dd/mm/yyyy

Ly kỳ chuyện đêm lạnh đi tìm loài thạch sùng mí bí ẩn ở Vịnh Hạ Long

Say mê vẻ đẹp và những điều bí ẩn của loài thạch sùng mí Cát Bà, 5 năm qua, thạc sĩ Ngô Ngọc Hải (SN 1991, nghiên cứu viên tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam) cùng các cán bộ của BQL Vịnh Hạ Long đã có nhiều đêm không ngủ để đi tìm “nữ hoàng thạch sùng mắt to” này, một loài động vật đặc hữu quý hiếm chỉ

Để cung cấp những thông tin khoa học chính xác về một loài bò sát đặc hữu đang có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng và làm cơ sở phục vụ công tác quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, năm 2016, Ngô Ngọc Hải đã bảo vệ thành công luận án thạc sĩ với đề tài nghiên cứu về quần thể, sinh thái và bảo tồn các loài đặc hữu quý hiếm trong đó có loài thạch sùng mí.

Ly kỳ chuyện đêm lạnh đi tìm loài thạch sùng mí bí ẩn ở Vịnh Hạ Long - Ảnh 1.

Loài thạch sùng mí Cát Bà được đoàn phát hiện trong một chuyến đi tháng 4/2018.

Do diện tích vùng phân bố hẹp và kích cỡ quần thể nhỏ, nên loài thạch sùng mí Cát Bà đã được đưa vào Sách đỏ IUCN (Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế) ở bậc nguy cấp. Với màu sắc bắt mắt, "độc và lạ" nên thạch sùng mí Cát Bà trở thành đối tượng bị săn bắt, buôn bán trong nước và quốc tế với số lượng lớn.

Ngô Ngọc Hải cùng nhóm nghiên cứu đã lập hồ sơ và đưa thành công loài thạch sùng mí vào Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ "Về quản lý thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp".

Ly kỳ chuyện đêm lạnh đi tìm loài thạch sùng mí bí ẩn ở Vịnh Hạ Long - Ảnh 2.

Ngô Ngọc Hải cùng đoàn chuyên gia thuộc Bảo tàng Lịch sử tự nhiên, Viện Smithsonian (Hoa Kỳ) ngồi đợi tàu của BQL Vịnh Hạ Long. (tháng 5/2019).

Năm 2018, nhận thấy còn nhiều giá trị hết sức quan trọng và những điều bí ẩn chưa khám phá hết về loài động vật  thạch sùng mí đặc biệt này, Ngô Ngọc Hải tiếp tục xin được học bổng toàn phần của Chính phủ Đức (DAAD) để làm luận án tiến sĩ với mong muốn làm rõ hơn về mối quan hệ di truyền, đánh giá biến đổi khí hậu, dự đoán vùng phân bố... của các loài thuộc giống thạch sùng mí tại Việt Nam.

Thực hiện luận án tiến sĩ, Ngô Ngọc Hải cùng đồng nghiệp có thêm rất nhiều “đêm trắng” ở những núi đá vôi cao 300-400m trên Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long, nơi được các nhà khoa học đánh giá là đang sở hữu trong tay một kho báu thực sự với hệ sinh thái đa dạng các loài động, thực vật.

Ly kỳ chuyện đêm lạnh đi tìm loài thạch sùng mí bí ẩn ở Vịnh Hạ Long - Ảnh 3.

Để đến được những nơi thạch sùng mí sinh sống, đoàn phải mất nhiều giờ leo lên các dãy núi đá vôi lởm chởm... (tháng 5/2019).

Thạch sùng mí Cát Bà sống trong hang đá sâu trên các dãy núi đá vôi, chỉ xuất hiện vào ban đêm, nơi không có ánh sáng để đi kiếm ăn, nên việc nghiên cứu, đánh giá về loài thạch sùng này chỉ thực hiện được vào ban đêm.

Do chỉ kiếm ăn vào ban đêm, nên thạch sùng mí Cát Bà có đôi mắt rất lớn để giúp chúng dễ dàng kiếm mồi và phát hiện kẻ thù. Bộ da và đôi mắt của thạch sùng mí được phối màu đẹp đến từng chi tiết, nên chúng được các nhà khoa học gọi là “nữ hoàng thạch sùng mắt to”.

