dd/mm/yyyy

Loài cá từng bỏ đi nay thành đặc sản, thương lái tranh nhau mua

Tháng 10 âm lịch là mùa cá cháo - loài hải sản nhiều người ưa thích. Các thuyền đánh cá vừa cập bến, thương lái đã giành nhau gom hết ngay tại chỗ.

Những ngày qua, ngư dân ở xã Xuân Yên (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) bắt đầu bước vào mùa đánh bắt cá cháo. Cá cháo (còn gọi là cá khoai) thân mềm, da không có vảy. Loài cá này trước kia chỉ được đánh bắt về làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, nhưng những năm gần đây đã trở thành loại thực phẩm được nhiều người săn đón.

Cá cháo có quanh năm, nhưng mùa đánh bắt chính diễn ra từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 âm lịch năm sau. Loài này sống cách bờ 2-3 hải lý, ở độ sâu từ 20-60m. Thuyền đánh bắt ra khơi lúc 4h sáng và trở về lúc 8-9h cùng ngày. Để bắt loài cá này, ngư dân phải dùng lưới.

Loài cá từng bỏ đi nay thành đặc sản, thương lái tranh nhau mua - Ảnh 1.

Thuyền vừa cập bến, thương lái đã nhanh chóng tiếp cận để thu mua cá cháo (Ảnh: Xuân Sinh).

Ông Bùi Xuân Phong (55 tuổi, trú tại xã Xuân Yên) có hơn 30 năm gắn bó với nghề đi biển. Cũng như nhiều ngư dân nơi đây, ông đánh bắt các loài hải sản theo mùa. Cứ đến tháng 10 âm lịch, ông lại chuẩn bị thuyền, lưới để ra khơi đánh bắt cá cháo.

"Khi tiết trời chuyển lạnh dần là bắt đầu vào mùa cá cháo. Mới đầu mùa nên lượng cá đánh bắt được còn rất ít, mỗi thuyền chỉ gom được khoảng 20-30kg", ông Phong cho biết.

Loài cá từng bỏ đi nay thành đặc sản, thương lái tranh nhau mua - Ảnh 2.

Thương lái tranh giành nhau mua cá cháo (Ảnh: Xuân Sinh).

Theo ngư dân địa phương, mỗi thuyền đánh bắt cá cháo thường có từ 2 đến 3 người. Đây là loại hải sản khó bảo quản, nên khi gỡ lưới, phân loại phải cẩn thận, nhẹ nhàng, nếu không cá sẽ bị nát, mất giá. Cá cháo cũng đòi hỏi sau khi đánh bắt khoảng 3 đến 4 tiếng đồng hồ phải kịp đưa vào bờ sơ chế, cấp đông.

Đầu mùa đánh bắt, lượng cá còn ít nên cá cháo được thu mua với giá cao. Hiện cá cháo được thương lái mua tại bến với giá từ 150.000-170.000 đồng/kg.

Loài cá từng bỏ đi nay thành đặc sản, thương lái tranh nhau mua - Ảnh 3.

Trước đây cá cháo ít người ăn, nhưng nay trở thành đặc sản được săn đón (Ảnh: Xuân Sinh).

"Hiện giá cá cháo rất cao nên dù lượng cá ít nhưng ngư dân vẫn rất phấn khởi. Mỗi chuyến ra khơi, trừ hết chi phí một người cũng "bỏ túi" 500 nghìn đến hơn một triệu đồng. Có khi nhiều hơn nhưng cũng có lúc lại không có, tùy thuộc vào việc có bắt trúng luồng cá hay không. Sắp tới hy vọng lượng đánh bắt được sẽ nhiều hơn", ông Phong cho biết thêm.

Ghi nhận chung, từ sáng sớm, hàng chục thương lái đã tập trung tại bến thuyền ở xã Xuân Yên chờ các thuyền cá cập bến để thu mua. Cứ mỗi lần có tàu cá cập bến, các thương lái lại đua nhau chạy thật nhanh xuống bến, tiếp cận để hỏi mua. Thậm chí các thương lái phải tranh nhau trả giá cao để thu gom được nhiều hơn.

Loài cá từng bỏ đi nay thành đặc sản, thương lái tranh nhau mua - Ảnh 4.

Do đầu mùa, số lượng đánh bắt còn ít song cá được giá nên mỗi chuyến ra khơi, ngư dân cũng "bỏ túi" trên dưới 1 triệu đồng/người (Ảnh: Xuân Sinh).

"Mới đầu mùa nên lượng cá còn rất ít, người mua thì nhiều. Khoảng 4 hôm nay, sáng nào tôi cũng có mặt tại đây để gom hàng, nhưng chỉ được khoảng một đến 2 yến cá cháo. Thậm chí tôi đã đặt vấn đề trước với các tàu cá nhưng cũng không thu mua được nhiều", chị Trương Thị Hoài (thương lái trú tại xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân) cho biết.

Cũng theo chị Hoài, trước đây loài hải sản này ít được biết đến và hầu như không có ai ăn. Nhưng vài năm trở lại đây, cá cháo thành đặc sản được nhiều người săn đón.

Loài cá từng bỏ đi nay thành đặc sản, thương lái tranh nhau mua - Ảnh 5.

Sau khi mua được hàng, thương lái tỏa đi khắp nơi để bán cho người tiêu dùng (Ảnh: Xuân Sinh).

"Trước đây chỉ có một số người dân ở các vùng biển bắt cá cháo về ăn hoặc làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Nhưng giờ thì có từng nào tiêu thụ hết từng ấy, vì nhiều người rất thích loại hải sản này", chị Hoài nói.

Cá cháo có thể chế biến nhiều món như nấu canh với rau cải, kho rau răm, làm lẩu...


Xuân Sinh