dd/mm/yyyy

Lào Cai có một 'kho vàng xanh', mùi thơm như mật ong, hễ bán là hết sạch, giá 1,5 triệu đồng/kg

Ở Y Tý có một sản phẩm mang tên bạch trà mùi thơm như mật ong, giá bán tới 1,5 triệu đồng mỗi kg nhưng làm ra không đủ bán.
Lào Cai có một 'kho vàng xanh', mùi thơm như mật ong, hễ bán là hết sạch, giá 1,5 triệu đồng/kg - Ảnh 1.

Nhắc đến những rừng chè Shan tuyết cổ thụ ở Lào Cai, tôi đã có dịp lên tận xã vùng cao Tả Củ Tỷ, Hoàng Thu Phố (huyện Bắc Hà), lang thang trong khu rừng chè trăm tuổi ở xã Tả Thàng (huyện Mường Khương), vượt dốc lên núi cao Nàn Sín (huyện Si Ma Cai) để tận tay, tận mắt cảm nhận những cây chè trăm tuổi rêu phong. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên nghe nói ở xã Y Tý, nơi có độ cao trên 2.000m so với mực nước biển cũng có những cây chè trăm tuổi, được ví như “kho báu xanh” ít người biết tới.

Lào Cai có một 'kho vàng xanh', mùi thơm như mật ong, hễ bán là hết sạch, giá 1,5 triệu đồng/kg - Ảnh 2.

Từ UBND xã Y Tý, sau gần 40 phút đi xe máy qua các thôn Lao Chải, Sín Chải, chúng tôi đã đến vùng đất Sim San, Hồng Ngài, nơi xa xôi nhất xã Y Tý. Thật bất ngờ vì không phải đi tìm ở đâu xa, ngay bên tuyến đường bê tông qua đầu thôn Sim San 1 chúng tôi gặp đồng bào Dao đỏ nơi đây đang thu hái chè cổ thụ. Là người hay tìm hiểu về trà, nhìn lên sườn núi đá tôi đã nhận ra những thân chè Shan tuyết rêu trắng mốc. Sau những trận mưa tháng Bảy, cây chè nào cũng mơn mởn xanh, búp chè mập mạp vươn lên đón nắng. Không thể nhầm lẫn, đây chính là chè cổ thụ Shan tuyết mọc trên núi đá, bởi búp chè phủ một lớp lông mịn màng, trắng như tuyết phủ.

Chị Phàn Tả Mẩy, thôn Sim San 1 đã quá quen với việc hái chè cổ thụ nên chỉ mất vài phút đã trèo lên thân chè rêu mốc, vươn tay hái những búp chè trắng non cho vào túi vải. Chị Mẩy bảo vườn chè của gia đình có những cây chè, thân to như cái phích, có cây bằng cái cột nhà, không biết bao nhiêu năm tuổi nhưng đã qua mấy đời người. Trước đây cây chè cao tới cả chục mét, nhưng nhiều năm trước gia đình chặt ngọn chè để hạ độ cao và cho tán chè phát triển rộng, ra nhiều búp hơn. Ở Sim San 1, Sim San 2, hầu như vườn nhà nào cũng có vài gốc chè cổ thụ được trồng từ nhiều đời trước. Tuy nhiên, những rừng chè mọc tập trung thì không có nhiều.

Lào Cai có một 'kho vàng xanh', mùi thơm như mật ong, hễ bán là hết sạch, giá 1,5 triệu đồng/kg - Ảnh 3.

Anh Lê Hải Hà, cán bộ khuyến nông xã Y Tý cho biết: Khu vực thôn Sim San 1, Sim San 2, Hồng Ngài là nơi có độ cao trên 1.800 m so với mực nước biển, cũng là thượng nguồn của dòng suối Lũng Pô. Không biết từ bao giờ ở đây đã có những cây chè Shan tuyết cổ thụ mọc trên núi cao, có những cây được người dân trồng trong vườn đến nay cũng hàng chục năm, thậm chí cả trăm năm tuổi. Chè Shan tuyết cổ thụ Y Tý mọc ở nơi có khí hậu mát mẻ, hấp thụ sương gió đại ngàn nên rất thơm ngon, là nguyên liệu để chế biến ra nhiều sản phẩm trà đặc sản. Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng diện tích chè cổ thụ của xã Y Tý tập trung chủ yếu ở 3 thôn với khoảng 14 ha, trong đó nhiều nhất là ở Hồng Ngài với khoảng 9 ha.

Lào Cai có một 'kho vàng xanh', mùi thơm như mật ong, hễ bán là hết sạch, giá 1,5 triệu đồng/kg - Ảnh 4.

Nói thêm về những rừng chè shan tuyết cổ thụ ở Sim San, Hồng Ngài, quả thực đây là một “kho vàng xanh” hiếm có, nhưng đến nay vẫn ít người biết đến. Thì ra, Sim San, Hồng Ngài là vùng đất xa xôi tận cùng của xã Y Tý, giáp với những cánh rừng nguyên sinh của xã Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, một mặt giáp với huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Trước đây, khi đường vào Sim San còn là đường đất bà con phải đi bộ một ngày mới tới nơi. Ngay cả cách đây 4 năm, khi tuyến đường bê tông tới đầu thôn Hồng Ngài hoàn thành, thì đây vẫn là vùng đất còn xa lạ với nhiều người.

Ở nơi xa xôi ấy, nếu như Sim San là vùng đất của người Dao đỏ thì Hồng Ngài lại là địa bàn cư trú chủ yếu của người Mông. Từ xưa, đồng bào vùng cao ít có thói quen uống trà thường xuyên, thi thoảng mới hái một nắm lá chè về đun nước uống. Cũng chính vì thế, những búp chè cổ thụ dù ngon đến mấy cũng chỉ được sử dụng hạn chế trong thôn, ít người được thưởng thức. Những rừng chè cổ thụ vì thế vẫn như những “nàng công chúa ngủ trong rừng”.

Lào Cai có một 'kho vàng xanh', mùi thơm như mật ong, hễ bán là hết sạch, giá 1,5 triệu đồng/kg - Ảnh 5.

Mọi chuyện thay đổi khi du lịch Y Tý phát triển, xã Y Tý được quy hoạch trở thành đô thị du lịch của huyện Bát Xát và của tỉnh, vùng phụ cận của Khu du lịch quốc gia Sa Pa. Giao thông thuận lợi, khách du lịch đến đông hơn, sản phẩm trà Shan tuyết cổ thụ của Y Tý ngay từ khi mới xuất hiện tại một số homestay đã được nhiều du khách trầm trồ khen ngon. Ngoài ra, một số thương lái từ khắp nơi cũng tìm đến Sim San, Hồng Ngài để thu mua chè cổ thụ bán sang Trung Quốc. Từ năm 2022, chè Shan tuyết cổ thụ Y Tý đã được “đánh thức”.

Lào Cai có một 'kho vàng xanh', mùi thơm như mật ong, hễ bán là hết sạch, giá 1,5 triệu đồng/kg - Ảnh 6.

Chị Phàn Lở Mấy, thôn Sim San 2, người chuyên thu mua và chế biến chè cổ thụ Y Tý bán ra thị trường cho biết: Hiện nay, cứ 1kg búp chè tươi loại 1 tôm 2 lá đã có giá 20 nghìn đồng, chè sao khô có giá 200 - 300 nghìn đồng/kg. Đối với loại chè 1 tôm thì chè tươi có giá 250 - 300 nghìn đồng/kg, khi chế biến thành sản phẩm bạch trà bán ra thị trường giá từ 1 -1,5 triệu đồng/kg. Chè cổ thụ thu hoạch từ mùa xuân đến hết tháng 11 thì cây chè “ngủ đông”. Vào vụ thu hoạch chè, có gia đình hái chè bán được vài trăm nghìn đến cả triệu đồng mỗi ngày. Một số gia đình người Dao ở Sim San có thu nhập cao từ chè cổ thụ như ông Tẩn Chỉn Heng, Tẩn Chìn Lìn, Tẩn Láo Tả, Tẩn Láo San…

Lào Cai có một 'kho vàng xanh', mùi thơm như mật ong, hễ bán là hết sạch, giá 1,5 triệu đồng/kg - Ảnh 7.

Đến thôn Sim San 1, vào thăm nhà chị Phàn Tả Mẩy, chúng tôi được chị pha ấm trà mới mời thưởng thức để tận hưởng hương vị đặc sản núi rừng nơi đây. Những búp chè trắng như phủ tuyết được pha bằng nước suối nguồn đun sôi, nên vị trà thanh ngọt, hương thơm thoang thoảng, đặc biệt là vị ngọt đọng lại trong cổ họng rất lâu.

Chỉ cho chúng tôi những nong tre đang phơi ngoài hiên, chị Mẩy bảo hiện nay trong thôn một số gia đình đã mua máy sao chè cho nhanh và năng suất, nhưng gia đình tôi vẫn chế biến chè bằng phương pháp thủ công. Từ chè nguyên liệu 1 tôm, 2 lá hoặc 1 tôm 3 lá cho lên chảo lửa sao thủ công, đảo bằng tay liên tục đến khi trà vừa độ chín sẽ cho ra sản phẩm trà khô bán với giá từ 200 - 400 nghìn đồng. Trà sao thủ công tuy làm vất vả nhưng giữ màu tuyết trắng, thơm ngon, đậm vị, giá bán cũng cao hơn chè sao máy.

Lào Cai có một 'kho vàng xanh', mùi thơm như mật ong, hễ bán là hết sạch, giá 1,5 triệu đồng/kg - Ảnh 8.

Còn đối với sản phẩm bạch trà thì cần lựa chọn những tôm trà to đều, đẹp nhất cho ra nong tre hong gió cho khô chứ không phơi ra nắng hay cho lên chảo sao như chè thường. Loại bạch trà này có vị thơm như mật ong, giá có khi tới 1,5 triệu đồng mỗi kg nhưng làm ra không đủ bán.

Nghe chị Mẩy nói chuyện, chúng tôi chung niềm vui vì người Dao đỏ nơi đây đã biết tiếp cận với các phương pháp nâng cao giá trị của chè cổ thụ, tạo ra những sản phẩm trà ngon hơn, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trong 9 tháng đầu năm 2023 người dân thu hoạch khoảng 11 tấn chè búp tươi, ước đạt trên 700 triệu đồng. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, việc nâng tầm chè cổ thụ ở Y Tý nói chung cũng như vấn đề đầu ra cho chè cổ thụ Y Tý vẫn đang là bài toán khó. Hiện nay, chè cổ thụ Y Tý vẫn do người dân bán nhỏ lẻ, chưa có doanh nghiệp hay hợp tác xã nông nghiệp nào thu mua để chế biến sâu. Vậy làm thế nào để “kho vàng xanh” được khai thác hiệu quả, giúp người dân có nguồn thu ổn định?

Lào Cai có một 'kho vàng xanh', mùi thơm như mật ong, hễ bán là hết sạch, giá 1,5 triệu đồng/kg - Ảnh 9.

Trao đổi với với anh Nguyễn Văn Tài, Bí thư Đảng ủy xã Y Tý về những băn khoăn này, anh Tài cho hay: Hiện nay, xã Y Tý đang tập trung phát triển du lịch, cần thêm nhiều sản phẩm phục vụ du khách, trong đó sản phẩm chè cổ thụ là một đặc sản hấp dẫn. Nhưng quả thực xã cũng đang gặp khó khăn, chất lượng sản phẩm chè sau chế biến còn chưa cao, đầu ra của sản phẩm còn bấp bênh. Để sản phẩm chè cổ thụ Y Tý có thương hiệu trên thị trường gắn với phát triển du lịch, chúng tôi đã có kế hoạch liên kết với các doanh nghiệp và lồng ghép các nguồn vốn thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư cho bảo tồn chăm sóc, chế biến đảm bảo các quy trình kỹ thuật nhằm nâng giá trị hàng hóa và chất lượng chè cổ thụ Y Tý trong thời gian tới.

Lào Cai có một 'kho vàng xanh', mùi thơm như mật ong, hễ bán là hết sạch, giá 1,5 triệu đồng/kg - Ảnh 10.

Theo báo Lào Cai