Clip: Huyện biên giới Phong Thổ ở Lai Châu đưa KHKT vào sản xuất.
Đưa KHKT vào sản xuất các mô hình kinh tế mới
Chia sẻ với phóng viên báo Nông thôn ngày nay/ Dân Việt / Trangtraiviet điện tử, bà Trần Thị Thủy, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Thổ, Lai Châu cho biết: Trong những năm qua, việc khuyến khích các hộ dân, gia đình, tổ chức doanh nghiệp trên địa bàn tập trung đưa KHKT vào sản xuất chăn nuôi luôn được chúng tôi xác định là một nhiệm vụ trọng tâm. Các cấp chính quyền huyện hết sức quan tâm, chú trọng tạo mọi điều kiện để các tổ chức, cá nhân áp dụng KHKT vào sản xuất.
Nhờ đó có nhiều mô hình sản xuất, nhiều gia trại, trang trại đã đẩy mạnh việc áp dụng đưa KHKT vào sản xuất và đạt được những hiệu quả kinh tế nhất định, giúp tăng năng suất, thu nhập cho người dân, từng bước thay đổi những thói quen cũ trong sản xuất.
Bên cạnh đó, huyện Phong Thổ đã phối hợp cùng các đơn vị sở ngành của tỉnh Lai Châu, của TW triển khai ứng dụng khoa học công nghệ mới vào trong đời sống, kinh tế, văn hóa xã hội trên địa bàn huyện, trong đó việc ứng dụng đưa KHKT vào sản xuất nông nghiệp được huyện đặc biệt quan tâm.
Được biết, hàng năm UBND huyện đã xây dựng kế hoạch tập huấn, chuyển giao KHKT trong lĩnh vực chăn nuôi trồng trọt, phòng điều trị các loại bệnh hại trên cây trồng, vật nuôi đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện.
Trong năm 2022, huyện đã triển khai mô hình nuôi trâu sinh sản và lấy thịt tại các xã Sì Lở Lầu, Vàng Ma Chải, Mồ Sì San, Dào San, Mù Sang. Bước đầu đàn trâu sinh trưởng tốt, thích ứng với điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng của người dân.
Việc đưa KHKT vào sản xuất đã đem lại những kết quả tích cực, các mô hình chăn nuôi đang trên đà phát triển tốt, cùng với đó các mô hình trồng trọt cũng đang đạt được những kết quả khả quan.
Nếp tan là loại lúa có thương hiệu đã lâu của huyện Phong Thổ. Ở xã Bản Lang lúa được gieo cấy ở trên các thửa ruộng gần nhau tạo thành vùng sản xuất tập trung với diện tích trên 150ha.
Những năm qua nếp tan đã tạo được tiếng vang trên thị trường, không chỉ trong tỉnh mà các địa phương lân cận cũng rất ưa chuộng. Hiện nếp tan đã trở thành sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Lai Châu.
Để giữ vững được thương hiệu, thời gian qua các cấp chính quyền địa phương đã luôn quan tâm, hỗ trợ cho người dân từ giống, vật tư và chuyển giao KHKT, tạo niềm tin trong nhân dân tiếp tục mở rộng diện tích vùng lúa hàng hoá chất lượng cao này.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Lành Văn Phong, Trưởng bản Bản Lang 2, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, Lai Châu cho biết: Địa phương chúng tôi được thiên nhiên ưu ái ban tặng khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt, cùng với bàn tay chăm sóc cần cù của người nông dân, nếp tan cho sản phẩm gạo thơm, dẻo đặc trưng nên được rất nhiều khách hàng ưu chuộng.
"Từ sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, các đơn vị chuyên môn bà con chúng tôi đang nỗ lực mở rộng diện tích, tăng cường áp dụng KHKT vào sản xuất, phấn đấu giữ vững thương hiệu gạo nếp tan" ông Phong hồ hởi nói.
Năm 2022 xã Bản Lang đã triển khai được 135ha theo mô hình và 15ha bà con tự chủ động giống và phân bón. Trong quá trình triển khai xã thường xuyên cử cán bộ nông nghiệp xuống kiểm tra trên các cánh đồng, đánh giá tỷ lệ sinh trưởng và phát triển của cây.
Dự đoán, dự báo tình hình sâu bệnh của cây, có phương hướng, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con, diệt trừ sâu bệnh để cây cho năng suất. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn ở huyện, sản lượng, năng suất, chất lượng lúa nếp tan năm 2022 cao hơn năm trước, tăng 0,4 tạ/ha so với năm 2021.
Việc đưa KHKT vào sản xuất nông nghiệp đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, đến nay huyện Phong Thổ đã có nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế. Tiêu biểu như mô hình nuôi trâu, mô hình trồng chanh leo, chuối, nếp tan… các sản phẩm cho năng suất chất lượng cao, đã gây được tiếng vang trên thị trường mang lại nguồn thu nhập khá cho bà con nông dân.
Khai thác tiềm năng đẩy mạnh đưa KHKT vào sản xuất
Qua câu chuyện với bà Trần Thị Thủy, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Thổ, Lai Châu, được biết để giúp các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế, phòng NN&PTNN huyện đã chủ động tham mưu cho UBND huyện tập trung thúc đẩy sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm đối với những mặt hàng nông sản chủ lực, có lợi thế của địa phương.
Xây dựng chỉ dẫn địa lý, ứng dụng sản xuất nông nghiệp an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái. Nâng cao giá trị sản xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. Đưa các sản phẩm nông sản chủ lực của huyện đến với thị trường trong và ngoài nước.
Kêu gọi và hỗ trợ xây dựng, mở rộng các cơ sở chế biến, bảo quản nông sản là các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, chế biến tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện xây dựng các mô hình khảo nghiệm, lựa chọn các loại giống cây trồng vật nuôi có chất lượng, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của huyện.
Xây dựng các mô hình thực hiện sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, hữu cơ. Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng KHKT tiên tiến vào sản xuất theo hướng nâng cao sản lượng, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu của Chính phủ, chương trình xây dựng NTM, sự nghiệp khoa học, vốn ngân sách để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ 4.0.
Bên cạnh đó, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, HTM, cá nhân đầu tư vào phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện đặc biệt trong quan tâm chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh 4.0.
"Nhờ sự chủ động tích cực trong công tác tuyên truyền người dân cũng như các tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà đến nay trên địa bàn huyện Phong Thổ dần hình thành một số vùng phát triển nông nghiệp tập trung như vùng lúa chất lượng cao, vùng trồng chè, cây mắc ca, cây chuối.
Chăn nuôi đã hình thành một số trang trại lớn và nhiều trang trại, gia trại với quy mô vừa và nhỏ. Đây là một hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế địa phương đồng thời giúp cho thu nhập của người nông dân trên địa bàn huyện ngày một ổn định và phát triển", bà Thuỷ hồ hởi cho biết.