Còn nhớ năm 2007, khi đó xã Háng Đồng vẫn chưa tách ra từ xã Tà Xùa, tôi có chuyến công tác ngược lên các bản vùng cao, trong đó có các bản Háng Đồng A, B, C và đích đến cuối cùng là bản Làng Sáng. Tuy nhiên, ngày đó do chưa có đường giao thông lên việc đi lại đến các bản này đều phải đi bộ.
Cũng bởi nằm cách xa trung tâm xã (theo tính toán của đồng bào, đường rừng đi bộ từ trung tâm xã đến bản Làng Sáng khoảng 70km). Do vậy, phải mất 3 ngày đường ngược núi, xuyên rừng và ngủ nhờ các hộ dân ở các bản mới đến được bản Làng Sáng.
Sau chuyến công tác trở về, ngoài ấn tượng về những đoạn đường đi nổi tiếng khó khăn, khiến cho vó ngựa cũng phải chồn chân hay khung cảnh đẹp như chốn bồng lai được tạo nên bởi những biển mây thì tôi không thể quên được hương vị món măng ớt-một món ăn mà đến bất kỳ nhà đồng bào dân tộc Mông ở vùng cao Bắc Yên cũng đều có trong mỗi mâm cơm. Bởi đó là một trong những thực phẩm chính họ ăn quanh năm, suốt tháng. Thậm chí, có những nhà còn tích trữ 4-5 thùng đựng nước loại 100 lít để tích trữ món măng ớt này.
Trải qua tháng năm, món măng ớt của đồng bào vùng cao cũng được nhiều người dân sinh sống ở vùng thấp và các tỉnh miền xuôi biết đến khi món ăn này được các du khách mang về từ vùng cao sau mỗi chuyến đi; là món quà biếu của đồng bào vùng cao mang theo khi có dịp xuống vùng thấp hay đi công tác các tỉnh. Thậm chí với nhiều người chỉ thích mang về những lọ măng ớt để làm quà trong hành trang trở về của mình từ vùng cao Bắc Yên.
Còn nhớ cách đây 5 năm, các bạn đồng nghiệp dưới Hà Nội mỗi năm cứ 2-3 lần lại í ới gọi điện nhờ tìm gửi cho ít măng ớt vùng cao Bắc Yên với lý do "lâu lâu không được ăn lại nhớ những khúc măng ớt Bắc Yên". Hay mỗi chuyến công tác từ vùng cao Bắc Yên trở về, đồng nghiệp lại nhấm nháy hỏi "có mang được ít măng ớt nào về không"… Giờ đây sản phẩm đã được biết đến, đã có mặt trên thị trường nên việc tìm mua sản phẩm măng ớt không còn khó như thời điểm khi món măng ớt chỉ là sản phẩm tự cung tự cấp của đồng bào.
Nghĩ cũng đúng, bởi ai đã từng được thưởng thức món măng ngâm muối ớt này sẽ không thể quên được hương vị đặc trưng của những khúc măng ớt được tạo nên bởi các gia vị đăng trưng núi rừng, trong đó không thể thiếu được vị cay xè của ớt và vị đậm của muối hạt… Và chỉ đồng bào dân tộc Mông chế biến mới có hương vị đặc trưng riêng và để quanh năm không bị mốc. Nếu vào rừng dài ngày, món măng ớt sẽ luôn là một trong những thực phẩm chủ đạo cùng món cá khô. Vì chỉ cần một khúc măng ớt dài chừng 2 đốt ngón tay vẫn có thể ăn kèm một bát cơm mà không cần thức ăn khác.
Bên bếp lửa bập bùng trong cái lạnh cắt da cắt thịt, cái lạnh vùng cao khiến cho người ta phải sờn lòng, già bản Mùa A Chu, bản Háng Đồng C, bảo: Loại măng được hái về từ rừng để làm ra món măng ớt đặc trưng của người Mông là một loại măng riêng biệt, chỉ mọc ở vùng cao này và nằm ở độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển. Mùa thu hái của măng từ cuối tháng 9 cho đến đầu tháng 11. Loại măng này, tiếng đồng bào Mông gọi là "Dua hớ cho". Khi hái về, phải được sơ chế riêng theo cách của đồng bào Mông sau đó mới cho vào các thùng để ngâm với các loại gia vị, trong đó ớt và muối không thể thiếu được. Đồng bào vùng cao Bắc Yên dùng trong các bữa ăn hằng ngày và mỗi khi ăn thường có thói quen trộn thêm mì chính với măng để dùng. Trong cái lạnh của vùng cao ăn miếng măng ớt vào là ấm người ngay.
