Nhiều người băn khoăn về kênh đầu tư hiệu quả trong năm 2021. Vậy người có tiền nên đầu tư vào đâu?
Lãi suất huy động tại các ngân hàng giảm xuống mức thấp, tuy nhiên việc phục hồi sản xuất kinh doanh vẫn khó khăn. Điều này khiến nhiều người băn khoăn về kênh đầu tư hiệu quả trong năm 2021.
"Cháy" trái phiếu doanh nghiệp
Anh Nguyễn T.L. (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vừa quyết định bỏ vốn 200 triệu đồng để mua trái phiếu doanh nghiệp tại một công ty chứng khoán. Số tiền này là anh rút từ ngân hàng sau khi đáo hạn sổ tiết kiệm.
"Lãi suất ngân hàng hiện xuống rất thấp, ở ngân hàng lớn chưa được 4%, ngân hàng nhỏ cũng chỉ 5 - 6%. Muốn được mức trên 6% một chút thì phải gửi ở ngân hàng nhỏ và kỳ hạn trên một năm. Trong khi đó, với trái phiếu tôi vừa đầu tư có lợi suất lên tới 9%/năm với kỳ hạn 6 tháng. Loại này lãi cao, công ty cũng cam kết mua lại, chỉ có điều 3 tháng mới được lĩnh lãi một lần", anh L. thông tin.
Do lợi nhuận cao, trái phiếu doanh nghiệp mấy năm qua đã trở thành kênh đầu tư hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư như anh L.
Đơn cử như trái phiếu của Công ty CP EuroWindow Holding (kỳ hạn hai năm, phát hành ngày 25/10/2019) đang được chào bán với lợi suất 8,6%/năm; Trái phiếu của Tổng công ty CP Thiết bị điện Việt Nam (kỳ hạn ba năm, phát hành ngày 23/7/2020) chào bán có lợi suất 9,2%/năm. Hay trái phiếu của Công ty CP Dịch vụ hàng không Thăng Long (TASECO) (kỳ hạn một năm, phát hành ngày 6/8/2020) lợi suất 8,6%/năm…
Chuyên viên môi giới tại một công ty chứng khoán mới tham gia phân phối trái phiếu doanh nghiệp ba năm nay cho biết, công ty này đang "cháy hàng".
"Có hàng ra là hết vì khách đặt mua nhiều. Khách lẻ cũng rót vài trăm triệu tới vài tỷ đồng. Đợt cuối năm này công ty không có hàng để bán", anh này nói và cho biết, tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp để phân phối trái phiếu khá kỹ lưỡng như: Doanh nghiệp phải có uy tín, làm ăn có lãi, dự án phải khả thi, lợi suất hấp dẫn hơn lãi suất ngân hàng, trái phiếu phải có tài sản đảm bảo. Lại thêm cam kết được công ty mua lại 100% khi cần bán nên nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Nhờ vậy, doanh thu từ trái phiếu của công ty năm nay so với năm đầu tham gia phân phối đã tăng 10 lần.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán SSI, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành từ đầu năm đến hết tháng 9/2020 là 341.000 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2019.
Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tính trên GDP tăng từ 11,4% cuối năm 2019 lên 14,4% vào cuối tháng 9/2020. Nhiều ngân hàng, doanh nghiệp qua kênh trái phiếu đã thu về hàng nghìn tỷ đồng mỗi đợt phát hành trong năm qua. Tiếp đó, nhiều công ty đã lên kế hoạch phát hành hàng nghìn tỷ đồng nữa ngay đầu năm 2021.
Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng tiềm ẩn rủi ro nếu nhà đầu tư không tìm hiểu kỹ tổ chức phát hành, tài sản đảm bảo, mục đích sử dụng vốn hay phương án vốn để thanh toán gốc, lãi. Chính vì vậy, Bộ Tài chính cũng đã khuyến cáo nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân thận trọng khi rót tiền vào kênh này.
Vàng, chứng khoán: Có thể tăng cao nhưng giảm cũng sâu
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hiện thị trường chứng khoán đang lên mới là kênh thu hút được nhiều nhà đầu tư. Kể từ khi VN-Index chạm "đáy" hồi cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm nay, chỉ số này đã bật tăng mạnh trở lại từ hơn 600 điểm lên hơn 1.000 điểm vào thời điểm cuối tháng 12 (tăng tới 63%). Hàng loạt cổ phiếu trên cả hai sàn TPHCM và Hà Nội đều phục hồi ấn tượng khiến cả thị trường hồ hởi.
Có những cổ phiếu phục hồi mạnh như VCB của Ngân hàng Vietcombank phục hồi 59% so với "đáy" hồi cuối tháng 3 đầu tháng 4 vừa qua, HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM 126%, VIC của Tập đoàn VinGroup 36%, VNM của Công ty CP Sữa Việt Nam 62%, hay SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội tăng tới 227% trong năm qua. Thậm chí, có nhiều cổ phiếu trên sàn UPCom chỉ trong vòng hai tháng 11 và 12, hoặc chỉ trong vòng nửa đầu tháng 12 cũng đạt được mức tăng này.
