Vùng đất Lai Châu giàu bản sắc văn hóa
Lai Châu được biết đến là vùng đất giàu bản sắc văn hóa các dân tộc. Với 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc ở Lai Châu mang bản sắc văn hóa riêng, được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Bản sắc văn hóa các dân tộc Lai Châu được thể hiện dưới nhiều hình thức như: Trang phục, tiếng nói, nhà ở, lễ hội, dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống…
Với kho tàng văn hóa đồ sộ, giàu bản sắc đó, tỉnh Lai Châu qua các thời kỳ đều rất chú trọng tới công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, tỉnh Lai Châu đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Điều này được thể hiện rõ nét trong các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Lai Châu. Tỉnh Lai Châu đã đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-205 chương trình bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch.
Cùng với công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh phục dựng và duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống của các dân tộc trên địa bàn. Nhiều lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể các dân tộc đã được tổ chức ở các bản, thu hút đông đảo bà con tham gia. Hàng chục lễ hội tiêu biểu của các dân tộc trong tỉnh như: Thái, Mông, Si La, Hà Nhì, La Hủ, Cống, Lự, Mảng, Dao, Lào đã được phục dựng, bảo tồn.
Qua đó, nhiều nét văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc ở Lai Châu như: Lễ hội tín ngưỡng dân gian, tiếng nói, chữ viết, trang phục, các nghề thủ công truyền thống, dân ca, dân vũ... đã và đang được bảo tồn, phát huy, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Đến nay, tỉnh Lai Châu đã có 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là: Nghệ thuật múa Xòe, Trò chơi kéo co của dân tộc Thái, Lễ Tủ Cải của đồng bào dân tộc Dao, Lễ hội Gầu Tào của người Mông và Nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Lự.
Lai Châu gắn bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa với phát triển du lịch
Để thực hiện mục tiêu bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch, tỉnh Lai Châu đã và đang chú trọng chỉ đạo xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Nói đến làm du lịch cộng đồng ở Lai Châu không thể không nhắc đến bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ). Đây là một trong những điểm sáng của tỉnh Lai Châu về phát triển du lịch cộng đồng.
Đến bản Sin Suối Hồ, du khách chắc chắn sẽ bị hấp dẫn, lôi cuốn bởi cảnh sắc thiên nhiên, núi non hùng vĩ và sự chân chất, thân thiện của đồng bào Mông nơi đây. Vẻ mộc mạc của những ngôi nhà gỗ, nhà trình tường đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc Mông nơi đây, mang lại cho du khách cảm giác thân quen, gần gũi. Mỗi năm, bản Sin Suối Hồ đón hàng nghìn lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm.
Không chỉ có điểm sáng Sin Suối Hồ, tỉnh Lai Châu còn có nhiều bản du lịch cộng đồng khác, thu hút du khách như: Bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường), bản Vàng Pheo (xã Mường So, huyện Phong Thổ), bản Thẳm (xã Bản Hon, huyện Tam Đường)… Phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh là hướng đi đúng đắn của tỉnh Lai Châu. Cùng với đó, tỉnh Lai Châu còn chỉ đạo nâng cấp chợ phiên vùng cao, chợ đêm thành sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút khách tham quan, tìm hiểu bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Hằng năm, tỉnh Lai Châu đã triển khai các chương trình xúc tiến, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh và điểm đến trên địa bàn thông qua các sự kiện, hội chợ du lịch trong nước và quốc tế, chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong khu vực, các trung tâm du lịch lớn của Việt Nam.
Ông Trần Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu cho hay: Lai Châu luôn xác định bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc là nhiệm vụ quan trọng. Trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, tỉnh Lai Châu ưu tiên cho các lễ hội truyền thống, chữ viết, ẩm thực, trang phục, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian.
Thời gian tới, tỉnh Lai Châu tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; Thực hành bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể ngay chính trong đời sống cộng đồng; Lựa chọn, sử dụng giá trị văn hóa đặc sắc, tốt đẹp các dân tộc trong phát triển du lịch, đảm bảo phù hợp với thực tiễn địa phương.