dd/mm/yyyy

Ký ức người CCB: Hành quân sang chiến trường K

Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam đã đi qua hơn 45 năm, thế nhưng người CCB Nguyễn Vũ Điền, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 174, Sư đoàn 5 bộ binh, vẫn không thể nào quên được cuộc hành quân sang chiến trường K.

Đường sang chiến trường K

Cách đây 45 năm về trước, vào 12/1978, chúng tôi rời Hố Nai, theo Quốc lộ 13 nhằm hướng tây ngược sang Campuchia. Đối với tôi và không ít những người lính Việt Nam sang chiến đấu trên chiến trường Campuchia những năm đó thì đây là cuộc hành quân để lại nhiều cảm xúc nhất, bởi đây là cuộc hành quân ra mặt trận. Cảm giác xa nhà giờ được thay bằng cảm giác xa Tổ quốc. Có cái gì đó xốn xang hơn, thiêng liêng hơn, nhưng cũng bồn chồn, khắc khoải hơn đang lớn dần trong tôi và những đồng đội của tôi trên chuyến xe này.

Sáng sớm hôm ấy, Sư đoàn cử người ra nhận quân. Anh em chúng tôi được bố trí lên những chiếc xe Zil 130 mới cáu chỉ. Đoàn xe gần chục chiếc, cắm cờ đuôi nheo trên mũi xe, hành tiến với tốc độ và cự ly đều như duyệt binh làm cho mấy trăm thằng lính, với quần áo xanh nguyên màu cỏ, đứng lố nhố trên thùng xe cảm thấy phấn khích như đang tham gia một cuộc duyệt binh lớn ở Quảng trường Ba Đình lịch sử.

Ký ức người CCB: Hành quân sang chiến trường K - Ảnh 1.

Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam năm 1977-1979. Ảnh: NVCC

Tất cả chúng tôi, tay bám chặt thành xe, ngực ưỡn lên đón gió, lòng vui phơi phới, tự hào đến lạ. Đoạn đường từ Lộc Ninh ra cửa khẩu Hoa Lư là đường đất đỏ nên bụi kinh khủng. Khoảng cách giữa các xe đến 40-50m mà bụi cứ xộc thẳng vào mũi, vào miệng, vào tai những thằng lính đứng trên thùng những chiếc xe vận tải. Bụi bám đầy mặt, đầy đầu, chui vào lỗ mũi, lỗ tai và nhuộm đỏ hết lông mày, lông mi những thằng lính vốn chỉ biết đến phố phường và sách vở.

Những bộ quần áo xanh màu lính mới sáng nay còn đẹp thế mà giờ đỏ quạch màu đất. Nhìn mặt mũi anh em chúng tôi lúc ấy giống y như những thằng hề đã hóa trang đang trên đường lên sân khấu. Nhưng chẳng sao, chúng tôi cứ nhìn nhau mà cười, bởi đang vui, đang cảm thấy tự hào vì thấy có gì đó thật thiêng liêng, thật vĩ đại mà không lý giải được thành lời.

Ký ức người CCB: Hành quân sang chiến trường K - Ảnh 2.

CCB Nguyễn Vũ Điền Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 174, Sư đoàn 5 bộ binh( Người đeo kính). Ảnh: NVCC

Chiến trường K khốc liệt đến thế nào

Đến cửa khẩu Hoa Lư, quang cảnh hết sức nhộn nhịp. Bộ đội, thanh niên xung phong khoác súng, đeo lựu đạn quanh người đi lại như mắc cửi, những kho súng, kho đạn phủ bạt khắp nơi quanh cửa khẩu, xe tăng, xe kéo pháo đỗ dọc lộ... Không khí hối hả như chuẩn bị "đánh nhau". Cảm giác chiến tranh hiện lên thật rõ ràng. Mãi sau này tôi mới được anh em kể lại, cách hôm chúng tôi vào không lâu, bọn Pol Pot đã sử dụng một lực lượng rất lớn, khoảng gần 2.000 tên bất ngờ tấn công đồn biên phòng Hoa Lư (Đồn 717).

