Gặp chúng tôi vào những ngày tháng 3, khi mùa vú sữa đang trĩu quả, ông Sử kể: “Trước đây đất vùng này nhiều phèn, ít phù sa, bà con quanh năm trồng tràm, sau đó phát triển làm lúa, nhưng mỗi năm cũng chỉ được một vụ. Sau nhiều năm suy nghĩ, tôi bắt tay chuyển đổi 2,1ha đất để trồng cây ăn trái. Ban đầu, đất vườn của gia đình chủ yếu là vườn tạp, không có giá trị kinh tế cao. Sau đó, tôi lại bắt tay vào cải tạo, đầu tư trồng 400 gốc nhãn, dưới ao nuôi cá bóng tượng, cá chình, trên bờ thì lấy ngắn nuôi dài, trồng thêm bồ ngót, rau má”.
Vườn vú sữa trĩu quả của ông Sử nằm giữa vùng nước mặn. Ảnh: CHÚC LY
Cứ như thế, vườn tược phát triển xanh tốt. Tuy nhiên, đến những năm 1997-1998, khi chính quyền chưa chuyển dịch sang nuôi tôm như bây giờ, dân địa phương tự phát dẫn nước mặn vào để nuôi tôm, dẫn đến vườn cây ăn trái của gia đình ông Sử bị ảnh hưởng. Trước tình hình đó, ông Sử quyết định cải tạo lại vườn một lần nữa bằng cách xây dựng hệ thống mương ngăn mặn bao quanh khu vườn.
“Hệ thống mương này có tác dụng ngăn nước mặn bên ngoài ngấm vào khu vực vườn bên trong, nếu nước mặn có thấm qua mương nhiều thì cũng có đường thoát ra ngoài nên không phải lo lắng hay bị động” – ông Sử chia sẻ.
Đến năm 2010, từ lợi thế giữ được ngọt, ông Sử trồng thêm hơn 50 gốc vú sữa nữa. Hiện tại, trong diện tích vườn 2,1ha của gia đình, ông Sử có hơn 400 gốc nhãn xanh tốt. Dưới ao nước ngọt, ông thả nuôi cá sặc rằn và các loại cá nước ngọt. Ao mương ngăn mặn thì ông nuôi cá bống tượng.
Ông Sử cho biết: “Nhãn trồng ở vùng đất phèn không to, bóng, đẹp mã như vùng khác, nhưng chất lượng luôn được đảm bảo. Còn vườn vú sữa có năng suất từ 200-300kg/cây/vụ, khoảng 4 năm nữa năng suất có thể đạt khoảng 500kg/cây/vụ. Mỗi năm, từ vú sữa, gia đình tôi thu về gần 40 triệu đồng”.