Thứ Sáu, ngày 10/01/2025 08:39 PM (GMT+7)

Masan tiết lộ nguyên nhân SK Group không còn là cổ đông lớn

2024-11-02 17:09:33

SK Group, tập đoàn kinh tế gia đình (chaebol) lớn thứ 3 Hàn Quốc sau Samsung và Hyundai, đã chuyển nhượng thành công 76 triệu cổ phiếu của Masan Group thông qua phương thức thỏa thuận.

SK Invesetment Vina I Pte. Ltd -- quỹ đầu tư thuộc SK Group -- là đơn vị chuyển nhượng số cổ phiếu này, CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group, mã sàn HoSE: MSN) công bố ngày 1/11/2024.

Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của nhóm SK Group tại Masan Group giảm từ 8,72% xuống 3,67% vốn điều lệ. Như vậy, tập đoàn đa ngành từ Hàn Quốc không còn là cổ đông lớn của Masan.

Masan tiết lộ nguyên nhân SK Group không còn là cổ đông lớn - Ảnh 1.

Bán lẻ là một trong những lĩnh vực trọng tâm của Masan. Ảnh: MSN

“Đây là một trong nhũng giao dịch đáng chú ý đối với cổ phiếu chưa chạm tới giới hạn sở hữu nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà đầu tư toàn cầu đối với câu chuyện của MSN,” Masan cho biết qua thông cáo báo chí.

Theo tập đoàn do tỷ phú Nguyễn Đăng Quang làm Chủ tịch HĐQT, giao dịch này được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư tổ chức lớn với tầm nhìn đầu tư dài hạn, có trụ sở tại châu Á, châu Âu và Mỹ. Số cổ phiếu còn lại của SK Group tại MSN sẽ bị hạn chế chuyển nhượng theo thông lệ.

"Điều này giúp tạo sự ổn định cho cơ cấu cổ đông của Masan Group trong khi công ty tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng và thực thi các phát kiến chiến lược", Masan viết.

Thương vụ trên được thực hiện ngày 31/10. Cũng trong phiên giao dịch đó, hơn 76 triệu cổ phiếu MSN được trao tay qua phương thức thỏa thuận, số lượng này tương đương lượng cổ phiếu mà SK chuyển nhượng qua đơn vị SK Invesetment Vina I Pte. Ltd. Tổng giá trị các giao dịch này hơn 5.600 tỷ đồng; như vậy giá bình quân mỗi cổ phiếu là 73.500 đồng.

Jefferies Singapore Ltd. đóng vai trò là cố vấn tài chính và bên bảo lãnh cho SK Group cho việc chào bán cổ phần trên thị trường quốc tế. VietCap đóng vai trò là đại lý môi giới cho SK Group, theo Masan.

Trong quý 3 năm 2024, Masan ghi nhận lợi nhuận ròng đạt 701 tỷ đồng, tăng 15 lần so với cùng kỳ, nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của các mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ và chi phí lãi vay ròng giảm. 

Masan đạt 1.308 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế sau phân bổ cổ đông thiểu số (NPAT Post-MI) trong 9 tháng đầu năm 2024 và hoàn thành 130,8% kế hoạch lợi nhuận sau thuế kịch bản cơ sở được cổ đông phê duyệt vào đầu năm. MSN dự kiến sẽ tiếp tục cải thiện kết quả kinh doanh trong quý 4 năm 2024 với kỳ vọng tiến gần đến mục tiêu kịch bản tích cực của năm 2024.

SK Group trở thành cổ đông lớn của Masan vào năm 2018 sau khi mua vào 109,8 triệu cổ phiếu MSN, tương ứng với 9,5% cổ phần Masan ở thời điểm đó. "Đại gia" Hàn Quốc sau đó đầu tư vào WinCommerce (thuộc Masan) với 16,3% cổ phần, và The CrownX (nền tảng tích hợp tiêu dùng bán lẻ của Masan, hợp nhất từ WinCommerce và Masan Consumer Holdings) với 4,9% cổ phần.



Tường Thụy
Masan ghi nhận 220 tỷ đồng mỗi ngày từ doanh thu

Masan ghi nhận 220 tỷ đồng mỗi ngày từ doanh thu

Masan Group (mã sàn HoSE: MSN) cho biết trong 9 tháng đầu năm, tập đoàn ghi nhận 60.476 tỷ đồng doanh thu thuần, tương đương mỗi ngày mang về 220 tỷ đồng. Riêng lợi nhuận sau phân bổ cổ đông thiểu số trong quý 3 đạt 701 tỷ đồng, gấp 14 lần cùng kỳ năm trước nhờ tăng trưởng mảng tiêu dùng bán lẻ, tiết kiệm chi phí lãi vay.