Nuôi con chạy nhanh giúp tăng thu nhập, làm giàu cho nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông ở Lào Cai

Mùa Xuân Thứ hai, ngày 17/04/2023 09:22 AM (GMT+7)
Nuôi ngựa quy mô hàng hóa đang là một trong những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế tốt, giúp giảm hộ nghèo, tăng hộ khá giàu ở xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ở đây, nhà nào càng nuôi ngựa nhiều thì càng giàu có, khá giả...
Bình luận 0

Clip: Lãnh đạo xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát (Lào  Cai) chia sẻ về mô hình nuôi ngựa.

Sàng Ma Sáo là một trong những xã vùng cao kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Những năm qua, nhờ có các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đã từng bước giúp bà con vùng cao nơi đây vươn lên thoát nghèo.

Giảm nghèo, vươn lên khá giả nhờ nuôi ngựa

Được cán bộ Hội Nông dân xã Sàng Ma Sáo dẫn chúng tôi đến thăm mô hình nuôi ngựa hàng hóa của gia đình anh Thào A Hừ, thôn Làng Mới. Gia đình anh Hừ là một trong những hộ nuôi ngựa hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao, không chỉ tăng thêm thu nhập mà còn giúp gia đình anh vươn lên thoát nghèo.

Anh Thào A Hừ, thôn Làng Mới, xã Sàng Ma Sáo, phấn khởi: Trước đây, gia đình tôi khó khăn lắm, thu nhập của gia đình chỉ phụ thuộc vào cây ngô và lúa ruộng một vụ thôi.

Thế nhưng năm 2017, khi huyện Bát Xát triển khai Đề án số, gia đình tôi đã được vay 170 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện (không tính lãi suất trong 3 năm đầu) để mua 10 con ngựa giống về nuôi.

Ngoài ra, gia đình tôi còn được hỗ trợ kinh phí làm chuồng trại, trồng cỏ voi VA06 để đàn ngựa sinh trưởng và phát triển tốt.

Nuôi ngựa hàng hóa, giúp đồng bào Mông Lào Cai giảm nghèo - Ảnh 2.

Mô hình nuôi ngựa theo hướng hàng hóa ở xã vùng cao huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Mùa Xuân.

Theo anh Hừ, nhờ được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi ngựa hàng hóa bài bản, đàn ngựa của gia đình anh sinh trưởng và phát triển tốt. Từ 10 con ngựa giống ban đầu đến năm thứ 2 đã đẻ được 5 con.

Đến năm 2020, gia đình anh Hừ đã có 7-8 con ngựa to để bán, đồng thời trả hết vốn anh đã được hỗ trợ vay để phát triển nuôi ngựa.

“Năm 2022, gia đình tôi bán được 13 con ngựa, thu về khoảng 270 triệu đồng, số vốn này gia đình tôi tiếp tục mua thêm 10 con ngựa giống về để nhân đàn. Nhờ phát triển nuôi ngựa hàng hóa, gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khấm khá, làm được nhà mới, có thêm điều kiện chăm lo con cái học hành chu đáo”. Anh Hừ tâm sự.

Nuôi ngựa hàng hóa, giúp đồng bào Mông Lào Cai giảm nghèo - Ảnh 3.

Nhờ được hỗ trợ vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi ngựa, gia đình anh Thào A Hừ, thôn Làng Mới, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Mùa Xuân.

Còn gia đình chị Sùng Thị Pia, thôn Ma Mù Sử I cũng được hỗ trợ vay 170 triệu đồng, 3 năm đầu không tính lãi suất %. Số tiền này gia đình chị Pia mua 10 con ngựa giống về nuôi, sau 5 năm gia đình chị Pia đã trả hết số tiền vay nuôi ngựa ban đầu.

