Vẫn tái diễn vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài
Thông tin từ Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), qua lần kiểm tra thứ 3 (hồi tháng 10/2022) của Ủy ban châu Âu (EC) kiểm tra việc khắc phục thẻ vàng của thủy sản Việt Nam, EC đã đánh giá cao khung pháp lý toàn diện, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, việc thực hiện những quy định vẫn chưa đồng bộ ở các địa phương. Hiện nay, Việt Nam có 95% tàu cá đã lắp thiết bị giám sát hành trình, song số lượng tàu chưa thực hiện một cách chủ động còn rất nhiều, các trường hợp mất kết nối vẫn còn rất lớn và nguy cơ cao nằm ở số tàu cá chưa được lắp đặt thiết bị.
Theo thống kê, trong năm 2022, số vụ vi phạm vùng biển nước ngoài là 81 vụ với 112 tàu cá và 957 người bị bắt, chưa kể số tàu cá đánh bắt ở các vùng chồng lấn, vùng nước lịch sử.
Báo cáo của Tổng cục Thủy sản cho thấy, việc quản lý các tàu IUU không thống nhất với số liệu của tỉnh, danh sách nguy cơ cao chưa có sự kết nối và tính hệ thống. Tàu nằm trong danh sách tàu mất tín hiệu nhiều ngày, không có biện pháp xử lý nhưng vẫn được cấp giấy phép khai thác.
Đáng nói, hạ tầng 125 cảng cá, 146 khu neo đậu tránh trú bão vẫn còn chưa được quan tâm đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu. Số lượng cá khai thác được quản lý chỉ đạt trên dưới 10%. Nếu không quản lý, không truy xuất được nguồn gốc, quản lý sản lượng khai thác thì chặng đường gỡ thẻ còn dài.
“Sau lần kiểm tra này, phía EC vẫn giữ nguyên 4 khuyến nghị với thuỷ sản Việt Nam gồm: Khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác; thực thi pháp luật. Dự kiến đoàn thanh tra của EC sẽ trở lại Việt Nam vào tháng 4/2023” - ông Trần Đình Luân cho hay.
Ngay khi có kết quả kiểm tra từ phía EC (tháng 12/2022), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 kết luận và chương trình hành động 180 ngày quyết tâm gỡ thẻ vàng để chuẩn bị cho đợt kiểm tra của EC vào tháng 4/2023.
Chỉ ra những tổn thất, ảnh hưởng không nhỏ của việc thủy sản bị gắn thẻ vàng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, chỉ riêng thủ tục hành chính nhập khẩu vào các nước EU rất mất thời gian, trước đây chỉ mất 1 - 3 ngày, giờ 3 - 4 tuần mới xong, chi phí gia tăng, giá trị giảm rất nhiều.
Chưa kể các thị trường khác như: Mỹ, Nhật Bản… đã đặt vấn đề và điều trần về IUU. Vì vậy, dù còn rất nhiều khó khăn nhưng Bộ NN&PTNT cùng nhiều bộ, ban, ngành khác và các địa phương sẽ quyết liệt hành động để gỡ được thẻ vàng sau 5 năm.
Quyết liệt nhiều giải pháp
Nhiều chuyên gia nhận định, Philippines mất 9 tháng để EC gỡ thẻ vàng, Thái Lan mất 3 năm, Việt Nam đến nay đã trải qua 5 năm kể từ khi bị EC cảnh báo. Việc bị áp thẻ vàng dai dẳng khiến ngành thủy sản Việt Nam ảnh hưởng lớn.
Do vậy, thời gian tới, Việt Nam cần có cơ chế giám sát hiệu quả với những quy định pháp lý chặt chẽ, đảm bảo thực thi nhất quán, đồng bộ từ trung ương đến địa phương; nâng cao chế tài, đảm bảo đủ sức răn đe, xử phạt thật nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, cần có kế hoạch quản lý nguồn lợi thủy sản tổng thể; tăng cường nguồn lực để kiểm soát sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam bằng container đảm bảo không vi phạm về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Đề cập về các giải pháp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, từ nay đến tháng 4/2023 thời gian còn không nhiều. Đây là khoảng thời gian quan trọng quyết định ngành thuỷ sản có gỡ được thẻ vàng sau 5 năm kiên trì, nỗ lực hay không. Do đó, cả hệ thống chính trị và từng người dân cần vào cuộc quyết liệt, thực hiện tốt các nội dung khuyến nghị của EC.
Trong chương trình hành động, Bộ NN&PTNT đã nêu nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, đơn vị cũng như sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng như hải quan, cảnh sát biển, biên phòng. Mục tiêu là để nỗ lực ngăn chặn tình trạng đánh bắt trái phép ở nước ngoài, quyết tâm chấm dứt tình trạng này trước 31/3/2023.
Mặt khác, Bộ NN&PTNT cũng rà soát, sửa đổi, bổ sung khung pháp lý theo khuyến nghị của EC, trong đó có nâng mức xử phạt đủ để răn đe đối với các trường hợp vi phạm; Đề nghị Bộ Công an điều tra, xử lý dứt điểm hành vi môi giới, móc nối, tổ chức đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Cũng theo ông Phùng Đức Tiến, để gỡ được thẻ vàng, trách nhiệm của các địa phương, từ UBND tỉnh đến từng xã, phường, thị trấn được đặt lên hàng đầu. Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra, giám sát tình hình triển khai tại địa phương; đồng thời tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động của tàu cá. Trường hợp địa phương nào có tàu cá vi phạm, người đứng đầu địa phương, UBND phường, xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm.
Theo tính toán của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), nếu gỡ được thẻ vàng, ước tính Việt Nam sẽ thu về 1,2 - 1,4 tỷ USD xuất khẩu thủy sản sang EU. Trường hợp bị chuyển sang thẻ đỏ, Việt Nam có nguy cơ mất thị trường EU, với khoản thiệt hại lên đến gần 500 triệu USD mỗi năm.