Anh em cán bộ chiến sĩ của Đồn đã chiến đấu hết sức dũng cảm, nhưng do lực lượng quá chênh lệch, chỉ có 90 người phải chống lại cả một bầy giặc đang khát máu xông lên như một lũ quỷ, nên trận chiến diễn ra hết sức khốc liệt. Các chiến sĩ trong Đồn dựa vào công sự phòng thủ, dũng cảm chiến đấu, tiêu diệt hàng trăm tên, đánh bật hàng chục đợt tiến công của chúng... Nhưng cuối cùng, với lực lượng áp đảo, địch vẫn chiếm được Đồn. Tám mươi chín bộ, chiến sĩ biên phòng Đồn 717 đã anh dũng hy sinh, còn duy nhất một đồng chí chiến sỹ bị xác đồng đội đè lên nên anh chỉ bị thương mà không chết.

Ký ức người CCB: Hành quân sang chiến trường K - Ảnh 3.

Những người CCB tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam tham lại chiến trường xưa. Ảnh: NVCC

Thế mới hiểu, chiến tranh khốc liệt đến thế nào. Để có chiến thắng, nhiều khi phải đổ bằng máu, rất nhiều máu của những người lính trên Mặt trận biên giới Tây Nam. Qua cửa khẩu, đoàn xe tiếp tục chạy trên Quốc lộ 7, tiến sâu vào đất Campuchia. Càng đi vào sâu đất bạn, khung cảnh càng trở lên khác lạ. Hai bên lộ là những đồn điền cao su bạt ngàn được trồng thành hàng thẳng tắp, những hàng cao su nhìn từ hướng nào cũng thẳng như một hàng quân. Những cây cao su với những tán lá đen thẫm, những vết cắt chéo tứa mủ và những chiếc bát lem luốc treo trên thân cây lần đầu tiên tôi nhìn thấy, cho tôi cảm nhận rõ hơn về câu ca dao đã học khi còn nhỏ:

"Cao su đi dễ khó về

Khi đi trai tráng, khi về bủng beo..."

Đường rất xấu. Những hố mìn, hố pháo khoét sâu trên mặt đường khiến cánh lái xe rất vất vả, cứ ngoặt trái, ngoặt phải liên tục để tránh cho bánh xe  khỏi rơi xuống  những cái hố to tướng trên đường. Đứng trên thùng xe, anh cán bộ nhận quân nói cho chúng tôi biết: Chính tại nơi này, trong hơn 100 ngày liên tục, từ 10/8 đến 22/11/1978, đã diễn ra chiến dịch K2. Rất nhiều trận đánh quyết liệt giữa các đơn vị của Sư đoàn 5 với Sư đoàn 260 của Pốt. Bộ đội ta đã kiên cường chốt giữ, bảo vệ từng mét đất nơi này, đập tan ý đồ bao vây, tiến công của địch.

Sau giai đoạn cầm cự, ta chuyển sang phản công, buộc địch phải lùi về phía tây. Vùng giải phóng được mở rộng, tạo thế và lực cho toàn mặt trận. Rất nhiều người lính Sư đoàn 5 đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch quan trọng này. Ngược chiều với đoàn xe chở chúng tôi đi vào, dân chúng Campuchia, mà chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em đi thành từng đoàn lớn suốt dọc đường, ngược về phía biên giới Việt Nam. Từng toán người lôi thôi, lếch thếch, những khuôn mặt gầy guộc, đen đúa, nhem nhuốc, hốc hác, những cơ thể xiêu vẹo vì đói khát lẫn trong bụi đường, họ đi bộ với hai bàn tay trắng, hoặc vài ba túi, bọc quần áo đội trên đầu, khoác trên tay, chạy theo những chiếc xe bò đôi có hai bánh xe bằng gỗ rất lớn, do hai con bò kéo, nặng nề di chuyển về phía đông. Chiến tranh đã làm cho họ không thể sống  được trên quê hương mình. Họ bị lính Pol Pot  đẩy đuổi, chém giết, chôn sống tập thể... và đang tìm đến nơi an toàn nhất có thể.

