Thứ Bảy, ngày 11/01/2025 12:36 AM (GMT+7)

Lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm sâu

2023-10-03 12:39:25

Hiện, lãi suất tại nhiều ngân hàng đã xuống mức thấp kỷ lục, ngang hoặc thấp hơn so với giai đoạn dịch Covid-19.

Mới nhất, Vietcombank vừa áp dụng biểu lãi suất huy động mới khi giảm 0,2 điểm % ở loạt kỳ hạn từ 3 tháng trở lên.

Cụ thể, đối với cả hình thức gửi tiết kiệm tại quầy và gửi trực tuyến, lãi suất huy động cao nhất của ngân hàng chỉ còn 5,3%/năm, giảm 0,2 điểm % so với trước khi thay đổi. Đây là mức lãi suất áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Bên cạnh đó, lãi suất kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng cũng giảm 0,2 điểm % xuống còn 4,3%/năm. 

Lãi suất huy động tiếp tục giảm, gửi tiền ngân hàng nào có lợi nhất? - Ảnh 1.

Các ngân hàng đã giảm lãi suất huy động ngang hoặc thấp hơn so với giai đoạn dịch Covid-19. Ảnh: Quốc Hải

Lãi suất kỳ hạn 3 tháng giảm mức tương tự, xuống 3,3%/năm. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng giữ nguyên 3%/năm.

Với mức lãi suất 5,3%/năm kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, Vietcombank đã đưa lãi suất huy động của ngân hàng này xuống mức thấp lịch sử, thấp hơn cả giai đoạn Covid-19.

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm "tụt dốc"

Ngoài Vietcombank, từ đầu tháng 10 này, hàng loạt nhà băng cũng tham gia cuộc đua giảm lãi suất huy động. 

Chẳng hạn, Ngân hàng Xây Dựng (CBBank) quyết định giảm lãi suất huy động với mức giảm 0,3%/năm các kỳ hạn tiền gửi từ 6 tháng trở lên. Cụ thể, theo biểu lãi suất huy động online, kỳ hạn 6 tháng sau khi giảm còn 6%/năm, kỳ hạn 7 – 11 tháng còn 6,10%/năm, kỳ hạn 12 tháng còn 6,3%/năm, và kỳ hạn từ 13 tháng trở lên còn 6,4%/năm.

Trong khi đó, lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn không thay đổi. Lãi suất kỳ hạn 1 – 2 tháng tại CBBank đang là 4,2%/năm và kỳ hạn 3 – 5 tháng là 4,3%/năm.

Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cũng quyết định điều chỉnh giảm lãi suất huy động từ ngày hôm nay với các kỳ hạn từ 6 – 36 tháng.

Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng giảm 0,4%/năm còn 5,2%/năm. Kỳ hạn 7 – 11 tháng giảm 0,6%/năm xuống còn 5,3%/năm.

Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 12 – 14 tháng cũng giảm mạnh 0,5%/năm xuống chỉ còn 5,8%/năm. Các kỳ hạn từ 18 – 36 tháng giảm 0,3%/năm, còn 6,4%/năm. Với các kỳ hạn ngắn từ 1 – 5 tháng giữ nguyên mức 4,65%/năm.

Hoặc, tại Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LPBank), nhà băng này cũng vừa điều chỉnh giảm mạnh lãi suất tiền gửi đối với các kỳ hạn từ 6 – 11 tháng, trong khi giữ nguyên lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 18 – 60 tháng ở mức cao nhất 6,8%/năm.

Trong đó, đáng chú ý, kỳ hạn 6 – 8 tháng giảm 1%/năm còn 5,3%/năm, kỳ hạn 9 tháng cũng giảm mạnh 0,9%/năm còn 5,4%/năm. Lãi suất kỳ hạn 10 tháng giảm 0,8%/năm xuống còn 5,5%/năm, trong khi kỳ hạn 11 tháng giảm 0,7%/năm xuống còn 5,6%/năm.

