dd/mm/yyyy

Lai Châu: Trồng chè Shan Tuyết, dân vùng này có thu nhập khá hơn

Những năm gần đây, nhờ mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng cây kém hiệu quả sang trồng chè Shan Tuyết, thu nhập và đời sống của người dân xã Hồng Thu (Sìn Hồ, Lai Châu) đã được cải thiện, nâng cao.

Cây chè Shan Tuyết "bén rễ" trên đồng đất của xã Hồng Thu

Cũng như nhiều địa phương khác của huyện Sìn Hồ, Hồng Thu là xã thuần nông. Thu nhập của người dân trong xã chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, với các cây trồng chính là: Lúa, ngô, sắn… Trước đây, do điều kiện thời tiết khắc nghiệt cộng với tập quán canh tác lạc hậu, nên năng suất, sản lượng các loại cây trồng của người dân đạt thấp. Thu nhập và đời sống của người dân trên địa bàn xã còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo cao.

Làm gì để nâng cao thu nhập cho người dân luôn là nỗi trăn trở của Đảng bộ, chính quyền huyện Sìn Hồ và xã Hồng Thu. Trong hành trình đi tìm cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng này, cây chè đã được "chỉ tên". Cây chè vốn khá quen thuộc và gần gũi với đời sống của người dân xã Hồng Thu. Trên địa bàn xã còn khá nhiều gốc chè cổ thụ. Điều này cho thấy, cây chè đã xuất hiện ở Hồng Thu từ nhiều năm trước và được người dân bảo tồn cho đến bây giờ.

Lai Châu: Trồng chè Shan Tuyết, dân vùng này có thu nhập khá hơn - Ảnh 1.

Cây chè Shan Tuyết sinh trưởng, phát triển tốt trên đồng đất của xã Hồng Thu. (Ảnh: Mạnh Hùng)

Thực hiện Đề án "Phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao, giai đoạn 2015-2021" của tỉnh Lai Châu, huyện Sìn Hồ đã chỉ đạo quyết liệt các xã có tiềm năng, lợi thế tuyên truyền, vận động người dân trồng chè, trong đó có xã Hồng Thu. Nhận thấy cây chè có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại thu nhập cao cho người dân, năm 2017, xã Hồng Thu đã tập trung tuyền truyền, vận động người dân trên địa bàn, chuyển đổi diện tích các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng chè.

Ông Thào A Sênh - Chủ tịch UBND xã Hồng Thu, cho biết: Thời gian đầu, xã Hồng Thu gặp không ít khó khăn trong việc vận động người dân trồng chè. Thời điểm đó, nhiều hộ dân còn tỏ ra nghi ngờ về giá trị kinh tế của cây chè. "Mưa dầm thấm lấu" được cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể xã vào cuộc tuyên truyền, giải thích, người dân trong xã dần hiểu ra và mạnh dạn tham gia trồng chè theo Đề án phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao của tỉnh.

Tham gia trồng chè, người dân xã Hồng Thu được hỗ trợ cây giống, kĩ thuật và được Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Chè Tam Đường bao tiêu sản phẩm. Giống chè mà người dân xã Hồng Thu trồng là giống chè Shan Tuyết. Người dân các bản của xã Hồng Thu đăng ký trồng chè ngày một tăng lên, tạo nên phong trào trồng chè sôi nổi trên địa bàn. Nhiều hộ dân ở Hồng Thu, mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng cây kém hiệu quả (ngô, lúa, sắn) sang trồng chè.

Lai Châu: Trồng chè Shan Tuyết, dân vùng này có thu nhập khá hơn - Ảnh 2.

Cây chè Shan Tuyết đã và đang mang lại thu nhập ổn định cho người dân xã Hồng Thu. (Ảnh: Mạnh Hùng)

Trồng chè Shan Tuyết, người dân xã Hồng Thu có thu nhập tốt hơn

Ông Mùa A Sinh, ở bản Hồng Thu, xã Hồng Thu, vui vẻ cho biết: "Trước đây, gia đình tôi chủ yếu sống dựa vào trồng ngô, lúa, thu nhập bấp bênh. Khi cán bộ xã đến tuyên truyền, vận động, gia đình tôi đã mạnh dạn từ bỏ trồng ngô, lúa, chuyển sang trồng chè. Gia đình tôi hiện có gần 2,5 ha chè. Bán chè búp tươi ra thị trường, mỗi năm gia đình tôi thu gần 50 triệu đồng. Nhờ trồng chè mà thu nhập, đời sống của gia đình tôi đã được nâng lên. Nếu cứ trông chờ vào cây ngô, cây lúa thì không biết bao giờ kinh tế của gia đình mới khá giả lên được".

Cũng như gia đình ông Sinh, nhiều hộ dân ở xã Hồng Thu cũng trở nên khấm khá nhờ trồng chè. Hiện toàn xã Hồng Thu có hơn 270 ha chè, với gần 400 hộ trồng chè. Nhiều diện tích chè trên địa bàn xã đã cho thu hoạch, năng suất chè búp tươi đạt gần 2 tấn/ha/năm. Người dân xã Hồng Thu trồng chè Shan Tuyết theo hướng hữu cơ, nên chất lượng luôn đảm bảo. Trong quá trình chăm sóc, người trồng chè ở Hồng Thu chủ yếu sử dụng phân hữu cơ bón cho chè và không sử thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục cho phép.

Năm 2023, toàn xã Hồng Thu thu hơn 400 tấn chè búp tươi. Giá bán chè tươi dao động từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg, tùy theo loại và chất lượng. Uớc tính, mỗi hécta chè chuyên canh mang lại cho người trồng thu nhập từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với các loại cây trồng truyền thống khác.

Lai Châu: Trồng chè Shan Tuyết, dân vùng này có thu nhập khá hơn - Ảnh 3.

Toàn xã Hồng Thu hiện có gần 400 ha trồng chè Shan Tuyết. (Ảnh: Mạnh Hùng)

Theo Chủ tịch UBND xã Hồng Thu, vì mới cho thu hoạch nên năng suất, sản lượng chè của xã chưa đạt như mong muốn. Khi cây chè phát triển tốt, tán rộng chắc chắn sẽ cho năng suất cao hơn như hiện nay.  

"Cây chè Shan Tuyết bước đầu mang lại thu nhập ổn định cho người dân trong xã. Nhận thấy giá trị kinh tế của cây chè, nhiều hộ dân đã mở rộng diện tích trồng chè. Hiện diện tích trồng chè Shan Tuyết chiếm 1/3 diện tích đất canh tác của toàn xã. Điều này phần nào nói lên những nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc vận động người dân trồng chè. Kết quả đó cũng phần nào cho thấy, người dân xã Hồng Thu ngày càng "mặn mà" hơn với cây chè. Thời gian tới, xã Hồng Thu sẽ tiếp tục vận động, khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng chè, hình thành vùng trồng chè tập trung chất lượng cao trên địa bàn" – ông Sênh thông tin.

Thanh Ngân