LTS: Từ ngày 5/5 đến 10/5, Đoàn công tác số 9 do Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng, Phó Tư lệnh Hải Quân làm Trưởng đoàn cùng hơn 250 đại biểu của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Quân khu 7 và các cơ quan, đơn vị đi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo Len Đao, Sinh Tồn Đông, Đá Tây C thuộc huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) và Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Tham gia Đoàn công tác số 9, Đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Hội NDVN) có 11 thành viên do Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN Bùi Thị Thơm làm Trưởng đoàn. Tại đảo Trường Sa Lớn, đồng chí Bùi Thị Thơm đã có bài phát biểu đầy xúc động, tự hào trước sự hy sinh anh dũng, kiên cường, đổ biết bao mồ hôi, xương máu của thế hệ cha ông ta, của cán bộ, chiến sĩ để bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc!
Nhân dịp này, Báo Nông thôn ngày nay/Báo điện tử Dân Việt trân trọng giới thiệu tới độc giả loạt bài viết về hoạt động của Đoàn công tác Trung ương Hội NDVN khi đến thăm, động viên quân và dân trên huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Rẽ sóng biển Đông hướng về Trường Sa thân yêu!
Trước khi bắt đầu hải trình đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1, sáng ngày 5/5, đoàn công tác của Trung ương Hội NDVN đã dâng hương, dâng hoa tượng đài và đền thờ anh hùng liệt sĩ "Đoàn tàu Không số" tại Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân.
Đoàn đại biểu Trung ương Hội NDVN thành thành kính dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ, tri ân công lao của các anh hùng liệt sĩ "Đoàn tàu Không số" - tiền thân của Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân ngày nay.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cán bộ, thủy thủ "Đoàn tàu Không số" là lực lượng nòng cốt, trực tiếp mở con đường vận tải chiến lược trên biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, kịp thời vận chuyển chi viện sức người, sức của cho quân dân miền Nam đánh Mỹ, ngụy giành thắng lợi, lập nên một trong những chiến công đặc biệt xuất sắc của Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng.
Trong suốt 14 năm (1961-1975) làm nhiệm vụ trên Đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại, cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số đã vận chuyển hàng ngàn lượt người, hàng trăm ngàn tấn hàng, vũ khí trang bị chi viện cho các chiến trường ở miền Nam. Nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh, cùng với con tàu mãi mãi nằm lại với biển khơi. Họ là những người con kiên trung, dũng cảm của dân tộc Việt Nam; luôn tỏ rõ lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân; vượt mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
"Tấm gương hy sinh quả cảm của các anh hùng liệt sĩ "Đoàn tàu Không số" đã được khắc ghi trong lòng các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam nói riêng và lịch sử dân tộc, Quân đội ta nói chung", Đại tá Đặng Văn Cảnh, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tham mưu Quân chủng Hải quân xúc động đọc diễn văn tại buổi lễ.
Sau khi dâng hương, dâng hoa tượng đài và đền thờ anh hùng liệt sĩ "Đoàn tàu Không số", đúng 8 giờ, tàu Kiểm ngư KN-290 hú 3 hồi còi chào đất liền đưa đoàn công tác rời cảng bắt đầu chuyến hải trình đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Hơn 5 tiếng rời cảng, tàu Kiểm ngư KN-290 bắt đầu rẽ sóng biển Đông hướng về Trường Sa thân yêu! Điểm đảo đầu tiên mà đoàn công tác đến là đảo chìm Len Đao (đảo nằm trên rạn san hô thuộc địa giới hành chính xã đảo Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa).
"Trường sa, Quần đảo tiền tiêu, một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc; Trường Sa luôn trong tim mỗi chúng ta. Cả nước vì Trường Sa-Trường Sa vì Tổ quốc. Ai cũng mong được ít nhất một lần tới thăm Trường Sa và hôm nay đây, đoàn công tác trên 250 đại biểu từ 10 cơ quan, tổ chức vinh dự được tới thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Trường Sa", Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Bùi Thị Thơm, Trưởng đoàn công tác TƯ Hội NDVN xúc động chia sẻ với Dân Việt.
Hát giữa biển trời Tổ quốc
Tối đầu tiên trên tàu Kiểm ngư KN-290, trên mênh mông sóng nước, thành viên của các đoàn cầm tay nhau vừa hát trong niềm xúc động. Những ca khúc hát về biển đảo, về người chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam được những "ca sĩ không chuyên" cất lên giữa biển trời Tổ quốc như nối Trường Sa gần hơn với đất mẹ.
Không giống như những đêm văn nghệ ở đất liền, đêm văn nghệ giữa trùng dương xung quanh là biển mặn, sân khấu là boong tàu, khán giả là chiến sĩ, diễn viên thuộc thành viên đoàn công tác. Nhưng cái đó chưa phải là sự khác biệt, cho đến khi ca khúc "Gần lắm Trường Sa" của Nhạc sĩ Hình Phước Long vang lên đã lấy đi cảm xúc của không ít người tại buổi giao lưu văn nghệ “Hành trình vì biển đảo quê hương”.
"Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi!
Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh
Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em..."
Trên boong tàu, hát giữa biển trời Tổ quốc, "ca sĩ không chuyên" Nguyễn Thị Mai Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ với tôi rằng, đó là một cảm xúc đặc biệt lần đầu tiên trong đời của chị, giữa muôn trùng khơi xa, cùng mọi người cất cao giọng hát để ngợi ca biển đảo quê hương, ngợi ca những người lính Hải quân đang ngày đêm giữ đảo, cảm xúc khác biệt vô cùng, đó là niềm tự hào, là sự đoàn kết của quân và dân, cùng “viết tiếp bài ca- Trường Sa”.
“Ngày qua ngày, đêm qua đêm
Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương
Biển này là của ta! đảo này là của ta! Trường Sa!
Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ
Ta vẫn vượt qua…”
"Lời hát Khúc Quân Ca Trường Sa của Nhạc sĩ Đoàn Bổng được cất lên bởi các thành viên trong đoàn công tác cho tôi cảm nhận về sự hy sinh của bao thế hệ người Việt Nam thật thiêng liêng vô cùng và trân quý biết nhường nào", PGS.TS Đỗ Kim Quế - Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất chia sẻ với Dân Việt.
Từng tiếc nuối khi lỡ hẹn với Trường Sa cách đây hơn 5 năm, Nghệ sĩ ưu tú Hà Đình Cường, 72 tuổi đến từ Hà Nội cho biết, đây là lần đầu tiên ông đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1. Trong buổi giao lưu văn nghệ trên tàu Kiểm ngư KN-290, người nghệ sĩ vẫn đầy nhiệt huyết gửi đến đoàn công tác số 9 những bài hát về quê hương, Đất nước, về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc bằng tiếng kèn Trumpet da diết, sâu lắng...
Còn nữa...