"Người ta đang quan tâm đến chứng khoán vì thị trường đang lên và được kỳ vọng trong năm 2021. Nhưng chứng khoán cũng là kênh bấp bênh, phụ thuộc vào thị trường thế giới và dòng vốn ngoại", ông Hiếu nói và nhận định năm 2021, chứng khoán là kênh được khuyến khích tham gia nhưng chưa bền vững.
Còn với kênh đầu tư biến động rất mạnh trong năm qua là vàng vẫn đang giữ được "độ nóng", ông Hiếu phân tích, năm nay vàng biến động mạnh vào tháng 3 và tháng 8 (cùng với diễn biến của dịch Covid-19). Giá vàng lên nhanh và khi giảm cũng tụt xuống rất sâu và có sự bất ổn lớn trong năm 2020.
Một số ý kiến phân tích từ quốc tế cho rằng, năm 2021 giá vàng có thể vượt mốc 2.000 USD/ounce, thậm chí vượt 2.100 USD/ounce (tương đương 58,5 triệu đồng quy đổi theo tỷ giá ngày 23/12 tại Vietcombank).
Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng, năm tới, giá vàng tăng hay không vẫn tùy thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh. "Dưới tác động của dịch bệnh, nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng thì giá vàng lại lên. Tuy nhiên, nếu vaccine được phân phối đến các nước nhanh chóng thì giá vàng sẽ ổn định lại", ông Hiếu phân tích.
Thêm nữa, giá vàng cũng sẽ phụ thuộc vào Chính phủ các nước sẽ "tung" gói kích cầu kinh tế như thế nào để phục hồi nền kinh tế sau dịch bệnh, cũng như khả năng kiểm soát lạm phát do tăng cung tiền.
Bất động sản sẽ "trở lại lợi hại"?
Do tình hình của dịch bệnh, thị trường bất động sản trải qua năm 2020 một cách khó khăn, nhất là với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng và du lịch.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2020, thị trường đã "ấm" dần lên khi nhiều dự án "bung hàng" nhờ hàng loạt chính sách mới trực tiếp hỗ trợ thị trường như: Luật Đầu tư sửa đổi 2020, Luật Xây dựng sửa đổi 2020, Nghị định 25/2020/NĐ-CP quy định một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, Nghị định 148 tháo gỡ vướng mắc cho dự án bất động sản có đất công xen kẽ…
Những cơ chế này, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, sẽ tác động tích cực đến thị trường. Ông Châu cũng dự báo, từ nay đến Tết Âm lịch và cả năm 2021, thị trường bất động sản tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng trở lại do có những tác động tích cực từ việc cả nước kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19.
Bà Hoàng Nguyệt Minh, Phó giám đốc bộ phận Tư vấn đầu tư Savills Hà Nội tại tọa đàm "Đầu tư bất động sản hậu Covid-19" mới đây cho rằng, điểm sáng của thị trường sẽ là bất động sản công nghiệp với các khu công nghiệp đã được quy hoạch, bất động sản phục vụ mô hình nghỉ dưỡng kết hợp du lịch, các dự án đồng bộ về dịch vụ, trải nghiệm ẩm thực, vui chơi giải trí và chăm sóc sức khỏe.
Viện Nghiên cứu bất động Việt Nam đã đưa ra hai kịch bản đối với thị trường bất động sản năm 2021. Kịch bản thứ nhất, khi các chỉ tiêu vĩ mô được đảm bảo, dịch bệnh được kiểm soát, thị trường bất động sản sẽ phát triển ở mức cao hơn năm 2019, thậm chí sẽ có sự bùng nổ ở một vài phân khúc nhất định, nhất là loại hình bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, có hạ tầng tốt, được khai thác vận hành đồng bộ, xây dựng theo hướng xanh - thông minh.
Với những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, những nhà đầu tư uy tín và đủ tiềm lực tài chính sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với nguồn cung dồi dào và giá tốt.
Kịch bản thứ hai, khi các chỉ tiêu vĩ mô trên không được đảm bảo, dịch bệnh chưa thể kiểm soát, thị trường bất động sản năm 2021 vẫn sẽ giữ mức như năm 2020. Một số phân khúc có thể gặp nhiều trở ngại. Trong trường hợp không có sự can thiệp của Chính phủ cũng như sự chủ động thích ứng của doanh nghiệp, thị trường có thể bị đóng băng.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu:
Gửi tiền vào ngân hàng an toàn nhất
Kênh đầu tư ngoại hối, theo tôi nghĩ, NHNN sẽ tìm cách ổn định tỷ giá để Việt Nam có thể ra ngoài danh sách thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ.
Ngoài các kênh đầu tư chính thống thì còn các kênh khác như đầu tư vào đồng tiền kỹ thuật số, đầu tư trên sàn Forex đang thu hút nhà đầu tư nhưng nhà đầu tư phải thận trọng vì tính pháp lý và độ rủi ro rất cao.
Có thể nói, trong tất cả các kênh đầu tư trong năm 2021, nếu ai quan tâm tới sự an toàn thì tiền gửi ngân hàng vẫn là an toàn nhất dù lãi suất hạ. Còn ai mạnh tay có thể chấp nhận rủi ro tham gia đầu tư vào vàng hay chứng khoán.