dd/mm/yyyy

Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc chi hàng trăm triệu USD để nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam

5 tháng đầu năm 2024 xuất khẩu nhóm hàng thủy sản đạt gần 3,55 tỷ USD, tăng 4,9% so với 5 tháng đầu năm 2023.

Xuất khẩu thủy sản sang các thị trường 5 tháng đầu năm 2024 

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu nhóm hàng thủy sản tháng 5/2024 tăng 6,7% so với tháng 4/2024 và tăng 2,3% so với tháng 5/2023, đạt gần 827,89 triệu USD. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024 xuất khẩu nhóm hàng này đạt gần 3,55 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Thủy sản xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Mỹ chiếm 17,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt gần 609,88 triệu USD, tăng 8,4% so với 5 tháng đầu năm 2023; trong đó riêng tháng 5/2024 đạt 145,28 triệu USD, tăng 2,4% so với tháng 4/2024 nhưng giảm 3,7% so với tháng 5/2023.

Đứng thứ 2 về kim ngạch là thị trường Nhật Bản chiếm tỷ trọng 16,1%, đạt gần 570,38 triệu USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ; riêng tháng 5/2024 xuất khẩu sang thị trường này đạt 129,23 triệu USD, tăng 8% so với tháng 4/2024 nhưng giảm 5,5% so với tháng 5/2023.

Tiếp đến thị trường Trung Quốc trong tháng 5/2024 tăng 5,9% so với tháng 4/2024 nhưng giảm 8% so với tháng 5/2023, đạt 138,15 triệu USD; cộng chung cả 5 tháng đầu năm 2024 xuất khẩu sang thị trường này tăng 4,8% so với 5 tháng đầu năm 2023, đạt 537,49 triệu USD, chiếm 15,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Xuất khẩu thủy sản sang thị trường FTA RCEP 5 tháng đầu năm 2024 giảm nhẹ 1,1% so với 5 tháng đầu năm 2023, đạt trên 1,76 tỷ USD, chiếm 49,7% trong tổng kim ngạch; Xuất khẩu sang thị trường FTA CPTTP tăng 1,7%, đạt 928,57 triệu USD, chiếm 26,2%. Xuất khẩu sang thị trường EU chiếm 10,8% trong tổng kim ngạch, đạt gần 382,69 triệu USD, tăng 11,3%. Xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á chiếm 6,3% trong tổng kim ngạch, đạt trên 223,13 triệu USD, giảm 18,4%.

Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc chi hàng trăm triệu USD để nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam- Ảnh 1.

Trừ mặt hàng tôm giảm nhẹ, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu trong tháng 5/2024 đều tăng trưởng tốt, trong đó có nhiều mặt hàng bứt phá tăng trưởng cao với 2 con số.

Trừ mặt hàng tôm giảm nhẹ, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu trong tháng 5/2024 đều tăng trưởng tốt, trong đó có nhiều mặt hàng bứt phá tăng trưởng cao với 2 con số.

Đáng chú ý, xuất khẩu cá ngừ và cua ghẹ tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, trong khi xuất khẩu cá tra, mực, bạch tuộc tăng nhẹ. Riêng mặt hàng tôm thấp hơn một chút so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt 3,6 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Tăng trưởng cao nhất trong các mặt hàng thủy sản là xuất khẩu cua ghẹ trong tháng 5 tăng gần 92% đạt trên 26 triệu USD. Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cua ghẹ đạt 101 triệu USD, tăng 84%, chủ yếu nhờ các sản phẩm cua tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ. Hai thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Nhật Bản đều tăng nhập khẩu cua của Việt Nam.

Trong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất cua sống của Việt Nam, có mức tăng nhập khẩu gấp 11 lần so với cùng kỳ năm 2023. Đối với thị trường Nhật Bản, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là các thành phẩm cua tuyết: thịt cua tuyết, cua tuyết tách vỏ, càng cua tuyết và một phần nhỏ là cua đồng xay…

Trong tháng 5/2024, xuất khẩu cá ngừ tăng 36% đạt trên 95 triệu USD, trong đó các sản phẩm cá ngừ đóng hộp tăng 18%, cá ngừ đóng túi tăng đột phá gấp hơn 3,5 lần, cá ngừ loin/phile đông lạnh tăng 25% và cá ngừ nguyên con đông lạnh tăng gấp hơn 7 lần so với tháng 5/2023. Lũy kế tới hết tháng 5/2024, xuất khẩu cá ngừ đạt gần 397 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023.

uất khẩu cá tra tăng 10% và xuất khẩu, mực bạch tuộc và các loài cá khác đều tăng nhẹ 3% trong tháng 5. Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra mang về gần 755 triệu USD, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, xuất khẩu cá biển giảm 3% đạt 742 triệu USD, mực bạch tuộc đạt 236 triệu USD, giảm gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 5/2024, riêng xuất khẩu tôm giảm 1,5% đạt 326 triệu USD, tuy nhiên lũy kế 5 tháng đầu năm vẫn giữ được mức tăng trưởng dương 7% đạt 1,3 tỷ USD.

VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm 2024 có thể đạt 4,4 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Kỳ vọng sau quý II, các vấn đề tồn kho và khó khăn vận tải sẽ giảm bớt, nhu cầu sẽ phục hồi và giá sẽ tăng lại vào quý III, là thời điểm nhu cầu cao phục vụ lễ Tết cuối năm.

"Sự phục hồi chậm và dè dặt của các thị trường, áp lực cạnh tranh về giá xuất khẩu và nguồn cung cùng với những khó khăn trong sản xuất chế biến trong nước như chi phí đầu vào tăng, nguyên liệu thiếu hụt… đang và sẽ tiếp tục tác động đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2024", VASEP đánh giá.

Dự báo quý II và thời gian còn lại của năm 2024, sự phục hồi của xuất khẩu thủy sản tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn do những rủi ro và yếu tố bất định trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng tới nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Việc thực hiện hữu hiệu các giải pháp để giải quyết các vấn đề, vượt qua thách thức và hướng đến mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD trong năm 2024 đang là vấn đề đặt ra.

Trước đó, ngành tôm hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2024 khoảng 4 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 1,9 tỷ USD, còn lại là các mặt hàng hải sản dự báo thu về khoảng 3,6 – 3,8 tỷ USD...

P.V