Nông dân Than Uyên có thu nhập khá từ trồng cây chia

Thanh Ngân

17/04/2025 15:08 GMT +7

Mạnh dạn chuyển diện tích trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây chia, nhiều hộ dân ở “miền đất gió” Than Uyên (Lai Châu) có thu nhập khá.

Cây chia “bén rễ” trên đồng đất Than Uyên

Những năm gần đây, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Than Uyên không ngừng tìm tòi, đưa các giống cây trồng mới vào trồng thử nghiệm. Nhiều cây trồng mới, có giá trị kinh tế cao đã được huyện Than Uyên đưa vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Cây chia là một trong những cây trồng mới, thu hút được sự quan tâm của người dân Than Uyên.

Huyện Than Uyên ký hợp tác phát triển cây chia với Hợp tác xã Nhà xanh toàn cầu. (Ảnh: Thu Mai)

Phấn đấu trở thành thủ phủ trồng cây chia, tháng 5/2024, huyện Than Uyên ký hợp tác với Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) và Hợp tác xã Nhà xanh toàn cầu (Hà Nội) phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ cây chia.

Được biết đến với cái tên Salvia, cây chia có nguồn gốc từ Mexico và là thực phẩm truyền thống lâu đời của vùng trung và nam Châu Mỹ. Cây chia không chỉ dễ trồng, dễ chăm sóc, mà còn cho giá trị kinh tế khá cao. Hạt chia có giá trị dinh dưỡng cao đối với sức khỏe của người sử dụng. Loại hạt này giàu chất chống oxy hóa, chất xơ, protein và các loại khoáng chất thiết yếu khác.

Trên cơ sở trồng thử nghiệm ở nhiều nơi, Hợp tác xã Nhà xanh toàn cầu xác định, Than Uyên là một trong những địa phương có nhiều lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán sản xuất, phù hợp trồng cây chia. Than Uyên cũng có nhiều tiềm năng để quy hoạch phát triển thành vùng sản xuất cây chia.

Cây chia được trồng tập trung ở các xã: Tà Mung, Mường Than, Mường Cang, Mường Kim của huyện Than Uyên. (Ảnh: Thu Mai) 

Nhận thức rõ tiềm năng, lợi thế của địa phương, ngay sau khi ký kết hợp tác sản xuất cây chia, huyện Than Uyên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trồng cây chia. Mặt khác, huyện Than Uyên sớm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn rà soát diện tích đất và vận động bà con chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây chia, từng bước đưa cây chia trở thành cây trồng chủ đạo tại địa phương.

Được tuyên truyền, phổ biến về giá trị kinh tế của cây chia, nhiều hộ dân ở Than Uyên đã mạnh dạn đưa giống cây mới này vào trồng thay thế các cây trồng hiệu quả thấp. Đến thời điểm này, huyện Than Uyên đã trồng được 12ha cây chia, tập trung ở các xã: Mường Than, Mường Cang, Mường Kim và Tà Mung. Huyện Than Uyên dự kiến tiếp tục mở rộng diện tích lên 20ha vào cuối năm nay.

Thu nhập khá từ cây chia

Tà Mung là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Than Uyên. Thu nhập, đời sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do thiếu nước nên từ nhiều năm nay, người dân xã Tà Mung chỉ sản xuất được một vụ lúa. Do đó, người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã còn cao. Khi huyện Than Uyên chỉ đạo đưa cây chia vào trồng trên diện tích cấy lúa một vụ, xã Tà Mung đã vận động người dân trồng loại cây mới này. Hợp với khí hậu và thổ những nơi đây, cây chia sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở hướng thoát nghèo cho người dân xã vùng cao này.

Nhiều hộ dân ở Than Uyên có thu nhập khá từ trồng cây chia. (Ảnh: Thu Mai)

Trò chuyện với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, chị Sùng Thị Chua, ở bản Hô Ta (Tà Mung, Than Uyên) vui vẻ nói: Tháng 11/2024, gia đình tôi chuyển đổi 5.000m2 đất cấy lúa 1 vụ sang trồng cây chia. Khi nghe cán bộ xã tuyên truyền, vận động, vợ chồng tôi cũng không tin lắm vào giá trị kinh tế của cây chia. Sau một thời gian trồng, nhận thấy cây chia sinh trưởng, phát triển tốt, vợ chồng tôi cũng khấp khởi mừng thầm và đặt nhiều hy vọng vào giống cây trồng mới này. Với 5000m2 trồng chia, vụ vừa rồi, gia đình tôi thu gần 300kg hạt chia khô. Toàn bộ hạt chia của gia đình được Hợp tác xã Nhà xanh toàn cầu thu mua hết. Bán cho Hợp tác xã Nhà xanh toàn cầu với giá 100 nghìn đồng/1kg hạt chia khô, gia đình tôi thu gần 30 triệu đồng. So với trồng lúa, trồng chia cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Cây chia cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với một số cây trồng khác. (Ảnh: Thu Mai)

Tìm hiểu được biết, cây chia được trồng vào khoảng tháng 10 âm lịch, từ lúc gieo giống đến khi thu hoạch từ 3,5 - 4 tháng. Trước khi đưa cây chia vào sản xuất, người dân được cán bộ Hợp tác xã Nhà xanh toàn cầu hướng dẫn kỹ thuật làm đất, trồng và chăm sóc giống cây mới này. Nhờ tuân thủ quy trình trồng, chăm sóc, cây chia sinh trưởng, phát triển tốt trên đồng đất Tà Mung, năng suất đạt 9 tạ/ha. Năm 2025, xã Tà Mung tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích, dự kiến thực hiện 10ha.

Không chỉ sinh trưởng, phát triển tốt trên đồng đất xã Tà Mung, cây chia còn mang lại thu nhập khá cho người dân các xã: Mường Cang, Mường Than, Mường Kim của huyện Than Uyên.

Bến Tre: Nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình kinh tế trong quý I năm 2025

Bến Tre: Nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình kinh tế trong quý I năm 2025

Trong quý I năm 2025, Hội Nông dân tỉnh Bến Tre đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên nông dân thi đua lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội.

Quảng Nam: Hội Nông dân Điện Bàn ra quân diệt cây mai dương, xây dựng mô hình kinh tế cho hội viên nông dân

Quảng Nam: Hội Nông dân Điện Bàn ra quân diệt cây mai dương, xây dựng mô hình kinh tế cho hội viên nông dân

Ngày 27/2, tại khu vực Bãi Dư (khối phố Đồng Hạnh, phường Điện Minh, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), Hội Nông dân thị xã Điện Bàn tổ chức Lễ phát động thực hiện mô hình “Diệt cây mai dương – Xây dựng mô hình kinh tế” năm 2025.

Nậm Nhùn: Tiếp tục triển khai các mô hình kinh tế có hiệu quả

Nậm Nhùn: Tiếp tục triển khai các mô hình kinh tế có hiệu quả

Đó là một trong những nội dung nhấn mạnh của ông Mùa A Trừ - Bí thư Huyện ủy Nậm Nhùn (Lai Châu) tại hội nghị Tổng kết xây dựng Đảng năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 do Huyện ủy Nậm Nhùn tổ chức.