Thứ Tư, ngày 30/04/2025 00:39 (GMT+7)
Lào Cai triển khai hiệu quả công tác phát triển rừng
11/04/2025 07:25 GMT +7
Tỉnh Lào Cai đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong công tác phát triển rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và nâng cao sinh kế cho người dân. Nhờ đó, độ che phủ rừng của tỉnh được nâng lên, nhiều mô hình kinh tế rừng phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xanh và bền vững.

Phấn đấu độ che phủ rừng Lào Cai đạt 60%
Theo thống kê, diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai là 395.546,4 ha. Trong đó, rừng tự nhiên 256.887,8 ha; rừng trồng 138.658,6 ha. Diện tích đã thành rừng là 120.986,5 ha; diện tích đã trồng chưa thành rừng 17.672,2 ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh năm 2024 đạt 59,37%, tăng 0,87% so với năm 2023.
Để triển khai hiệu quả công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng, tỉnh Lào Cai đã tập trung chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Hạt Kiểm lâm, UBND các xã, phường, thị trấn công khai và cung cấp thông tin hiện trạng rừng theo năm. Xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn.
Theo dõi, cập nhật diễn biến rừng, xây dựng và lưu trữ hồ sơ, dữ liệu diễn biến rừng theo quy định. Rà soát diện tích rừng đủ tiêu chí tính tỷ lệ che phủ rừng, lập hồ sơ cập nhật vào cơ sở dữ liệu năm.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai tổ chức theo dõi diễn biến rừng hàng năm, chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố triển khai thu thập thông tin biến động, cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu, tổng hợp báo cáo theo quy định.

Ông Nguyễn Xuân Sâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai cho biết: Năm 2025, tỉnh Lào Cai phấn đấu nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh lên 60%. Để đạt được chỉ tiêu đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu trồng rừng sản xuất, trồng rừng thay thế đến từng địa phương cụ thể.
Năm 2024, diễn biến thời tiết phức tạp, ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 3 (Yagi) gây thiệt hại, sạt lở hơn 1.154 ha rừng. Đến thời điểm này, đối với diện tích rừng sản xuất của các hộ dân bị thiệt hại thì người dân đã chủ động trồng lại rừng. Đối với diện tích rừng tự nhiên sẽ tự tái sinh.
Năm 2025, tỉnh Lào Cai phấn đấu trồng mới 1.080 ha rừng chủ yếu là rừng sản xuất, do đó, các địa phương đã triển khai đồng bộ các chương trình trồng rừng, bảo vệ và phát triển diện tích rừng hiện có.
Trong đó, việc phát triển các loại rừng phòng hộ, rừng sản xuất gắn với khoanh nuôi rừng tái sinh tự nhiên và trồng mới được đẩy mạnh. Đồng thời, phát triển các mô hình trồng rừng sản xuất, với các giống cây bản địa như quế, mỡ, keo, bạch đàn, thông.
Từ đầu năm 2025 đến nay, tỉnh Lào Cai đã trồng mới được khoảng 430 ha rừng sản xuất; trồng mới 535.585 cây xanh phân tán.
Nhiều giải pháp bảo vệ, phát triển rừng ở Lào Cai
Tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp cùng các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các buổi tuyên truyền, hội thảo, tập huấn về bảo vệ môi trường và phát triển rừng bền vững cho người dân, đặc biệt là các hộ dân sống ở vùng sâu, vùng xa.
Cùng với phát triển rừng, Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai chỉ đạo duy trì và gia tăng chất lượng rừng, bảo vệ ổn định các quần thể hoang dã sống trong vườn quốc gia Hoàng Liên và Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát, Văn Bàn.
Chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố phân công kiểm lâm địa bàn bám sát cơ sở để chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.
Kiện toàn và duy trì hoạt động của 178 Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững các cấp, với hơn 4.460 thành viên. Củng cố và duy trì hoạt động của các đội, tổ xung kích bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng cấp xã, thôn, bản...
Trực 24/24 giờ trong những ngày thời tiết khô hanh kéo dài, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" để chủ động trong công tác ứng cứu, chữa cháy rừng...

Từ việc bảo vệ, phát triển rừng đã góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân, nhiều hộ gia đình ở các huyện vùng cao như Bát Xát, Bảo Yên, Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà… có thu nhập ổn định từ việc trồng rừng sản xuất, khai thác gỗ và các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ.
Ngoài ra, các mô hình du lịch sinh thái cũng đang được phát triển mạnh mẽ ở những khu vực có cảnh quan thiên nhiên đẹp, góp phần phát huy giá trị rừng và tạo việc làm cho lao động địa phương.
Ông Trần Lê Hiếu, Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Si Ma Cai (Lào Cai) thông tin: Những năm gần đây, người dân đã nhận thức rõ vai trò của tài nguyên rừng, kinh tế lâm nghiệp, kinh tế đồi rừng ngày một nâng lên tạo ra những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Hiện nay, huyện Si Ma Cai đang quản lý bảo vệ hơn 11.000 ha rừng, trong đó, hơn 6.156 ha rừng tự nhiên, hơn 3.567 ha rừng trồng, còn lại là rừng trồng chưa thành rừng và rừng tự nhiên ngoài quy hoạch lâm nghiệp. Tỷ lệ độ che phủ rừng của huyện Si Ma Cai đạt 44%.
Hạt Kiểm lâm huyện Si Ma Cai đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các xã, thị trấn thực hiện trồng cây xanh, cây phân tán hai bên đường các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, đường liên xã, liên thôn. Đặc biệt là trồng mới hơn 101 ha rừng sản xuất; 25 ha cây dẻ Trùng Khánh góp phần tạo sinh kế cho người dân trên địa bàn.

Để tiếp tục mở rộng diện tích trồng rừng, thời gian tới, tỉnh Lào Cai chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng và các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp từ khâu quy hoạch, tổ chức trồng, chăm sóc, khai thác đến chế biến.
Trọng tâm là các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các chủ rừng tham gia thực hiện trồng rừng sản xuất, cây phân tán.
Chi Cục Kiểm lâm tỉnh tăng cường quản lý, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp tổ chức gieo ươm, chăm sóc cây giống lâm nghiệp theo quy trình kỹ thuật đảm bảo đủ số lượng, chất lượng cây phục vụ nhu cầu trồng rừng hằng năm trên địa bàn tỉnh.