Với vẻ đẹp của mình, hiện thạch sùng mí Cát Bà đang bị săn bắt bất hợp pháp làm vật nuôi cảnh và bán sang Trung Quốc.

Ly kỳ chuyện đêm lạnh đi tìm loài thạch sùng mí bí ẩn ở Vịnh Hạ Long - Ảnh 4.

... tiếp tục lội hàng giờ dọc theo các áng nước trên các đảo đá thuộc Vịnh Hạ Long các khe suối ở các đảo đất trên Vịnh Bái Tử Long với lỉnh kỉnh thiết bị máy móc sau lưng. (tháng 7/2015).

Các chuyến đi khảo sát thực địa, nghiên cứu sinh thái loài thạch sùng mí tại Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long thường được bắt đầu lúc 7 giờ tối và kết thúc vào 8h sáng ngày hôm sau. Với mong muốn tái hiện lại hành trình đi tìm "nữ hoàng thạch sùng mắt to" này theo trình tự một chuyến đi, chúng tôi đã phải tập hợp những bức ảnh trong suốt gần 4 năm qua, như Hải nói "Có rất nhiều chuyến đi, chúng em phải trở về tay không. Môi trường thiếu ánh sáng, trời mưa, chạy đua với thời gian để trả các mẫu vật lại môi trường tự nhiên, nên việc chụp lại những bức ảnh không hề dễ dàng...".

Ly kỳ chuyện đêm lạnh đi tìm loài thạch sùng mí bí ẩn ở Vịnh Hạ Long - Ảnh 5.

Ngay khi phát hiện thạch sùng mí, các thành viên trong đoàn chụp ảnh mẫu và đo nhiệt độ cơ thể. (tháng 8/2015).

Ly kỳ chuyện đêm lạnh đi tìm loài thạch sùng mí bí ẩn ở Vịnh Hạ Long - Ảnh 6.

Để có được những bức ảnh quý giá về loài thạch sùng mí Cát Bà ví như "nữ hoàng thạch sùng mắt to", Ngô Ngọc Hải có thể mất hàng chục đêm leo núi, mò mẫm trong các hang động tối om mà không hoặc chưa có nhiều người đặt chân đến. (tháng 7/2015).

Ly kỳ chuyện đêm lạnh đi tìm loài thạch sùng mí bí ẩn ở Vịnh Hạ Long - Ảnh 7.

Thu thập số liệu về kích cỡ cá thể, mẫu thạch sùng mí được đo bằng thước kẹp điện tử Alpha-tool với độ chính xác là 0,01mm. (tháng 7/2016).

Ly kỳ chuyện đêm lạnh đi tìm loài thạch sùng mí bí ẩn ở Vịnh Hạ Long - Ảnh 8.

Áp dụng phương pháp thụt dạ dày để nghiên cứu các thành phần thức ăn; bắn chíp để theo dõi tốc độ sinh trưởng của thạch sùng mí. (tháng 7/2019).

Ly kỳ chuyện đêm lạnh đi tìm loài thạch sùng mí bí ẩn ở Vịnh Hạ Long - Ảnh 9.

Niềm vui sau mỗi chuyến đi là tìm được thật nhiều thạch sùng mí Cát Bà và khám phá được thêm những điều bí ẩn từ thiên nhiên. (tháng 5/2019).

Ly kỳ chuyện đêm lạnh đi tìm loài thạch sùng mí bí ẩn ở Vịnh Hạ Long - Ảnh 10.

Hôm nào may mắn tìm được nhiều mẫu vật, đoàn nghiên cứu cả đêm để đảm bảo thả các mẫu về với môi trường tự nhiên trước khi trời sáng. (tháng 5/2019).

Ly kỳ chuyện đêm lạnh đi tìm loài thạch sùng mí bí ẩn ở Vịnh Hạ Long - Ảnh 11.

Ngô Ngọc Hải đang cùng các đồng nghiệp nhân nuôi thạch sùng mí Cát Bà tại Trạm đa dạng sinh học Mê Linh, Vĩnh Phúc (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật) và ở Vườn thú Cologne của Đức. (tháng 6/2019).

Hoàng Nga-Phạm Lê Minh