ủy thác cho vay, hàng chục hộ dân ở thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng đã có điều kiện đầu tư, mở rộng quy mô nuôi cá bống bớp, có thu nhập từ hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng.
Anh Trần Văn Hưởng là 1 trong 13 hộ dân ở thị trấn Rạng Đông được vay vốn Quỹ HTND. Hiện, anh Hưởng đang nuôi 3 ao cá bống bớp với tổng diện tích hơn 6.000m2. Mỗi năm gia đình anh Hưởng xuất bán hơn 2 tấn cá bống bớp, trừ chi phí còn lãi 250 triệu đồng.
“Thức ăn của cá bống bớp là cá tạp xay nhỏ, không sử dụng cám công nghiệp. Bình quân mỗi ngày tôi phải bỏ ra khoảng 1 triệu đồng để mua 1,5 tạ cá tạp làm thức ăn cho cá bống bớp. May mắn được Quỹ HTND cho vay 30 triệu đồng nên gia đình tôi mới dám theo con đặc sản này”, anh Hưởng thổ lộ.
Ông Nguyễn Duy Phong – Chủ tịch Hội nông dân thị trấn Rạng Đông cho biết, Rạng Đông là thị trấn
ven biển nằm ở phía Tây Nam của huyện Nghĩa Hưng. Với gần 7 km bờ biển, vùng bãi triều rộng lớn đã tạo điều kiện cho địa phương có nhiều lợi thế trong nuôi trồng thủy, hải sản; đặc biệt là cá bống bớp. Hiện, toàn xã có hàng trăm hộ nuôi cá bống bớp với tổng diện tích khoảng 30ha.
“Để phát huy thế mạnh địa phương, Hội nông dân thị trấn Rạng Đông đã xây dựng dự án phát triển cá bống bớp. Tháng 7.2015, được T.Ư Hội NDVN giải ngân cho vay 500 triệu đồng nguồn vốn Quỹ HTND, Hội đầu tư cho 13 hộ dân ở Rạng Đông vay (mỗi hộ từ 30 – 50 triệu đồng), thời gian vay 24 tháng. Vốn đến đúng lúc, nên bà con rất phấn khởi”, ông Phong thông tin.
Hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất
Hiện, xã Bạch Long, huyện Giao Thủy có 365,1ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Trong đó, có 100ha diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt, còn lại là nước mặn lợ. Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản ở xã đã có thu nhập cao.
Điển hình như hộ ông Trần Đức Văn, xóm Tân Phú có diện tích nuôi tôm gần 2ha. Trong đó, quy hoạch 6 ao nuôi tôm thẻ chân trắng, mỗi năm trừ chi phí ông thu gần 300 triệu đồng/ha. Hay hộ ông Đỗ Văn Mại, xóm Liên Hoan; ông Vũ Văn Thiệu, xóm Hoành Tiến; bình quân diện tích từ 1 - 3ha nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đức Văn cho biết, ông nuôi tôm thẻ chân trắng được 4 năm nay, mỗi năm trừ chi phí lãi vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, theo ông Văn, trên cùng một diện tích, lợi nhuận có thể tăng lên nếu liên kết các hộ nuôi về nước, giống, kỹ thuật chăm sóc, tiêu thụ sản phẩm.
Vì vậy, khi được sự chỉ đạo của Hội nông dân tỉnh và sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương, Hội ND xã Bạch Long tổ chức thành lập tổ hội nghề nghiệp nuôi tôm thẻ chân trắng. Ông Văn và 19 hộ nuôi thủy sản trong xã đã tham gia vào tổ hội nghề nghiệp này.
Theo ông Văn, trước đây các hộ nuôi mua thức ăn nhỏ lẻ qua các đại lý với giá từ 45.000 – 50.000 đồng/kg. Khi tham gia tổ hội, thức ăn chăn nuôi được tổ hội cử đoàn mua trực tiếp từ Công ty ở Đồng Nai, không qua khâu trung gian nên đã giảm giá từ 3.000-5.000 đồng/kg. Nhờ đó, mỗi hộ nuôi tiết kiệm được hàng chục triệu đồng/vụ. Bên cạnh đó, tổ Hội còn ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp nhằm bảo đảm sản phẩm ổn định về đầu ra và giá cả.
Ngoài ra, nông dân tham gia tổ Hội nghề nghiệp có điều kiện thuận lợi tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi. Ông Trần Hào Quang, Chủ tịch Hội nông dân xã Bạch Long cho biết: “Để hỗ trợ hội viên, nông dân có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh từ nguồn Quỹ HTND của Hội nông dân tỉnh, các hộ nuôi tôm thuộc chi hội nghề nghiệp được vay vốn 1 tỉ đồng, bình quân mỗi hộ được hỗ trợ vay từ 50 triệu đồng trở lên”.

Theo ông Nguyễn Hùng Mạnh – Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Nam Định cho biết: Để cán bộ, hội viên nông dân hiểu về vai trò của kinh tế hợp tác, mối liên kết, liên danh giữa các hộ nông dân có cùng mục đích sản xuất, Hội nông dân tỉnh triển khai xây dựng mô hình chi, tổ Hội nghề nghiệp dựa trên tiêu chí “5 cùng” (cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi).
Đặc biệt, Hội nông dân tỉnh tích cực triển khai những chính sách hỗ trợ nông dân vay vốn ưu đãi như Quỹ HTND tỉnh, tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất nhằm khuyến khích, phát triển số lượng, chất lượng chi tổ Hội nghề nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, nguồn Quỹ HTND đã cho vay thông qua 47 tổ hợp tác, 37 câu lạc bộ và hơn 60 tổ nhóm khác; trong đó có 24 tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp được vay vốn Quỹ HTND. Thu nhập bình quân của hộ vay vốn từ Quỹ HTND tăng thêm từ 10 - 20% so với trước khi tham gia dự án.