Trong hoàn cảnh đó, chỉ có cách duy nhất là chạy sang Việt Nam lánh nạn. Và họ đã đi, hết ngày này sang ngày khác, cứ theo hướng mặt trời mọc mà đi, mong tìm về sự sống... Khi thấy đoàn xe chở bộ đội Việt Nam chạy ngược chiều, họ nở những nụ cười tươi rói, vẫy chào rối rít. Nhiều cụ già chắp hai tay vào ngực, vái lạy và nói điều gì đó khi đoàn xe đi qua. Những hình ảnh đó đọng mãi trong lòng những người lính tình nguyện chúng tôi, khiến ai cũng cảm thấy cảm động. Tôi tự hỏi: Tại sao người dân Campuchia lại đón chào một đội quân "ngoại bang" đến đất nước của họ như vậy? Và mãi sau này, khi đánh sâu vào đất bạn, tôi mới hiểu ngọn nguồn của những điều khó lý giải này.

Qua ngã ba Snoul, theo tay anh cán bộ nhận quân chỉ, chúng tôi nhìn sang bên trái đường. Ở đó có một khoảng rừng được phát dọn sạch sẽ. Trên nền đất ấy, có một lễ đài dựng tạm, vẫn còn hình của năm ngọn tháp được kết bằng lá dừa tươi xanh lét.

Anh cán bộ nói để chúng tôi hiểu: Cách đây 4 ngày (ngày 02/12/1978), tại nơi này, Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia được thành lập. Ông Heng Samrin - Chủ tịch Mặt trận – đã chính thức kêu gọi bộ đội Việt Nam giúp đỡ nhân dân Campuchia tiêu diệt tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary, cứu nhân dân và đất nước Campuchia khỏi họa diệt chủng. Vậy là mới vào nước bạn, chúng tôi đã nhìn thấy một nơi mà sau này trở thành một di tích cách mạng của đất nước Campuchia mới.

Ký ức người CCB: Hành quân sang chiến trường K - Ảnh 4.

Sau 45 năm rời chiến trường biên giới Tây Nam, những người lính tình nguyện năm ấy vẫn xúc động mỗi khi nhắc lại thời tuổi trẻ không ngại gian khổ, hiểm nguy, lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Ảnh: NVCC

Đi thêm khoảng 5km, đoàn xe tránh nhau với hai chiếc xe Reo, loại xe quân sự của Mỹ ta thu được trong chiến tranh chống Mỹ, chạy ngược về Việt Nam. Nhìn sang, thấy trên mỗi thùng xe có gần chục chiếc võng quấn nilon và vải trắng to như những chiếc bao tải, nằm dài hết chiều ngang thân xe. Trên những tấm vải trắng, ruồi nhặng đậu đen xì. Mấy anh cán bộ nhận quân nói cho chúng tôi biết, đó là xe chở xác anh em bộ đội chúng ta chết đưa về Việt Nam.

Khi hai chiếc xe chạy qua, mùi xác chết khăm khẳm xộc thẳng vào mũi, đám ruồi bay theo rào rào, bám đen trên thành xe, chúng bu đầy trên quần áo,  mặt mũi chúng tôi, khiến những thằng lính đang vui vẻ, phấn khởi bỗng trở nên câm lặng. Cảm nhận về chiến tranh đến với chúng tôi lúc đó có cái gì thật nặng nề bởi chưa ngửi thấy mùi thuốc súng đã thấy mùi tử khí.

Và tôi bắt đầu hiểu, cuộc chiến không phải dành cho những người lính đã chết, nằm trên những chiếc xe tải chạy ngược ra, mà cuộc chiến đang đón đợi những thằng lính trên những chiếc xe tải chạy xuôi vào.


Nguyễn Vũ Điền