Bẻ một thứ măng ở Nghệ An, ra khỏi rừng thương lái gom hết sạch, tiền trao tay, ai cũng thích

Thắng Tình Thứ tư, ngày 20/09/2023 05:47 AM (GMT+7)
Mùa này, phụ nữ ở xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An lại mang gùi vào rừng hái măng rừng. Măng rừng là thứ đặc sản được nhiều người ưa chuộng. Khi đưa về xuôi, măng rừng trở thành món ngon nhà nhà tranh nhau mua.
Bình luận 0

Phụ nữ vùng cao ở Nghệ An đổ xô đi hái lộc rừng, món mà nhà nào cũng mê

Thời điểm này, tại các cánh rừng ở xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An măng nứa, măng mét mọc nhiều. Mùa măng rừng ở nơi đây bắt đầu từ tháng 7 âm lịch kéo dài đến hết tháng 9 âm lịch. Đây cũng là quãng thời gian, người dân xã Hạnh Dịch tranh thủ hái loại lộc rừng để kiếm thêm thu nhập.

Bà Lô Thị Cúc (SN 1967, trú xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong) cùng con gái mang một gùi măng từ bìa rừng ra. Vừa ra đến nơi, hai mẹ con bà Cúc đi thẳng tới địa điểm thương lái đã chờ sẵn để bán. 

Sau một buổi sáng, cả hai mẹ con hái được 19 kg măng, với số măng rừng này, hai mẹ con bà Cúc kiếm được 160.000 đồng.

Phụ nữ vùng cao Nghệ An hái loại lộc rừng ăn ngon miệng, về xuôi nhà nào cũng tranh nhau mua - Ảnh 2.

Măng rừng được sơ chế ngay tại chỗ để bán cho thương lái. Ảnh: N.T

Bà Cúc cho biết, năm nay, nắng nhiều nên măng mọc ít hơn. Tuy nhiên, đối với mẹ con bà Cúc, hái măng rừng để bán là nguồn thu nhập chính trong thời điểm hiện tại. 

Măng rừng ngon nhất là hái loại măng vừa nhú lên mặt đất khoảng 20 - 30 cm. Sau khi hái, người dân dùng mũi dao sắc nhọn tách bóc hết phần bẹ, chỉ lấy phần thân măng non trong cùng.

Phụ nữ vùng cao Nghệ An hái loại lộc rừng ăn ngon miệng, về xuôi nhà nào cũng tranh nhau mua - Ảnh 3.

Thương lái đợi sẵn để mua măng rừng mà người dân vừa hái về. Ảnh: N.T

Chị Lữ Thị Minh (trú xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong) chia sẻ, măng rừng được thương lái về tận bản thu mua. Giá măng rừng tùy theo từng loại, giao động khoảng 8.000 - 10.000 đồng/kg. Nếu ngày nào không bán được cho thương lái, chị Minh sẽ mang về chế biến, phơi khô để gia đình ăn dần.

Công việc hái măng rừng rất vất vả. Riêng việc cõng cả gùi măng ra khỏi rừng rất tốn sức. Vào những ngày trời mưa, đường trơn trượt càng vất vả hơn. Măng rừng được xem như thứ lộc của trời, giúp người dân nơi đây có thêm thu nhập.

Phụ nữ vùng cao Nghệ An hái loại lộc rừng ăn ngon miệng, về xuôi nhà nào cũng tranh nhau mua - Ảnh 4.

Măng rừng tại xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An sau khi sơ chế được thu mua với giá từ 8.000 - 10.000 đồng/kg tùy theo chất lượng.

Thương lái sau khi thu mua măng rừng thì sơ chế để bán tại các chợ trên địa bàn hoặc vận chuyển về xuôi tiêu thụ. Loại lộc rừng ở huyện miền núi khi đổ bộ về xuôi rất được ưa chuộng, nhà nào cũng tranh nhau mua. 

Xưởng chế biến hoạt động hết công suất mùa măng rừng

Khi mùa lộc rừng vào chính vụ, những xưởng chế biến măng rừng ở huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An cũng hoạt động hết công suất. 

Đây là những cơ sở chế biến măng khô. Để đảm bảo chất lượng của sản phẩm, măng rừng được thu mua về phải sơ chế ngay. Vì thế các xưởng chế biến măng khô phải thuê thêm nhân công hoạt động hết công suất.

Phụ nữ vùng cao Nghệ An hái loại lộc rừng ăn ngon miệng, về xuôi nhà nào cũng tranh nhau mua - Ảnh 5.

Măng rừng tươi được sơ chế tại một xưởng chế biến măng rừng khô ở xã Tiền Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Q.A

Măng rừng sau khi được thu mua về công nhân sẽ cắt bỏ một phần gốc và ngọn nhằm đảm bảo sản phẩm măng khô được ngon. 

Chị Quang Thị Vân, chủ một cơ sở chế biến măng khô ở xã Tiền Phong, huyện Quế Phong chia sẻ, bà con đi hái măng thường không cắt hết phần già để thêm trọng lượng. Vì thế mình phải sơ chế lại, như vậy sản phẩm mới chất lượng hơn.

Phụ nữ vùng cao Nghệ An hái loại lộc rừng ăn ngon miệng, về xuôi nhà nào cũng tranh nhau mua - Ảnh 6.

Được chế biến từ những loại măng ngon nhất nên khi phơi khô măng rừng vàng óng. Ảnh: Q.A

Sau khi sơ chế, măng rừng được luộc khoảng 30 phút. Để măng có màu vàng đẹp, yêu cầu  nước phải sôi mới cho măng vào nồi luộc. Để sản phẩm măng khô được vàng đẹp, đảm bảo chất lượng, các cơ sở chế biến măng sử dụng tấm tôn, hoặc tấm liếp để phơi măng cả ngày. Bà Lang Thị Hạnh cho biết, nếu nắng to thì phơi liên tục 3 - 4 ngày là măng khô hẳn, để măng khô đều phải thường xuyên lật từng miếng măng.

Phụ nữ vùng cao Nghệ An hái loại lộc rừng ăn ngon miệng, về xuôi nhà nào cũng tranh nhau mua - Ảnh 7.

Măng rừng còn dùng để muối tạo thành những món ngon ăn ngon miệng. Loại lộc rừng này về xuôi nhà nhà tranh nhau mua. Ảnh: N.T

Ông Lương Văn Hà - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiền Phong (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) cho biết, trung bình một cơ sở thu mua từ 500 - 1.000 kg măng tươi/ngày. Trong đó, một phần sẽ sử dụng bán ra thị trường để ăn tươi, một phần dùng để chế biến măng khô. 

Măng rừng khô được bán với giá từ 180.000 - 200.000 đồng/kg. Các xưởng chế biến măng rừng luôn tuân thủ các quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, sản phẩm măng rừng trên địa bàn huyện luôn được người tiêu dùng ưa chuộng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem