Thứ Sáu, ngày 14/02/2025 01:13 PM (GMT+7)
Lào Cai: Bàn giải pháp phát triển du lịch nông thôn, sản phẩm quà tặng phục vụ du lịch vùng đồng bào DTTS
17/12/2024 18:36 GMT +7
Ngày 17/12, tại TP. Lào Cai, Sở Du lịch tỉnh Lào Cai đã tổ chức Hội thảo phát triển du lịch nông thôn và sản phẩm quà tặng phục vụ du lịch tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Hội thảo phát triển du lịch nông thôn và sản phẩm quà tặng phục vụ du lịch tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Ảnh: Sở Du lịch Lào Cai.
Những mô hình du lịch nông thôn ở Lào Cai
Theo báo cáo của Sở Du lịch tỉnh Lào Cai, hiện trên địa bàn tỉnh đang triển khai 8 mô hình thí điểm cấp tỉnh về du lịch cộng đồng gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn, trong đó 1 mô hình cấp tỉnh chủ trì, 7 mô hình do đơn vị cấp huyện chủ trì.
Đối với mô hình thí điểm cấp tỉnh, trong giai đoạn 2022 – 2025, tỉnh Lào Cai được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt thực hiện 1 mô hình thí điểm "Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc Tày trên địa bàn xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên".
Đối với 7 mô hình do đơn vị cấp huyện chủ trì, gồm: Mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát; mô hình phát triển du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Bản Phố 2C, xã Bản Phố, huyện Bắc Hà; mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên; phát triển dịch vụ trải nghiệm, tham quan tại Trại nghiên cứu và sản xuất rau quả Bắc Hà; phát triển không gian du lịch cộng đồng đội 4 – thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa; du lịch cộng đồng dân tộc Xa Phó tại thôn Nậm Rịa, xã Hợp Thành, TP. Lào Cai...

Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Sở Du lịch Lào Cai.
Tnh đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 467 cơ sở homestay trong đó tập trung chủ yếu tại Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên, TP. Lào Cai, Văn Bàn. Từ mô hình phát triển du lịch cộng đồng phát triển đã thu hút đông đảo người dân địa phương tham gia vào các hoạt động cung ứng dịch vụ lưu trú, công tác hướng dẫn khách du lịch, cung cấp dịch vụ xe ôm, khuân vác hành lý, biểu diễn văn nghệ, mua sắm thổ cẩm.
Hiện nay tỉnh Lào Cai đã có 3 nhóm cơ sở lưu trú tại gia homestay của đồng bào dân tộc Giáy tại xã Tả Van, thị xã Sa Pa và dân tộc Tày Tà Chải, huyện Bắc Hà, dân tộc Tày tại xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên được Hiệp hội du lịch các quốc gia ASEAN công nhận đạt chuẩn homestay ASEAN.
Ngoài ra, còn có các sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp gắn du lịch sinh thái phát triển mạnh được du khách yêu thích; du lịch tham quan trải nghiệm ruộng bậc thang; du lịch nông trại; phát triển sản phẩm hàng hóa phục vụ khách du lịch...
Để phát triển du lịch cộng đồng, tỉnh Lào Cai ban hành Nghị quyết số 06 năm 2021, với chính sách cho vay đối với người lao động tối đa không quá 100 triệu đồng người (một hộ gia đình được vay tối đa 200 triệu đồng/2 người lao động); hỗ trợ tối đa không quá 40 triệu đồng/đội đối với thành lập mới câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian và hỗ trợ tối đa không quá 5 triệu đồng/tháng/đội duy trì hoạt động của câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian.
Nghị quyết số 12 năm 2024 của HĐND tỉnh Lào Cai sửa đổi một số nội dung của Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2025. Theo đó, ngân sách cấp tỉnh cân đối tối thiểu 11 tỷ đồng/năm ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lào Cai để cho vay.
Năm 2017, tỉnh Lào Cai đã tổ chức tổ chức cuộc thi thiết kế sản phẩm lưu niệm, quà tặng nhằm phát hiện, tôn vinh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm hàng lưu niệm, quà tặng có chất lượng cao, mẫu mã đẹp phục vụ cho hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Cùng với đó là tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ làm hàng lưu niệm, quà tặng cho khách du lịch nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thế cạnh tranh sản phẩm ra thị trường, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người lao động, tận dụng được nguyên liệu tại địa phương.
Hiện nay, quà lưu niệm của tỉnh Lào Cai chủ yếu thuộc các nhóm: Thực phẩm; thức uống; văn hóa, mỹ thuật các sản phẩm từ nghề thủ công truyền thống: thổ cẩm, đan lát, chạm khắc… Cùng các sản phẩm OCOP, với 269 sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao trong đó, có 259 sản phẩm 3 sao, 8 sản phẩm 4 sao, 2 sản phẩm 5 sao.
Phát triển du lịch nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Trình bày tham luận tại Hội thảo về "Hiện trạng phát triển du lịch nông nghiệp và sản phẩm quà tặng lưu niệm cho khách du lịch ở Bắc Hà", ông Trần Xuân Thảo, Phó Chủ tịch UBND Bắc Hà (Lào Cai) chia sẻ: Du lịch nông nghiệp Bắc Hà đã trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc gắn với cao nguyên trắng Bắc Hà với nhiều sản phẩm hấp dẫn. Trong định hướng quy hoạch và chiến lược phát triển các sản phẩm du lịch, Bắc Hà luôn chú trọng đến các sản phẩm du lịch nông nghiệp và quà tặng lưu niệm.
Huyện đã huy động và lồng ghép các nguồn lực từ ngân sách địa phương và từ nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu Quốc gia để hỗ trợ đồng bào, người dân phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có chất lượng.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Bắc Hà đã có 31 sản phẩm OCOP đã được công nhận. Một số các sản phẩm nông nghiệp của huyện Bắc Hà được các du khách quan tâm mua sắm hiện nay như gà đen, lợn đen, bánh chưng đen, các loại rau bản địa, bún kale, kẹo lạc đỏ nấu với tam thất nậm mòn, rượu ngô Bản phố..... đều là những sản phẩm có tiềm năng cải tiến trở thành những sản phẩm quà lưu niệm đặc sản của địa phương để phục vụ du khách mang về cho người thân, bạn bè……

Mô hình trồng cây ăn quả gắn với du lịch trải nghiệm tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Mùa Xuân.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà Trần Xuân Thảo, Bắc Hà luôn xác định du lịch nông nghiệp sẽ là sản phẩm du lịch bền vững, có trách nhiệm và tạo được động lực, bổ sung nguồn thu cho người nông dân, việc định hướng, phát triển du lịch nông nghiệp là một hướng đi chắc chắn đúng đắn và phải được ưu tiên. Bởi du lịch nông nghiệp giúp tăng lợi nhuận cho người nông dân, thúc đẩy mối quan hệ giữa nông dân và khách hàng, tăng tính minh bạch trong sản xuất nông nghiệp và góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm trong nông nghiệp.
Tuy nhiên, việc xây dựng và triển khai thực hiện sản phẩm quà tặng lưu niệm cho khách du lịch vẫn còn một số hạn chế nhất định, chưa có nhiều sản phẩm mang tính thương hiệu, chuyên nghiệp, bắt mắt để du khách thích thú. Các làng nghề truyền thống cũng chưa được thực sự được khôi phục và phát triển trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc đối với du khách. Những khó khăn về cơ chế quản lý trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ khách du lịch trên đất nông nghiệp...

Du khách trải nghiệm hái quả tại Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả ôn đới. Ảnh: CTV.
Cũng trình bày tại Hội thảo, ông Đỗ Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa (Lào Cai) nhấn mạnh Sa Pa không chỉ được biết đến như một điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, trong những năm gần đây, du lịch nông nghiệp và sản phẩm quà tặng lưu niệm đang trở thành những xu hướng được đầu tư để gia tăng sự đa dạng hóa sản phẩm du lịch tại Sa Pa.
Một số mô hình canh tác và trải nghiệm nông nghiệp đã bắt đầu hình thành như: Vườn dâu tây, rau xanh, hoa đào, vườn hoa hồng đã được khai thác để du khách tham quan, hái quả trực tiếp. Du khách có thể tham gia các hoạt động như gieo trồng, thu hoạch nông sản, mang lại trải nghiệm sinh động và độc đáo; các sản phẩm nông nghiệp đã được khai thác để bán trực tiếp tại các điểm du lịch.
Nhiều mô hình kết hợp giữa trải nghiệm nông nghiệp với giới thiệu văn hóa bản địa, như tour du lịch dược liệu đã được hình thành… Sản phẩm quà tặng lưu niệm cũng đã ngày một phong phú như: Thổ cẩm, dược liệu, hàng mây tre đan, thủ công mỹ nghệ, hương thảo mộc…

Mô hình dâu tây gắn với trải nghiệm du lịch ở phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa (Lào Cai). Ảnh: Kim Dung.
"Bên cạnh những kết quả đó, sản phẩm du lịch nông nghiệp và quà tặng lưu niệm của Sa Pa vẫn còn bộc lộ hạn chế, chủ yếu mang tính tự phát, chưa được quy hoạch, dẫn đến chưa hình thành được các vùng sản phẩm đặc hữu và chuyên canh.
Chưa kéo dài thời gian trải nghiệm của du khách do thiếu các hoạt động tương tác và trải nghiệm thực tế; các sản phẩm quà tặng chưa có nhiều mẫu mã mới lạ, thiếu sự đổi mới và chưa mang tính ứng dụng cao; đa số quà tặng không có bao bì đẹp mắt, thiếu tính thương hiệu; giá cả chưa cạnh tranh…
Từ thực tế đó cho thấy để khai thác hiệu quả các giá trị nông nghiệp và quà tặng phục vụ du lịch tại Sa Pa cần phải có giải pháp đồng bộ, có hệ thống và với sự tham gia của các bên liên quan", ông Đỗ Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa trăn trở.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, thẳng thắn nhìn nhận những kết quả mang lại từ phát triển du lịch nông thôn cũng như nêu lên những tồn tại hạn chế mà các địa phương đang gặp phải đó là hiện nay, loại hình du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn chủ yếu dừng lại ở các tài liệu nghiên cứu, tham khảo, chưa được quy định tại Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn. Chưa có tiêu chí về công nhận điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn để các địa phương có căn cứ xây dựng, công nhận các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Hầu hết các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn mới chỉ khai thác dịch vụ ăn, nghỉ và biểu diễn văn nghệ phục vụ khách du lịch mà thiếu các hoạt động thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của du khách tại địa phương. Các nghề thủ công truyền thống mặc dù bước đầu đã được khai thác phục vụ du lịch nhưng mới chỉ dừng lại ở những mô hình thí điểm nên chưa tạo được sức lan tỏa.
Vấn đề xử lý nước thải, rác thải, đặc biệt là nước thải và rác thải sinh hoạt tại các điểm du lịch chưa được quan tâm đúng mức dẫn tình trạng ô nhiễm môi trường và gây ra nhiều phản cảm đối với du khách. Các tuyến, điểm tham quan du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp chưa được đầu tư hoàn thiện hạ tầng du lịch thiết yếu theo quy định như: đường giao thông, bãi đỗ xe, hệ thống cấp thoát nước, nhà vệ sinh cộng cộng, điểm dừng chân ngắm cảnh và giới sản phẩm địa phương, hệ thống biển báo và biển chỉ dẫn du lịch, nhà du lịch cộng đồng ....
Giá trị nông nghiệp bản địa, văn hóa truyền thống bản sắc, chuyên nghiệp chưa được nghiên cứu bài bản để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao phục vụ du khách. Sản phẩm quà tặng hàng lưu niệm còn thiếu sản phẩm mang tính biểu trưng, có nhiều sản phẩm chưa rõ nguồn gốc, các sản phẩm của địa phương gặp phải sự cạnh tranh của các sản phẩm từ Trung Quốc...
Cần có cơ chế, chính sách phát triển du lịch nông thôn hiệu quả
Do đó, về định hướng thời gian tới, tỉnh Lào Cai sẽ nâng cấp những sản phẩm du lịch đã có và xây dựng những sản phẩm du lịch mới hấp dẫn. Trong giai đoạn 2025-2030 sẽ xây dựng 6 mô hình du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn theo du lịch cộng đồng ASEAN và 11 mô hình du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn Việt Nam.
Trong đó, tập trung vào các sản phẩm Du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp - làng nghề; sản phẩm du lịch gắn với làng nghề... Ngoài ra, hiện nay, cần quan tâm đến phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch thể thao mạo hiểm gắn với các đỉnh núi, thác nước trên địa bàn tỉnh đặc biệt là tại Bát Xát, Sa Pa như: núi Ngũ Chỉ Sơn (Sa Pa), núi Ky Quan San, Nhìu Cồ San, Lử Thẩn, Chung Nhía Vũ; thác Rồng, thác Xanh, thác Ong (Bát Xát)…

Du lịch cộng đồng xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên (Lào Cai). Ảnh: Nguyễn Ngoan.
Tại Hội thảo, Sở Du lịch tỉnh Lào Cai cũng đề xuất các giải pháp như: Nâng cao vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư khu vực nông thôn trong phát triển du lịch nông thôn; ưu tiên phát triển đồng bộ hệ thống điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn từ cơ sở vật chất đến kĩ thuật, hạ tầng để đảm bảo điều kiện xây dựng sản phẩm du lịch hài hoà, phù hợp với điều kiện của từng vùng miền; khai thác các giá trị ưu thế nổi trội, khác biệt gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển một số sản phẩm mới, trọng tâm là sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm gắn với các đỉnh núi, thác nước trên địa bàn tỉnh đặc biệt là tại Bát Xát, Sa Pa. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển du lịch nông thôn.
Xây dựng cơ chế cho làng du lịch, giải quyết vướng mắc về cơ chế quản lý đất đai cho nông nghiệp, nông thôn; tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp đăng ký kinh doanh, vay vốn ngân hàng lãi suất thấp, những ưu đãi về thuế cho những hộ dân, doanh nghiệp tham gia loại hình du lịch nông thôn.
Đẩy mạnh hoạt động quảng bá cho các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm quà tặng. Có sự kết nối giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và các điểm du lịch nông thôn, các điểm, cửa hàng bày bán giới thiệu sản phẩm.
- Tham khảo thêm