Chính sách hỗ trợ sản xuất, "đòn bẩy" phát triển cho đồng bào Mường Ảng
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Huyện ủy cho biết: "Chính quyền huyện Mường Ảng đã triển khai hàng loạt chương trình, dự án hỗ trợ thiết thực cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là những khu vực còn khó khăn. Trong đó, các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển giao khoa học kỹ thuật đã đóng góp tích cực vào việc nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng bào được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi chất lượng, phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện tự nhiên của địa phương, như giống lúa năng suất cao, cây cà phê và các giống cây ăn quả có giá trị kinh tế.
Bên cạnh đó, các dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được triển khai mạnh mẽ, giúp đồng bào học hỏi những kỹ năng cần thiết để áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Chính quyền còn kết hợp với các đơn vị chuyên môn để tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác bền vững, bảo vệ môi trường và tối ưu hoá chi phí sản xuất. Những lớp tập huấn không chỉ giúp bà con nâng cao tay nghề mà còn tiếp cận những phương pháp mới trong sản xuất, giảm phụ thuộc vào thời tiết và biến đổi khí hậu.
Nhờ sự quan tâm, đầu tư kịp thời của chính quyền, huyện đã tạo điều kiện thuận lợi để bà con an cư lạc nghiệp và phát triển kinh tế ngay tại quê hương mình. Trò chuyện với chúng tôi khi tay vẫn thoăn thoắt nhổ cỏ, vun đất dưới gốc cây cà-phê, ông Lò Văn Nuôi, bản Bua 2, xã Ảng Tở vui vẻ cho biết, vườn cà-phê này của gia đình ông có diện tích gần 1ha; toàn bộ cây giống, phân bón chăm cây được xã hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ngoài cây giống, phân bón, trước khi triển khai trồng cây chúng tôi còn được cán bộ kỹ thuật của Phòng Nông nghiệp huyện, xã về hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây theo từng giai đoạn sinh trưởng. Thực hiện đúng theo hướng dẫn và chăm sóc cây thường xuyên, sau gần 2 tháng trồng trên đất mới toàn bộ cây trong vườn của gia đình ông đều phát triển tốt; các cây rất đều thân, đều lá.
Cùng bản Bua 2 với gia đình ông Nuôi, trong năm 2024 có hàng chục gia đình cũng được hỗ trợ cây cà-phê giống để trồng mới. Ông Quàng Văn Hải, Trưởng bản Bua 2, cho biết, ở bản Bua 2 có một số gia đình đã trồng, chăm sóc cà-phê đem lại hiệu quả kinh tế, cho nên khi nghe cán bộ xã thông tin các chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 có hỗ trợ cây giống thì bà con bản Bua 2 đều có nguyện vọng được hỗ trợ cây cà-phê để bà con trồng trên các diện tích đất sản xuất. Riêng năm nay, bản Bua 2 đã trồng thêm hàng chục héc-ta cà-phê; hiện cây phát triển tốt lắm!
Hỗ trợ vay vốn, giúp người dân Mường Ảng mạnh dạn khởi nghiệp
Thiếu vốn là một trong những rào cản lớn nhất đối với đồng bào dân tộc thiểu số khi muốn phát triển sản xuất. Thấu hiểu điều này, chính quyền Mường Ảng đã tích cực phối hợp với các tổ chức tín dụng để triển khai các chương trình vay vốn ưu đãi. Đặc biệt, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh huyện đã tạo điều kiện thuận lợi để bà con dễ dàng tiếp cận các khoản vay với lãi suất thấp, giúp họ có nguồn lực tài chính ổn định để đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi và trồng trọt.
Nhờ có nguồn vốn vay này, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư vào các mô hình kinh tế mới. Một số hộ dân đã phát triển thành công các trang trại nhỏ với các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, giúp họ thoát nghèo và thậm chí còn vươn lên làm giàu. Chính quyền huyện cũng thường xuyên giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho những hộ vay vốn để đảm bảo đồng bào sử dụng vốn hiệu quả và đạt được những kết quả tích cực trong sản xuất.
Ông Nguyễn Phùng Thông, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng cho biết, thực hiện dự án 2 "Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo" và dự án 3 "Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng", Mường Ảng đã giao nguồn, bố trí kinh phí cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện làm chủ đầu tư thực hiện 10 dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo liên kết theo chuỗi giá trị trong cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm quả cà-phê Catimor và chè hữu cơ cho 529 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ làm kinh tế giỏi, hộ dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo...
Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững có 430 lao động là con em đồng bào các dân tộc thiểu số được hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn phù hợp nhu cầu; 33 lao động được hỗ trợ đào tạo, xuất cảnh lao động nước ngoài và hơn 45 nghìn lượt người là hộ nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số được tập huấn nghiệp vụ, thực hiện thu thập thông tin nhu cầu lao động…
Ngoài hỗ trợ kinh tế, Mường Ảng còn đặc biệt chú trọng nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho bà con dân tộc thiểu số. Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức thường xuyên tại các bản làng, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Các lễ hội truyền thống cũng được tổ chức với sự tham gia nhiệt tình của bà con, tạo không khí vui tươi, đoàn kết và góp phần xóa bỏ các phong tục lạc hậu.
Huyện còn chú trọng vào phát triển hệ thống y tế cơ sở, đảm bảo cung cấp dịch vụ y tế gần nhất cho bà con. Nhờ có sự quan tâm này, nhiều người dân đã được tiếp cận với các dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng ngay tại địa phương mà không cần phải di chuyển xa.
Những nỗ lực không ngừng của chính quyền huyện Mường Ảng đã mang lại những chuyển biến tích cực trong cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số. Đến nay, nhiều hộ gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn tự tin vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Đời sống của bà con không chỉ được nâng cao về mặt kinh tế mà còn được cải thiện về tinh thần và văn hóa, giúp Mường Ảng ngày càng phát triển bền vững.
Trong thời gian tới, huyện Mường Ảng sẽ tiếp tục triển khai và đẩy mạnh hơn nữa các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời tạo điều kiện để họ phát triển sản xuất một cách hiệu quả và bền vững.