Lãi suất huy động tiếp tục giảm, gửi tiền ngân hàng nào có lợi nhất? - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có nhu cầu vay vốn bởi kinh tế còn khá khó khăn, đơn hàng sụt giảm. Ảnh: Quốc Hải

Tuy nhiên, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng giảm nhẹ 0,3%/năm còn 6,1%/năm. Lãi suất tiền gửi online các kỳ hạn 13 – 16 tháng giảm 0,4%/năm xuống còn 6,2%/năm. Lãi suất huy động online kỳ hạn 1 tháng giảm 0,2%/năm còn 4,15%/năm.

Ghi nhận của Thế Giới Tiếp Thị, hiện đã có tới 6 ngân hàng giảm lãi suất huy động trong những ngày đầu tiên của tháng 10, gồm: Vietcombank LPBank, Nam A Bank, CBBank, ACB và Bac A Bank. 

Theo đó, lãi suất tiền gửi tiết kiệm được các ngân hàng đang niêm yết chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

So sánh biểu lãi suất mà các ngân hàng vừa công bố, cùng với những ngân hàng chưa thay đổi lãi suất tiền gửi, có thể thấy, mức lãi suất hấp dẫn nhất hiện nay thuộc về MB. 

Cụ thể, lãi suất cao nhất mà MB đang áp dụng là 6,5%/năm, nhưng chỉ áp dụng cho các kỳ hạn 24, 36, 48 và 60 tháng. Còn các kỳ hạn khác, lãi suất tiền gửi cũng tương tự như mặt bằng chung, với mức lãi 6 tháng là 5,1%/năm; 9 tháng là 5,2%/năm; 12 tháng là 5,5%/năm.

Lãi suất cho vay chỉ giảm với các khoản vay mới?

Mặc dù lãi suất huy động đã giảm rất mạnh, nhưng lãi suất cho vay hiện vẫn đang "neo" khá cao. Tại họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra mới đây, ông Đào Minh Tú, phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết tính đến 30/9, tổng vốn huy động của các ngân hàng thương mại đạt khoảng 12,9 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 5,9% so với cuối năm 2022.

Tuy nhiên, đến hết tháng 9, tín dụng ước tăng khoảng 6,1 - 6,2% so với cuối năm 2022 với tổng dư nợ đạt khoảng 12,63 triệu tỷ đồng.

Về lãi suất đầu ra, phía NHNN cho hay các ngân hàng đã vào cuộc giảm lãi suất để "bơm vốn" ra nền kinh tế, mức giảm trung bình đối với các khoản cho vay mới khoảng 1 - 1,5%/năm. Theo đó, mức lãi suất cho vay bình quân với khoản cho vay ngắn hạn ở các ngân hàng còn khoảng 5,5 - 7%/năm. Tuy nhiên, lãi suất cho vay trung, dài hạn những khoản cho vay mới vào khoảng 8,5 - 10%/năm.

Riêng lãi suất của những khoản vay nợ trước đây chưa đến kỳ trả nợ thì có độ trễ do trước đây ngân hàng thương mại huy động lãi suất cao.

Việc huy động vốn tăng tốt (tính đến thời điểm 20/9/2023, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,8%) trong khi tín dụng tăng chậm đã khiến thanh khoản hệ thống ngày càng dư thừa.  

Đây cũng là nguyên nhân Ngân hàng Nhà nước cũng đã trở lại phát hành tín phiếu với 8 phiên liên tiếp từ ngày 21/9 đến nay, hút về tổng cộng hơn 100.000 tỷ đồng để hút bớt dòng tiền.

Bởi, ở góc độ các doah nghiệp, hiện nay nhu cầu tín dụng khá thấp. "Hiện lãi suất vay ngân hàng hiện nay không gọi là đắt, đang ở mức 8-9%, nhưng cũng không phải là rẻ. Ví dụ như nếu lãi suất vay xuống 5-6% thì DN có thể sẽ vay đầu tư, sản xuất, còn mức lãi vay hiện nay thì 'kẹt' lắm DN mới vay chứ vay mà làm không có lời thì vay làm gì", ông Phạm Quang Anh, CEO Công ty CP Quốc tế Dony nói.

Quốc Hải