Trò chuyện với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại việt, anh Đinh Văn Xanh - Chủ tịch UBND xã Nậm Hàng, cho hay: Những năm qua, xã Nậm Hàng luôn đặt lên hàng đầu nhiệm vụ giảm nghèo. Hằng năm, xã xây dựng kế hoạch giảm nghèo đồng thời giao chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo tới từng bản.
Các thành viên trong Ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo của xã được phân công nhiệm vụ cụ thể, thường xuyên xuống các bản tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa cây con giống mới vào sản xuất. Các tổ chức hội, đoàn thể của xã đứng ra tín chấp với phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất.
Được hưởng lợi từ các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước, các hộ nghèo ở xã Nậm Hàng có điều kiện để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn xã Nậm Hàng đã có hàng trăm hộ nghèo được hỗ trợ cây con giống như: Cam, xoài, ngan, gà, trâu...
Được hỗ trợ cây, con giống, các hộ nghèo ở xã Nậm Hàng phấn khởi, yên tâm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Trên địa bàn xã cũng từ đó xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế, trong đó nổi bật phải kể đến mô hình nuôi trâu sinh sản.
Năm 2018, 42 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo ở 3 bản: Nậm Ty, Nậm Cầy, Huổi Pết (xã Nậm Hàng) được hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ để thực hiện mô hình nuôi trâu sinh sản. Các hộ được tập huấn kỹ thuật nuôi trâu, hỗ trợ tiền mua vắc-xin tiêm phòng cho trâu. Mô hình nuôi trâu sinh sản bước đầu đã phát huy hiệu quả. Đàn trâu sinh trưởng phát triển tốt, đến nay đã tăng lên đáng kể.
Để đàn gia súc trong xã tăng trưởng bền vững, xã Nậm Hàng vận động, hướng dẫn người dân làm chuồng trại chăn nuôi theo hướng bán chăn thả, thay vì thả rông như trước đây. Đồng thời, xã quy hoạch các điểm chăn thả tập trung tại các bản và khoanh vùng trồng cỏ để tạo nguồn thức ăn trong chăn nuôi gia súc.
Nhiều hộ dân mạnh mở rộng diện tích trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho trâu, bò, nhất là vào mùa đông. Thay đổi tập quán chăn nuôi, đàn gia súc trên địa bàn xã tăng trưởng với tốc độ khá, bình quân đạt 6%/năm. Nhiều hộ dân trong xã không chỉ thoát nghèo, mà còn có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ chăn nuôi trâu, bò sinh sản.
Cùng với phát triển chăn nuôi, xã Nậm Hàng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Vùng trồng cây ăn quả dần hình thành ở một số bản trong xã, tập trung vào các loại cây như: Cam, vải, xoài…
Ông Lò Văn Bóng, dân bản Phiêng Luông 1 (xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn), cho biết: Năm 2016, gia đình tôi chuyển diện tích trồng 1 vụ lúa sang trồng cây ăn quả. Trên diện tích gần 8000m2, tôi trồng 80 cây xoài và 150 cây vải. Năm 2020, vườn cây xoài, cây vải của gia đình tôi đã cho thu hoạch. Bán quả xoài tươi, vải tươi ra thị trường, gia đình tôi cũng thu gần 20 triệu đồng. Dự là năm nay, thu nhập từ vườn cây ăn quả của gia đình tôi sẽ cao hơn. So với trồng lúa, trồng ngô thì trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của xã Nậm Hàng giảm còn 11,38%, cận nghèo còn 9,10%, thu nhập bình quân đạt 28 triệu đồng/người/năm. Xã đã hoàn thành 14/19 tiêu chí nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn miền núi của xã có nhiều đổi mới. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện, thúc đẩy kinh tế - xã hộ trên địa bàn phát triển. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong xã ngày một nâng lên.