Trò chuyện với chúng tôi, ông Hà Trung Chiến – Bí thư Huyện ủy Mộc Châu, cho biết: Sản xuất nông nghiệp của huyện Mộc Châu trong những năm gần đây có nhiều bước tiến vượt bậc. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân trong huyện đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, làm ra những sản phẩm chất lượng cao.
Thực hiện chủ trương của tỉnh Sơn La về trồng cây ăn quả trên đất dốc, huyện đã chỉ đạo các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con nông dân chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng những loại cây ăn quả có lợi thế. Năm 2018, huyện Mộc Châu đã thực hiện chuyển đổi diện tích cây lương thực kém hiệu quả trên đất dốc sang trồng cây ăn quả đạt 1.727 ha, nâng diện tích cây ăn quả toàn huyện hơn 7.500 ha, sản lượng quả tươi trên 37 nghìn tấn.
“Song song với công tác chỉ đạo bà con nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện Mộc Châu chủ động làm việc với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người dân, trong đó đặc biệt chú trọng tới vấn đề xuất khẩu nông sản” – ông Chiến nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Đức Chính – Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, cuối năm 2018, huyện Mộc Châu đã xây dựng kế hoạch xuất khẩu của năm 2019. Huyện cũng đã thành lập Ban điều hành triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phát triển nông nghiệp hữu cơ và xúc tiến thương mại, xuất khẩu nông sản. Trong năm 2018, huyện Mộc Châu đã được cấp mã vùng xuất khẩu cho 6 hợp tác xã và doanh nghiệp, tức là 6 vùng trồng, tập trung vào: Nhãn, xoài, bơ, mận, hồng giòn và một số loại quả khác.
Ngay từ đầu năm, huyện đã làm việc với từng hợp tác xã và doanh nghiệp nằm trong vùng được cấp mã vùng xuất khẩu về kế hoạch sản xuất cũng như sản lượng xuất khẩu. Các bước triển khai đầu vụ của các loại quả kể trên theo đúng kế hoạch. Bà con nông dân và các hợp tác xã áp dụng quy trình kĩ thuật an toàn vào trồng, chăm sóc các loại cây ăn quả, đảm bảo sản phẩm sau thu hoạch đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu ra nước ngoài.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng nông sản, từng bước xây dựng thương hiệu, hướng tới xuất khẩu, huyện Mộc Châu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo từ khâu sản xuất đến khâu bảo quản, chế biến và tiêu thụ. Đến thời điểm này, toàn huyện Mộc Châu có hơn 100 mô hình ứng dụng công nghệ sinh học, 55 mô hình ứng dụng công nghệ tưới phun sương và tưới nhỏ giọt Isarel. Huyện duy trì tốt 30 chuỗi tiêu thụ sản phẩm an toàn.
Ông Trần Xuân Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Châu cho biết: Năm 2017, huyện Mộc Châu đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp mã vùng xuất khẩu cho các vùng trồng chè Shan tuyết Mộc Châu; rau an toàn Mộc Châu; chè Ô long Mộc Châu.
Năm 2018, tiếp tục cấp mã số vùng trồng cây ăn quả đối với các loại quả bơ, mận hậu, nhãn, xoài, cam, chanh leo cho 6 hợp tác xã, với tổng diện tích 100 ha. Cùng với đó, huyện đã đầu tư nghiên cứu và công bố 5 bộ nhận diện sản phẩm nông nghiệp đặc trưng gồm các quả bơ, mận, hồng giòn, dâu tây và rau an toàn Mộc Châu nhằm khẳng định thương hiệu, nâng cao giá trị các loại nông sản địa phương trên thị trường.
Với quyết tâm cao độ và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao trên địa bàn Mộc Châu, đã được xuất khẩu sang thị trường nhiều nước trên thế giới. Theo thống kê, năm 2018, huyện Mộc Châu đã xuất khẩu 123 tấn xoài, 4.600 tấn chè, trên 582 tấn chanh leo và một số sản phẩm nông sản khác.
Năm 2019, huyện Mộc Châu đang tập trung hình thành và phát triển các chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ; duy trì các thị trường xuất khẩu như: EU, Trung Quốc, Trung đông, Australia…
Tin rằng, với hướng đi đúng cũng như sự năng động trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ, huyện Mộc Châu sẽ hoàn thành mục tiêu phấn đấu giá trị nông sản xuất khẩu năm 2019 đạt 13,85 triệu USD.