Theo ông Sùng A Hồ - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Lai Châu, đến thời điểm này, tỉnh Lai Châu đã cơ bản hoàn tất các bước chuẩn bị cho ngày bầu cử. Tất cả các khâu chuẩn bị, từ giới thiệu người ứng cử, lấy ý kiến, phiếu tín nhiệm của cử tri đến chốt danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 đều được triển khai đúng quy trình, đúng luật và đảm bảo dân chủ, khách quan.
"Tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều văn bản tổ chức triển khai thực hiện, trong đó có quyết định thành lập các tổ chức bầu cử cấp tỉnh; kế hoạch triển khai công tác bầu cử; ấn định và công bố số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số đại biểu HĐND cấp tỉnh; thành lập các Ban bầu cử đại biểu Quốc hội và Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh; lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử theo đơn vị bầu cử .....và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện về công tác bầu cử" – ông Hồ cho biết.
Theo đó, toàn tỉnh Lai Châu đã thành lập 115 Ban Chỉ đạo cuộc bầu cử; 115 Ủy ban bầu cử (UBBC) các cấp; 02 Ban bầu cử Quốc hội, 13 Ban bầu cử đại biểu HĐND tỉnh; 58 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện; 570 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã; 345 Tiểu ban giúp việc UBBC các cấp; 115 tổ giúp việc UBBC các cấp; 867 Tổ bầu cử đảm bảo theo kế hoạch và thành phần quy định.
Đến nay, tỉnh Lai Châu cũng đã hoàn thành việc niêm yết danh sách cử tri và danh sách chính thức, tiểu sử tóm tắt những ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Theo đó, có 10 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại tỉnh Lai Châu và tại 02 đơn vị bầu cử (08 người tại địa phương và 02 người do Trung ương giới thiệu); 83 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, 428 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện, 3.745 người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã.
Ủy ban bầu cử các cấp của tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo việc lập và niêm yết danh sách cử tri đảm bảo đúng thời hạn, phân loại cử tri được quyền bầu cử và các trường hợp không được tham gia bỏ phiếu. Các xã, phường, thị trấn tiến hành rà soát những người có đăng ký thường trú, tạm trú, những người đi học tập, lao động xa; yêu cầu các cơ quan, đơn vị, trường học báo cáo đầy đủ danh sách cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên; nắm bắt số cử tri có nguyện vọng đi bỏ phiếu nơi khác để lập danh sách cử tri đầy đủ, đảm bảo quyền bầu cử của công dân. Tính đến nay, toàn tỉnh Lai Châu có tổng số hơn 274000 cử tri.
Các hoạt động thông tin, tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp tại tỉnh Lai Châu diễn ra khá sôi động, với nhiều cách làm sáng tạo như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua hoạt động thông tin cổ động, hệ thống loa truyền thanh không dây ở thôn bản và khu dân cư, thông qua sinh hoạt chi bộ, cơ quan, đơn vị; sinh hoạt ở khu dân cư, đoàn thể; thông qua đội ngũ báo cáo viên, người có uy tín già làng, trưởng bản, tuyên truyền viên các cấp, lồng ghép trong các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao...
Đến nay, toàn tỉnh Lai Châu đã treo 1.320 băng zôn, 287 pano (trong đó có 28 cụm pano khổ lớn), 2.130 cờ đuôi nheo, 16.800 cờ Đảng, cờ Tổ Quốc, 160 chiếc cờ vòng Inox, 8 bảng điện tử; tiến hành 192 lượt truyền thông lưu động; lồng ghép tuyên truyền 108 đợt trong các hoạt động đưa thông tin về cơ sở; duy trì trưng bày 6.812 bản sách, 803 ảnh tư liệu, 762 hiện vật tại Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh, thư viện các huyện, thành phố.
"Qua công tác thông tin, tuyên truyền, hầu hết cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Người dân các xã, phường, thị trấn trong tỉnh cũng nắm được quyền bầu cử và ứng cử của công dân, nghĩa vụ, trách nhiệm của cử tri trong công tác bầu cử; các hoạt động trong quá trình tiếp xúc cử tri; các quy định về trình tự, thể thức bầu cử" - Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Lai Châu nhấn mạnh.