dd/mm/yyyy

Mường La nỗ lực giảm nghèo bền vững

Nhận thức rõ nhiệm vụ của công tác giảm nghèo là nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thúc đẩy KT-XH phát triển và thực hiện công bằng xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Những năm qua, huyện Mường La, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững, từng bước nâng cao đời sống của người dân.

Mường La là huyện miền núi khó khăn của tỉnh Sơn La, toàn huyện có 16 xã, thị trấn và 6 dân tộc cùng đoàn kết sinh sống; địa hình rừng núi phức tạp chia cắt mạnh, độ dốc lớn; kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, nhiều xã giao thông đi lại khó khăn; đất phục vụ sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm, bạc màu, thiếu nước, chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết. Bên cạnh đó, tập quán canh tác lạc hậu, nhỏ lẻ, phân tán, việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất hạn chế.

Nuôi cá lồng, một trong những nghề được huyện quan tâm hỗ trợ phát triển rộng tại các xã vùng dọc sông. 

Tại địa bàn, hời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, mưa lũ thường xuyên xảy ra làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sản xuất của đại bộ phận nhân dân, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng cao. Thêm nữa, một bộ người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại và sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, chưa ý thức tự lực khắc phục khó khăn vươn lên, chưa biết khai thác nguồn lực sẵn có tại địa phương, khiến tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn ở mức cao.

Xác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền huyện Mường La dã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện công tác giảm nghèo, gắn với xây dựng nông thôn mới. Thành lập Ban chỉ đạo đạo xóa đói giảm nghèo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể trong từng giai đoạn và hằng năm về công tác giảm nghèo.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả đang đem lại thu nhập ổn định cho người dân. 

Huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân ý thức vươn lên giảm nghèo, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập. Vận động nhân dân đóng góp nhân lực, vật lực trong xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn làm đòn bẩy phát triển KT-XH. Thông qua các buổi tuyên truyền đã giúp cho các hộ nghèo có ý thức vươn lên thoát nghèo, khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, coi đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội để người nghèo vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Hàng năm, huyên còn giao chỉ tiêu đăng ký giảm nghèo cho các xã, đưa mục tiêu giảm nghèo vào tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu đơn vị, cơ sở. Tăng cường công tác đối thoại giảm nghèo, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, có biện pháp hỗ trợ kịp thời người dân vươn lên. Tranh thủ sự hỗ trợ của các chương trình, dự án giảm nghèo hỗ trợ sản xuất và xây dựng kết cấu hạ tầng, như: Chương trình 135, 30a, nông thôn mới... Nhờ đó, kết cấu hạ tầng của huyện phát triển đáng kể, điện, đường, trường học được đầu tư xây dựng tại tất cả các xã, mở ra cơ hội giao lưu hàng hóa, cải thiện đời sống người dân.

Sản phẩm xoài, một trong số sản phẩm cây ăn quả của huyện đã xuất khẩu ra thị trường nước ngoài tiêu thụ. 

Thời gian qua, huyện còn tập trung vận động nhân dân khai thác tiềm năng thế mạnh địa phương đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động, nhất là lao động tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khó khăn… Tạo cơ hội tốt để người nghèo tự vươn lên thoát nghèo. Phân vùng sản xuất, tại các vùng dọc sông Đà và vùng phụ cận như xã Chiềng Hoa, Tạ Bú, Chiềng San, Nặm Păm, Pi Toong, Mường Bú, Mường Chùm, Mường Trai, ưu tiên nuôi thủy sản, trồng cây ăn quả xoài, nhãn, cam, bưởi...

Tại các xã vùng cao như Ngọc Chiến, Chiềng Công, Chiềng Ân, Chiềng Muôn, Nặm Giôn, Chiềng Lao, Hua Trai, huyện tập trung trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc, mở rộng diện tích cây táo sơn tra và sản xuất rau sạch, hoa và chăn nuôi đại gia súc. Khu vực trung tâm đầu tư xây dựng, phát triển các loại hình dịch vụ, hình thành cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp, xây dựng, lâm nghiệp. Tập trung cao cho đầu tư phát triển để trở thành vùng kinh tế trọng điểm của huyện kéo các vùng khác phát triển theo. Tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến nông - lâm sản; chuyển dần lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp.

Hiện tại, huyện Mường La có tổng đàn gia súc, trong đó tổng đàn bò nhiều nhất tỉnh Sơn La.

 Nhờ triển khai đồng bộ hiệu quả các chính sách giảm nghèo, điều kiện sống của người nghèo được cải thiện rõ rệt. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất của người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống 35,6%. Y tế, giáo dục, văn hoá được quan tâm; hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện, nước sinh hoạt được ưu tiên đầu tư. Đến nay, 65% thôn, bản có đường giao thông được cứng hóa; 100% trung tâm xã có điện... Công tác giảm nghèo đạt được kết quả rõ rệt, nhân dân tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Quốc Định