Clip: Anh Hoàng Văn Luân, thôn Làng Mới, xã Mường Vi, huyện Bát Xát (Lào Cai) chia sẻ kinh nghiệm nuôi ngựa.
Đồng vốn giúp nông dân Lào Cai có thêm điều kiện phát triển nuôi ngựa hàng hóa
Dẫn chúng tôi thăm khu chuồng trại chăn nuôi ngựa được xây dựng kiên cố, với diện tích khoảng 50 m2. Anh Luân kể: Trước đây, gia đình tôi từng nuôi lợn, gà, nhưng nếu nuôi số lượng lớn theo hướng hàng hóa nhiều lúc không kiểm soát được dịch nên bị thiệt hại nhiều lắm, có những lúc mất trắng. Nhận thấy mô hình nuôi ngựa phát triển ổn định, dễ nuôi, dễ chăm sóc tôi chuyển sang nuôi ngựa hàng hóa.
Theo anh Luân, năm 2021, gia đình anh được hỗ trợ vay vốn từ Phòng giao dịch ngân hàng chính sách xã hội huyện theo Đề án 01 của Huyện ủy Bát Xát về "Phát triển trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng một phần công nghệ cao huyện Bát Xát". Do vậy, gia đình anh Luân đã mạnh dạn vay 170 triệu đồng để đầu tư phát triển chăn nuôi ngựa theo hướng hàng hóa.
Với số vốn vay được anh Luân đã đầu tư làm chuồng trại, trồng 1 ha cỏ voi làm nguồn thức ăn. Đồng thời, anh lặn lội đường xa để đi các địa phương trong và ngoài huyện lựa chọn mua những con ngựa giống tốt về nuôi.
Bây giờ các bãi chăn thả diện tích cũng hạn hẹp nên gia đình anh Luân chủ yếu nuôi nhốt chuồng. Đến mùa thu hoạch xong cây lúa ruộng, cây ngô thì gia đình anh Luân mới nuôi bán chăn thả. Vào mùa đông anh Luân tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp dự trữ đủ nguồn thức ăn cho đàn ngựa.
"Tôi thì không được học về ngành thú y chăn nuôi nhưng trước đây ông, bà đã từng nuôi và có kinh nghiệm phòng trừ, bệnh cho ngựa. Tôi thường lấy một số lá cây trong rừng (không nhớ tên cây) về giã rồi hòa nước đổ vào mồn cho ngựa ăn để chữa khi phát hiện ngựa đau bụng. Ngoài ra, trong quá trình cho ngựa ăn, máng ăn phải sạch sẽ, không có thức ăn thừa cũ để lại.
Nuôi ngựa phải đúng bài bản thì lãi mới cao
Trung bình một ngày ngựa sẽ ăn 3-4 bữa, bởi vậy nếu thức ăn để lâu sẽ bị chua, thiu dẫn đến ngựa hay bị đau bụng. Không chỉ có vậy, gia đình tôi còn tận dụng bỗng rượu do gia đình nấu để cho ngựa uống, cách làm này sẽ giúp tẩy giun cho đàn ngựa, nhất là ngựa non". Anh Luân tâm sự.
Nhờ cách nuôi bài bản, từ khi chuyển sang nuôi ngựa, đàn ngựa của gia đình anh Luân luôn sinh trưởng và phát triển tốt, ít dịch bệnh hơn so với các loại vật nuôi khác. Do đó, gia đình anh Luân đã nhân thêm số lượng đàn ngựa; hiện nay, đàn ngựa của gia đình anh Luân đã phát triển lên 23 con.
Thời điểm ngựa đang được giá, anh Luân bán ngựa giống theo cặp, khi ngựa cái sinh sản, anh Luân nuôi ngựa con đủ khoảng 5 tháng tuổi thì bắt đầu xuất bán. Anh Luân sẽ bán cả ngựa mẹ lẫn ngựa con, với một cặp như vậy bán được giá từ 65 -70 triệu đồng/cặp ngựa đẹp. Đầu năm 2023 này, gia đình anh Luân bán được 2 cặp ngựa đẹp, thu về khoảng 130 triệu đồng.
Nói về dự định sắp tới anh Hoàng Văn Luân, thôn Làng Mới, xã Mường Vi, huyện Bát Xát cho biết thêm: Nếu có vốn đầu tư, gia đình tôi đang muốn tăng thêm số lượng đàn khoảng 30 con nữa. Đồng thời, phát triển nuôi ngựa vỗ béo để cung cấp ra thị trường.
Bằng việc khai thác điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi từ Đề án 01 của Huyện ủy Bát Xát, gia đình anh Hoàng Văn Luân đã đầu tư phát triển chăn nuôi ngựa theo hướng hàng hóa bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình. Đây cũng là mô hình đang được xã Mường Vi, huyện Bát Xát tiếp tục triển khai nhân rộng cho bà con nhân dân nuôi để giúp người dân giảm nghèo bền vững.