Tổ vay vốn giúp Agribank quản lý tốt nguồn vốn và người dân dễ tiếp cận vốn vay
Tháng 7.2016, Hội Nông dân và Hội liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Lương (Thái Nguyên) cùng Agribank chi nhánh huyện ký kết thỏa thuận phối hợp thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đây là chương trình không chỉ giúp cho các hội viên nông dân, phụ nữ dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, mà còn giúp cho phía đơn vị cho vay dễ dàng quản lý được nguồn vốn đã bỏ ra.
Là hội viên của Chi hội Phụ nữ xóm Mỹ Khánh, xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương nên gia đình bà Nguyễn Thị An nằm trong diện được vay vốn của Agribank thông qua Tổ vay vốn của xóm. Bà An cho biết: Gia đình tôi mới kinh doanh thêm thuốc tây và hàng tạp hóa (trước chỉ kinh doanh chè búp khô), vì thế mà cần thêm nguồn vốn. Do đó, 2 năm trước, gia đình đã làm thủ tục vay Agribank chi nhánh huyện hơn 400 triệu đồng.
Năm ngoái, thay vì hình thức đến tận ngân hàng để làm thủ tục vay vốn, tôi đã đăng ký vay thông qua tổ của phụ nữ xóm. Nay, đến kỳ trả tiền gốc hay tiền lãi chỉ cần đến UBND xã là trả qua Tổ trưởng Tổ vay vốn là được, không mất công đi lên tận ngân hàng nữa, tôi thấy rất tiện lợi.
Chung quan điểm với bà An, chị Nguyễn Thị Bảy, người dân cùng xóm thông tin: Kinh doanh chè búp khô đòi hỏi nguồn vốn lưu động khá lớn. Gia đình tôi kinh doanh chè búp được hơn 10 năm nay, mỗi tháng xuất bán ra thị trường khoảng 4-5 tấn chè, số tiền giao dịch mỗi tháng trung bình từ 500-600 triệu đồng. Vì nguồn vốn lưu động lớn nên năm ngoái khi có Tổ vay vốn của phụ nữ ở xóm, gia đình tôi đã đăng ký vay 300 triệu đồng để kinh doanh. Có thêm đồng vốn nên việc kinh doanh của gia đình tôi khá thuận lợi.
Không chỉ có bà An, chị Bảy mà trên địa bàn huyện Phú Lương hiện nay, nhiều hội viên nông dân và phụ nữ đã được tiếp cận với nguồn vốn vay từ việc phối hợp thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của 2 tổ chức Hội với Agribank.
Agribank ký thỏa thuận liên ngành với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam
Bà Nguyễn Hồng Huệ, Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Phú Lương cho biết: Thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; thỏa thuận liên ngành giữa Hội Nông dân, Hội liên hiệp Phụ nữ và Agribank các cấp, chúng tôi đã triển khai thực hiện nội dung này.
Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, toàn huyện đã có gần 4.500 hội viên vay vốn thông qua 211 tổ liên kết, với tổng dư nợ gần 400 tỷ đồng. Với nguồn vốn vay trên, các hộ dân đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực như: Chăn nuôi, mở xưởng chế biến lâm sản, đầu tư máy móc sản xuất, chế biến chè…
Yên Đổ và Vô Tranh là 2 xã đầu tiên của huyện Phú Lương được triển khai thực hiện cho vay vốn thông qua tổ giữa 2 tổ chức hội với Agribank huyện. Do đó, khi hoàn thiện các thủ tục ký kết, hai địa phương đã phối hợp với cán bộ ngân hàng tổ chức rà soát các hộ đã vay vốn, đang có nhu cầu vay vốn để kiểm kê số lương, căn cứ để thành lập các tổ (từ 9 thành viên trở lên thành lập 1 Tổ vay vốn), đứng đầu là Tổ trưởng có nhiệm quản lý, nhắc nhở các hội viên nộp lãi 3 tháng/lần, gốc theo quy định.
Ông Đinh Viết Mười - Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Đổ cho biết: Những hộ vay dưới 500 triệu đồng, ngân hàng rà soát chuyển cho vay vốn qua các tổ của phụ nữ và nông dân quản lý. Tôi thấy việc cho vay vốn qua tổ giúp cho người dân tiết kiệm được nhiều thời gian, không phải đi lại nhiều. Hội viên nào có nhu cầu vay vốn chỉ cần thông báo với Tổ trưởng, sau đó, cán bộ ngân hàng cùng Tổ trưởng sẽ trực tiếp xuống làm các thủ tục liên quan để vay vốn; hoặc trả lãi, gốc cũng chỉ cần đến UBND xã chứ không phải đến ngân hàng như trước đây.
Bà Mai Thị Hà - Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ xã Phấn Mễ cho biết: Toàn xã chúng tôi có trên 500 hộ dân đang vay vốn thông qua 22 tổ với tổng dư nợ trên 40 tỷ đồng. Vì các thủ tục nhanh gọn, người dân có thể vay vốn mà không cần thế chấp (ở mức nhất định) tài sản, lãi suất lại không khác so với vay cá nhân tại ngân hàng nên nhiều gia đình hội viên đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư kinh doanh. Trong hơn 500 hộ đang vay qua tổ có khoảng 50% số hộ là vay mới khi vừa thành lập tổ.
Thực tế triển khai cho vay hộ gia đình và cá nhân ở nước ta đã cho thấy hiệu quả, lợi ích không nhỏ từ mô hình Tổ vay vốn này đem lại. Tiềm năng về thị trường tín dụng hộ gia đình và cá nhân còn rất lớn, khi nước ta có đến gần 24 triệu hộ gia đình, trong đó hơn 15 triệu hộ sinh sống ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, cho vay hộ gia đình và cá nhân được triển khai trên phạm vi không gian rộng lớn, món vay nhỏ lẻ… đã phần nào tạo áp lực đối với cán bộ tín dụng Agribank.
Nếu vào thời điểm năm 2012, mỗi cán bộ tín dụng Agribank quản lý trung bình 261 khách hàng, đến năm 2015, mỗi cán bộ tín dụng quản lý đến 352 khách hàng. Nhiều chi nhánh trong hệ thống quá tải như Agribank Vĩnh Phúc, Hậu Giang, Long An, Đồng Nai, Bình Thuận, Đồng Tháp, Hà Tĩnh… mỗi cán bộ tín dụng quản lý trên 1.000 khách hàng trong phạm vi 2-3 xã.
Để vừa khắc phục những hạn chế, tình trạng quá tải nêu trên, vừa mở rộng cho vay đối với hộ gia đình, cá nhân, một trong những giải pháp được Agribank đưa ra đó là: Tích cực triển khai phương pháp cho vay qua tổ nhóm, kết hợp với Hội Nông dân, Hội liên hiệp Phụ nữ và nhân rộng mô hình điểm giao dịch lưu động để giảm chi phí cho vay, giảm quá tải trong tín dụng hộ sản xuất khu vực nông thôn.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Agribank triển khai đồng bộ các giải pháp củng cố việc cho vay qua Tổ vay vốn, đồng thời triển khai Tổ cho vay lưu động; mở rộng quy mô tín dụng qua tổ đối với hộ gia đình và cá nhân song song với phát triển các dịch vụ khác để phát huy tối đa tính ưu việt của mô hình này.