Chị Sùng Thị Pia, thôn Ma Mù Sử I, xã Sàng Ma Sáo chia sẻ: Nhờ được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương từ xã, huyện, tỉnh gia đình tôi mới có thêm đồng vốn đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi hiệu quả. Cũng từ đó, gia đình tôi tiếp tục nhân rộng đàn ngựa để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Đề án 01, mở ra hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa

Thực hiện Đề án số 01/ĐA-HU ngày 5/1/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Bát Xát “Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trọng tâm là đưa cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, gắn với phát triển chăn nuôi đại đàn gia súc giai đoạn 2016 - 2020”.

Để cụ thể hóa Đề án số 01, Đảng bộ huyện Bát Xát đã chỉ đạo UBND huyện xây dựng kế hoạch chi tiết về việc triển khai thực hiện phát triển chăn nuôi ngựa theo hướng sản xuất hàng hóa.

Nuôi ngựa hàng hóa, giúp đồng bào Mông Lào Cai giảm nghèo - Ảnh 4.

Để có nguồn thức ăn cho đàn ngựa, người dân xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai còn trồng thêm cỏ voi VA06. Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Sùng A Chứ, Phó Chủ tịch UBND xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, cho biết: Để triển khai hiệu quả Đề án số 01 của huyện Bát Xát, UBND xã đã xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể. Tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc theo mô hình nuôi nhốt, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, trong đó, có mô hình nuôi ngựa.

Các buổi tuyên truyền được lồng ghép thông qua các cuộc hội nghị tại xã, họp thôn nhằm nâng cao hiệu quả của phong trào, góp phần xoá đói giảm nghèo của địa phương.

Năm 2017, xã Sàng Ma Sáo có 17 hộ dân tham gia thực hiện nuôi ngựa theo Đề án số 01, với tổng kinh phí gần 2,9 tỷ đồng. Từ số vốn vay, các hộ dân đã mua đủ số lượng 170 con ngựa; được hỗ trợ làm mới 34 chuồng trại nuôi nhốt; trồng mới 8,5 ha cỏ VA06. Sau 3 năm thực hiện Đề án nuôi ngựa của 17 hộ, số lượng đàn ngựa đã tăng lên 270 con.

Nuôi ngựa hàng hóa, giúp đồng bào Mông Lào Cai giảm nghèo - Ảnh 5.

Nuôi ngựa khâu quan trọng nhất là phải luôn vệ sinh chuồng sạch sẽ, xây chuồng thoáng mát. Ảnh: Mùa Xuân.

Sau khi đánh giá mô hình hiệu quả, xã Sàng Ma Sáo tiếp tục triển khai cho người dân nhân rộng mô hình nuôi ngựa theo hướng sản xuất hàng hóa đến các thôn cho những năm tiếp theo. Mặc dù các hộ đăng ký tham gia mô hình cũng sẽ được vay 170 triệu đồng/hộ để mua 10 con ngựa giống về nuôi. Tuy nhiên, hiện nay khó khăn là mức lãi suất huyện chỉ hỗ trợ 50%, còn lại các hộ vay vốn phải tự chi trả theo năm.

Ngoài ra, so với các năm về trước thì hiện giá ngựa tăng cao nên để mua được một con ngựa giống sinh sản 17 triệu đồng là rất khó. Do vậy, để phát triển đàn ngựa theo hướng bền vững, giúp người dân xóa nghèo, bà con mong muốn tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng và hỗ trợ làm chuồng trại…

Xã Sàng Ma Sáo là xã đặc biệt khó khăn của huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai), cách trung tâm huyện Bát Xát 38 km. Xã có 890 hộ dân, với gần 5.000 nhân khẩu; gồm 3 dân tộc Mông, Giáy, Kinh cùng sinh sống. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, đời sống của người dân đã từng bước nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện giảm xuống còn 64,75% (giảm 11,19% so với năm 2021); thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 19,66 triệu đồng/người/năm.

Năm 2023, xã Sàng Ma Sáo phấn đấu giảm 95 hộ nghèo và nâng mức thu nhập nhập bình quân đầu người lên 22 triệu đồng/người/năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem