dd/mm/yyyy

Mường Tè: Quyết tâm phát triển và bảo vệ rừng bền vững

Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát huy thế mạnh của địa phương gắn việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, huyện biên giới Mường Tè (tỉnh Lai Châu) đã triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, từng bước gia tăng giá trị ngành lâm nghiệp, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Mường Tè quyết tâm phát triển và bảo vệ rừng bền vững

Trao đổi với phóng viên báo Dân Việt/Trang trại Việt Điện tử, ông Điêu Chính Dũng – Phó trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Tè, cho biết: Huyện Mường Tè có tổng diện tích tự nhiên khoảng 267.000ha, trong đó diện tích rừng chiếm trên 175.700ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng trên 65,8%, phần lớn là diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ.

Mường Tè: Quyết tâm phát triển và bảo vệ rừng bền vững   - Ảnh 2.

Xác định rõ giá trị từ bảo vệ và phát triển rừng, người dân xã Thu Lũm (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) tăng cường chăm sóc, bảo vệ. Ảnh: Bảo Anh

Trong hai năm 2020 – 2021, người dân Mường Tè được thụ hưởng gần 300 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Nguồn thu này đã tác động tích cực đến đời sống người dân và định hướng phát triển kinh tế của huyện. Xác định tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy, huyện Mường Tè đã xây dựng kế hoạch về phát triển rừng bền vững giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện.

Kế hoạch đã đưa ra mục tiêu, giải pháp thực hiện và giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, ban ngành và cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn. Theo đó, trong giai đoàn 2021 – 2025, huyện Mường Tè tập trung quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có và diện tích rừng tăng thêm hàng năm gắn với cung ứng và chi trả dịch vụ môi trường rừng. Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên trên 8.945ha; trồng mới 2.820ha, trong đó: Trồng rừng phòng hộ, đặc dụng khoảng 200ha, trồng rừng sản xuất và cây phân tán 2.620ha, quyết tâm nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 68,4% vào năm 2025. Thành lập mới khu rừng đặc dụng tại xã Mù Cả, Tà Tổng. Phối hợp với các sở ban ngành tỉnh nghiên cứu thí điểm cho thuê môi trường rừng trên diện tích đất rừng phòng hộ để phát triển trồng cây dược liệu tại các xã có điều kiện. Phấn đấu đến 2030, tỷ lệ che phủ rừng của huyện đạt 70%.

Định hướng phát triển rừng bền vững của huyện đã được các phòng chuyên môn, cấp ủy chính quyền các xã, thị trấn chủ động triển khai. Trao đổi với ông Tống Văn Thi – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mường Tè, chúng tôi được biết: Phòng NN&PTNT đã thực hiện tốt công tác phối hợp với các phòng chuyên môn, chính quyền các xã, thị trấn xây dựng chỉ tiêu phát triển lâm nghiệp vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm. Phòng đã xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu cụ thể cho các xã thị trấn thực hiện cho các địa phương thực hiện nhiệm vụ khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, trong đó khoanh nuôi chuyển tiếp khoảng 6.645ha; khoanh nuôi mới khoảng 2.300ha.

Mường Tè: Quyết tâm phát triển và bảo vệ rừng bền vững   - Ảnh 4.

Những năm gần đây, huyện Mường Tè chú trọng phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Ảnh: Bảo Anh

Bên cạnh đó, Phòng NN&PTNT huyện Mường Tè đã chủ động tham mưu để huyện xây dựng kế hoạch trồng mới và sử dụng rừng. Theo đó, huyện sẽ triển khai trồng thuần và trồng hỗn giao với mật độ 1.600 – 2.000 cây/ha trên 200ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng tại các xã Bum Tở, Tà Tổng, Kan Hồ, Thu Lũm với cơ cấu giống cây trồng gồm: cây sa mộc, cây tông qua sủ đỏ, cây lát hoa, cây dổi xanh. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm hộ, gia đình cá nhân đầu tư trồng rừng sản xuất, trồng cây phân tán, cây dược liệu dưới tán rừng. Trong đó diện tích cây quế khoảng 1.580ha tại các xã Mường Tè, Nậm Khao, Bum Tở, Kan Hồ, Tà Tổng, Pa Ủ, Mù Cả...; trồng cây dược liệu, sâm Lai Châu tại các xã có tiềm năng như: Pa Vệ Sủ, Tá Bạ, Ka Lăng, Thu Lũm, Pa Ủ.

Xã Tà Tổng có diện tích tự nhiên trên 51.000ha, trong đó diện tích rừng chiếm khoảng 30.000ha. Tà Tổng là địa phương có diện tích tự nhiên, diện tích rừng lớn nhất huyện Mường Tè, chủ trương phát triển rừng bền vững đã được cấp ủy, chính quyền xã tích cực triển khai. Ông Sùng A Chứ - Chủ tịch UBND xã Tà Tổng cho biết: Thực hiện chủ trương phát triển rừng bền vững theo những văn bản chỉ đạo của UBND huyện, cấp ủy, chính quyền xã đã phối hợp với Trạm Kiểm lâm Tà Tổng và các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ và phát triển rừng gắn với chi trả dịch vụ môi trường rừng. Xã luôn thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.

Theo kế hoạch, Tà Tổng được giao khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên trên 1.530ha, trong đó có 1.130ha diện tích khoang nuôi chuyển tiếp và trên 400ha khoanh nuôi mới. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, xã đã giao cụ thể diện tích khoanh nuôi cho từng bản, từng hộ dân và hướng dẫn các biện pháp để phát huy tối đa khả năng tái sinh tự nhiên thành rừng như: phát dọn dây leo, cây bụi, phòng cháy chữa cháy và chống chặt phá rừng.

Mường Tè: Quyết tâm phát triển và bảo vệ rừng bền vững   - Ảnh 5.

Người dân xã Tà Tổng (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) tích cực khai hoang, mở rộng diện tích trồng rừng. Ảnh: Bảo Anh

Với nhiệm vụ trồng rừng mới, xã đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện tổ chức kiểm tra, rà soát diện tích đất chưa có rừng thuộc danh giới rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất phù hợp với các yêu cầu sinh thái của các loại cây. Theo đó, xã đã quy hoạch được trên 50ha đất trồng rừng phòng hộ đặc dụng và hàng trăm ha đất trồng rừng sản xuất phù hợp với các loại cây có giá trị kinh tế cao như mắc ca, quế...

Chia sẻ với phóng viên báo Dân Việt/Trang trại Việt Điện tử về mục tiêu và quyết tâm phát triển và bảo vệ rừng bền vững, ông Đao Văn Khánh – Chủ tịch UBND huyện Mường Tè nhấn mạnh: Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị bằng kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, chủ trương phát triển rừng bền vững theo tinh thần Nghị quyết 03 của Tỉnh uỷ sẽ được huyện Mường Tè triển khai thực hiện hiệu quả. Nhờ đó, hỗ trợ người dân và thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển rừng gắn với chế biến và thương mại lâm sản, du lịch sinh thái, từng bước gia tăng giá trị ngành lâm nghiệp trong tổng giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp, tạo thêm việc làm, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng gắn với xây dựng nông thôn mới.

Vinh Duy - Bảo Anh