Đến thăm HTX nông nghiệp và dược liệu Háng Đồng (huyện Bắc Yên, Sơn La), HTX duy nhất đang làm ra sản phẩm măng ớt và được lựa chọn là sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La. Hôm đến, đúng lúc HTX vừa làm việc xong với một đơn vị dưới Hà Nội chuyên thu mua măng sau sơ chế của HTX để xuất bán sang Đức và Hàn Quốc. Như năm 2018, măng ớt xuất bán được hơn 2 tấn (không tính lượng măng ớt do người dân làm bán), còn măng tươi sau sơ chế rồi xuất bán được sang Nhật cũng được hơn 30 tấn.
Qua tìm hiểu được biết: Trong năm 2019, HTX đã xuất bán gần 80 tấn măng về Hà Nội và đi các tỉnh, trong đó măng sơ chế không ngâm muối ớt là 70 tấn. Măng sau khi được bà con lấy về, sẽ được HTX nông nghiệp và dược liệu Háng Đồng thu mua, chế biến theo phương pháp truyền thống. Sản phẩm măng muối ớt được bán với giá 30 nghìn đồng/1kg. Hiện sản phẩm măng trúc muối ớt đã được lựa chọn là một trong 20 sản phẩm nằm trong chương trình OCOP, sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Đồng thời, thông qua đó đã giúp cho bà con tại địa bàn tăng thêm thu nhập, tạo cơ hội cho các hộ vươn lên thoát nghèo.
Anh Thào A Trống, Giám đốc HTX nông nghiệp và dược liệu Háng Đồng, thông tin: Từ khi thành lập HTX, các sản phẩm nông sản, dược liệu của bà con đều được HTX đứng ra bao tiêu, bà con không phải lo tìm đầu ra như trước nữa. Đặc biệt, sau khi sản phẩm măng trúc muối ớt được lựa chọn vào chương trình OCOP của tỉnh thì sản phẩm được quảng bá tốt hơn, số lượng xuất ra thị trường cũng nhiều hơn. Chúng tôi cũng rất mong tỉnh, huyện tiếp tục tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí để giúp HTX mở rộng quy mô hoạt động. Đặc biệt là tạo điều kiện cho HTX tham gia các chương trình, dự án về phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần đưa được các sản phẩm thế mạnh của cơ sở ra thị trường tiêu dùng.
Đánh giá về sản phẩm măng trúc muối ớt, anh Trần Văn Nam, một trong những người từng lên với vùng cao Háng Đồng, nói: Lần đầu tiên ăn đã thấy dễ ăn. Món ăn này kích thích tốt cho vị giác mỗi khi ăn cơm. Lần nào lên vùng cao Bắc Yên cũng phải mua về mấy lọ cho gia đình và tặng người thân. Măng ngâm ớt ở vùng này có vị ngon đặc biệt riêng có, bởi chỉ nơi đây mới có loại măng này. Màu trắng nõn của măng xen lẫn màu đỏ tươi của ớt rất bắt mắt, miếng măng có vị chua chua, cay cay, mùi thơm rất đặc trưng…
Tìm gặp các cụ già cao niên ở các bản vùng cao để hỏi về nguồn gốc của món măng ớt, ai cũng đều lắc đầu không biết, chỉ biết rằng: Đã trải qua rất nhiều thế hệ người Mông, món măng ngâm ớt đã trở thành một món ăn không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của đồng bào vùng cao Bắc Yên. Giống măng này chỉ có ở vùng cao Bắc Yên và thu hoạch vào thời điểm nhất định từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 11. Và món măng ớt ở đây không chỉ là món ăn đặc trưng, mà đã trở thành biểu trưng cho nét văn hóa ẩm thực dân tộc của đồng bào vùng cao Bắc Yên.