Mường Chà, đào tạo nghề cho người lao động bắt đầu từ không đến có
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Quang Hợp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Chà cho biết: "Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo của huyện Mường Chà rất lớn. Để người lao động được đào tạo nghề, giúp họ có việc làm là nhiệm vụ trọng tâm của huyện trong những năm qua. UBND huyện đã xây dựng đề án về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giao cho các phòng chức năng phối hợp với UBND các xã thực hiện". Sau thời gian thực hiện đào tạo nghề, nhiều lao động nông thôn đã có kiến thức trong phát triển kinh tế, tự tìm kiếm việc làm.
Cũng theo ông Nguyễn Quang Hợp thì thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được cấp ủy, chính quyền huyện Mường Chà chú trọng. Huyện xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Với phương châm "học đi đôi với hành", lấy hiệu quả để đánh giá chất lượng, nhiều học viên sau khi tham gia khóa đào tạo nghề đã thay đổi nhận thức, có việc làm ổn định, từng bước vươn lên phát triển kinh tế.
Dẫn chúng tôi đi thăm các mô hình kinh tế mới, những lao động đã có việc làm sau khi được đào tạo nghề, bà Lò Thị Bô, Chủ tịch Hội Nông dân huyện chia sẻ: "Lao động sau khi được đào tạo nghề đã có việc làm, thu nhập ổn định. Nhiều gia đình còn đầu tư chăn nuôi cho thu nhập khá. Qua kiểm tra, trung bình mỗi năm có hơn 300 lao động được đào tạo nghề có việc làm ổn định".
Cách đây gần 5 năm, gia đình anh Lò Văn Thao ở tổ dân phố 11, thị trấn Mường Chà thuộc diện hộ khó khăn. Mọi trang trải sinh hoạt hàng ngày của 5 miệng ăn trong gia đình cơ bản dựa vào số tiền anh Thao kiếm được từ nghề bốc vác thuê. Năm 2018, anh Thao tham gia lớp nghề xây dựng do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức. Sau khóa học anh Thao đã có công việc ổn định; từ nghề thợ xây mỗi tháng cho thu nhập hơn 10 triệu đồng.
Khác với anh Thao, anh Quàng Văn Phanh, bản Pom Cại, xã Mường Tùng lại tham gia lớp đào tạo nghề kỹ thuật chăn nuôi. Anh Phanh cho biết: "Trước đây tôi cũng như nhiều hộ dân trong bản chăn nuôi theo tập quán cũ, nghĩa là có gì cho ăn đấy hoặc thả rông. Khi lợn bị ốm thì tự điều trị, vì thế mà vật nuôi chậm phát triển. Năm 2019, tôi đăng ký tham gia lớp kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho lợn do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức. Sau thời gian học tập và thực nghiệm, với những kiến thức tiếp thu được, tôi áp dụng thành thạo đối với đàn lợn của gia đình. Đến nay, mô hình nuôi lợn của gia đình luôn sinh trưởng và phát triển tốt". Thu nhập hàng năm của gia đình từ chăn nuôi đã được trên 100 triệu đồng, từ một hộ nghèo, gia đình anh Phanh đã trở thành hộ khá của bản.
Mường Chà đào tạo nghề kết hợp với chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho nông dân
Không chỉ tổ chức hiệu quả các lớp nghề xây dựng, kĩ thuật chăn nuôi, thời gian qua, huyện Mường Chà còn triển khai xây dựng một số mô hình đào tạo nghề có cho lao động nông thôn theo từng nhóm nghề ở địa phương, như: Mô hình chuyển đổi từ trồng lúa nương sang trồng dứa tại 5 xã: Na Sang, Mường Mươn, Sa Lông, Huổi Lèng, Ma Thì Hồ, năng suất đạt 150 tạ/ha, đạt giá trị thu hoạch trên 75 triệu đồng/ha. Hay mô hình chuyển đổi từ trồng lúa nương sang dong riềng tại 2 xã Nậm Nèn, Pa Ham với 260ha, doanh thu đạt trên 55 triệu đồng/ha...
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Thái, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Chà cho biết: "Từ 2016 đến nay, huyện Mường Chà đã đào tạo nghề cho hơn 1.600 lao động nông thôn. Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả, sát thực tế, trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch được giao, hàng năm, các cơ quan chức năng huyện đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chính quyền các xã nắm bắt nhu cầu học nghề của người dân, cũng như điều kiện từng địa phương. Xây dựng kế hoạch, mở các lớp đào tạo nghề". Sau mỗi khóa học, huyện đều tổ chức rà soát, đánh giá tình trạng người lao động sau học nghề theo hình thức: Năm sau đánh giá năm trước, với sự tham gia của đại diện chính quyền địa phương, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị tổ chức giảng dạy và một số cơ quan, đơn vị liên quan.
Qua khảo sát, cơ bản các học viên đã nắm được kiến thức trên lớp, đồng thời áp dụng vào thực tế chăn nuôi, trồng trọt tại gia đình; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sang những cây, con giống cho hiệu quả kinh tế cao hơn, bởi thế mà trong tổng số lao động được học nghề, có trên 70% lao động có việc làm hoặc áp dụng những kiến thức đã học vào phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình.