dd/mm/yyyy

"Khánh thành nhà máy của nông dân Tây Bắc"

Đó là câu câu nói của ông Hoàng Văn Chất, nguyên Bí thư, Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La khi trao đổi với phóng viên trước ngày khánh thành "Nhà máy chế biến hoa quả tươi và dược liệu Vân Hồ của Tập đoàn TH". Đây là nhà máy lớn nhất vùng Tây Bắc được Tập đoàn TH đầu tư xây dựng tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

Sáng mai (ngày 20/9), tại bản Co Chàm, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La), Tập đoàn TH sẽ tổ chức Lễ khánh thành Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ. Đây là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam chế biến nước quả cam, nhãn dạng cô đặc. Và đây cũng là nhà máy duy nhất đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm nhãn của nông dân Sơn La.

Nhà máy đi vào hoạt động sẽ giúp đảm bảo đầu ra cho nông sản Sơn La - Ảnh 1.

Trong giai đoạn 1, nhà máy có công suất chế biến 300 tấn rau, quả, dược liệu/ngày.

Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ có tổng diện tích quy hoạch là 14,03ha. Trong đó, giai đoạn 1 (đến năm 2025) là 4,9ha. Giai đoạn 2 (sau năm 2025) là 9,13ha.

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 1.200 tỷ đồng, giải quyết 15.000ha vùng nguyên liệu, gồm các loại trái cây: Cam, nhãn, xoài, chanh leo, sơn tra. Công suất giai đoạn 1 khoảng 300 tấn rau, hoa quả, dược liệu/ngày. Trước mắt, Nhà máy tập trung chế biến các loại quả như: Nhãn, ổi, xoài, cam, chanh leo, táo mèo... và sản xuất các loại nước ép rau củ quả hoàn toàn tự nhiên, an toàn, không qua xử lý nhiệt để giữ vẹn nguyên các dưỡng chất tự nhiên của rau quả.

Nhà máy đi vào hoạt động sẽ giúp đảm bảo đầu ra cho nông sản Sơn La - Ảnh 2.

Nhà máy đi vào hoạt động sẽ sẽ tạo công ăn việc làm cho gần 200 lao động làm việc trực tiếp tại nhà máy và hàng chục ngàn lao động gián tiếp trên địa bàn tỉnh Sơn La

Giai đoạn 2 của Nhà máy (sau năm 2025) sẽ tăng mức đầu tư lên 3.500 tỷ đồng, giải quyết hơn 35.000ha nguyên liệu. Nhà máy tập trung sản xuất xuất các sản phẩm từ nước ép trái cây - dòng sản phẩm như: Nước cam nguyên chất đóng chai, nước nhãn nguyên chất đóng chai, nước chanh leo nguyên chất đóng chai. Các sản phẩm này được đóng vào chai 500ml hoặc 1 lít. 

Nhà máy sử dụng các công nghệ mới và hiện đại nhất thế giới trong sản xuất nước hoa quả: Công nghệ trích ly chuyên dụng hoàn toàn tự động, thiết bị cô đặc dạng tấm bản tiên tiến, công nghệ chế biến áp suất cao HPP.

Thiết bị được nhập từ hãng Bertuzzi của Ý – nhà chế tạo thiết bị chế biến hoa quả chuyên dụng hàng đầu THẾ GIỚI. Bertuzzi là công ty đã có hơn 85 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu các đặc tính của trái cây và sản xuất thiết bị chuyên dụng cho chế biến trái cây, đặc biệt là trái cây nhiệt đới. Toàn bộ thiết bị được lắp đặt bởi Riekermann GMBH – 1 Tập đoàn của Đức chuyên cung cấp các giải pháp thiết bị công nghiệp với 128 năm kinh nghiệm.

Nhà máy đi vào hoạt động sẽ giúp đảm bảo đầu ra cho nông sản Sơn La - Ảnh 4.

Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ được xây dựng tại bản Co Chàm, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

Hiện, toàn tỉnh Sơn La có 72.000ha tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra, xây dựng được 90 chuỗi cung ứng quả an toàn, 161 mã số vùng trồng 4.300ha cây ăn quả xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ, Úc… Tuy nhiên, nguồn lực đất đai chưa được khai thác hiệu quả vẫn còn rất lớn. Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược liệu Vân Hồ của Tập đoàn TH đi vào hoạt động sẽ là hạt nhân để gây dựng tiếp các vùng trồng hoa quả đặc sản, đưa thương hiệu hoa quả của tỉnh Sơn La vươn xa.

Sự xuất hiện tiên phong của một doanh nghiệp lớn và uy tín như Tập đoàn TH ở một huyện 30a, vùng cao, biên giới, khó khăn như huyện Vân Hồ sẽ thu hút thêm nhiều doanh nghiệp về đầu tư, góp phần thực hiện bền vững chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, nâng tầm kinh tế vùng biên giới, bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

Nhà máy đi vào hoạt động sẽ giúp đảm bảo đầu ra cho nông sản Sơn La - Ảnh 5.

Nhà máy sử dụng công nghệ trích ly hoàn toàn tự động và công nghệ chế biến áp suất cao HPP. Trong đó, chế biến áp suất cao HPP là một trong những công nghệ hiện đại nhất trên thế giới hiện nay.

Nhà máy đi vào hoạt động sẽ giúp đảm bảo đầu ra cho nông sản Sơn La - Ảnh 6.

Với kỹ thuật này, các sản phẩm sẽ được chế biến bằng áp suất cao trong thời gian ngắn thích hợp mà không dùng nhiệt, giúp lưu giữ được nhiều nhất màu sắc, hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng của rau, củ, trái cây tươi mà vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

 Bên cạnh đó, Nhà máy đi vào hoạt động sẽ sẽ tạo công ăn việc làm cho gần 200 lao động làm việc trực tiếp tại nhà máy và hàng chục ngàn lao động gián tiếp trên địa bàn tỉnh Sơn La. Tập đoàn TH sẽ đóng vai trò là đầu tàu kéo nông dân đi theo chuỗi sản xuất khép kín, bắt đầu từ khâu nguyên liệu. Mặt khác, cùng nông dân làm kinh tế dưới tán rừng, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tri thức, phát huy nguồn gen quý của các cây bản địa để sản xuất các sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên, phát triển nông nghiệp bền vững.

Ngoài ra, với định hướng liên kết với nông dân thông qua các Hợp tác xã, xây dựng chuỗi sản xuất, tập đoàn TH sẽ hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, sơ chế. Trong mô hình này, Hợp tác xã sẽ như một mắt xích trong chuỗi giá trị sản phẩm do doanh nghiệp dẫn dắt, đưa ra kế hoạch sản xuất, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng như yêu cầu về chất lượng sản phẩm.

Nhà máy đi vào hoạt động sẽ giúp đảm bảo đầu ra cho nông sản Sơn La - Ảnh 7.

Ông Hoàng Văn Chất, Giám đốc Hợp tác xã Trường Tiến, xã Chiềng Ban (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) kỳ vọng khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ giúp đảm bảo đầu ra cho cây ăn quả của người nông dân Sơn La.

Trao đổi với phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Hoàng Văn Chất, Giám đốc Hợp tác xã Trường Tiến, xã Chiềng Ban (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), cho biết: "HTX Trường Tiến có 32ha cây ăn quả có múi. Năm 2020, dự kiến thu trên 200 tấn cam. Hiện, HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, phân bón chủ yếu dùng phân hữu cơ là chính. Chất lượng quả được bên Quản lý nông lâm sản khu vực 2 phía Bắc hàng năm kiểm tra thường xuyên đảm bảo tiêu chuẩn VietGap. Không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không có dư lượng kim loại nặng. Sau này, nếu nhà máy TH thu mua sản phẩm cho bà con chúng tôi sẽ chấp hành nghiêm theo các tiêu chuẩn VietGap, các quy định về bảo vệ thực vật.

Mấy năm nay, HTX chúng tôi tiêu thụ hoa quả vẫn rất manh mún, đầu ra sản phẩm không đảm bảo thường xuyên. Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Tập đoàn TH đi vào hoạt động sẽ giúp cho việc tiêu thụ nông sản của nông dân Sơn La được ổn định hơn. Tôi mong muốn Nhà máy hỗ trợ người nông dân trong khâu tư vấn kỹ thuật, hướng dẫn cách dùng thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống cho nông dân Sơn La".

Nhà máy đi vào hoạt động sẽ giúp đảm bảo đầu ra cho nông sản Sơn La - Ảnh 8.

Bên cạnh đó, nhà máy đi vào hoạt động sẽ giúp đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nông sản cho người nông dân Tây Bắc.

Bà Nguyễn Thị Thơi, bản Hoa Mai, xã Chiềng Ban (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), chia sẻ: "Thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh Sơn La, năm 2017, tôi và các hộ dân ở bản Hoa Mai chuyển sang trồng cây ăn quả. Đến nay, diện tích cây ăn quả đã cho thu hoạch. Nhờ đó, thu nhập của bà con ngày càng khá hơn. Tuy nhiên, việc bán nông sản vẫn mang tính tự phát, bấp bênh. Nguy cơ "được mùa rớt giá" khiến người dân trong vùng lo ngại không muốn mở rộng diện tích. Nay, Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Tập đoàn TH sẽ giúp người nông dân chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn trong phát triển cây ăn quả, không sợ thương lái ép giá nữa".

Trong thời gian tới, Tập đoàn TH dự kiến triển khai liên kết với nông dân các vùng trồng hoa quả trọng điểm ở Sơn La như các huyện trồng nhãn Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, huyện Vân Hồ (nơi đặt nhà máy), vùng cam ngon nổi tiếng ở huyện Phù Yên, Yên Châu, Mộc Châu và mở rộng sang huyện Cao Phong, Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) và Vân Hội (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái).

Được biết: Trong lộ trình kiến tạo hệ sinh thái thực phẩm sạch, hữu cơ, Tập đoàn TH tiếp tục đầu tư các dự án nông sản, dược liệu tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Tây Bắc và Tây Nguyên. Tại Nghệ An, Tập đoàn TH đã phát triển Dự án rau sạch FVF, Dự án dược liệu – sản xuất thức uống thảo dược TH true Herbal. Mô hình phát triển thảo dược, dược liệu dưới tán rừng nhằm góp phần lưu giữ nguồn gen quý bản địa được TH triển khai tại Sơn La, Hà Giang và một vài tỉnh thành khác. Đồng thời, Tập đoàn TH cũng đang nghiên cứu sản xuất các nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo, đậu nành (tại Thái Bình), nước mắm, muối, nước tương, chế biến cá (Phú Yên) với mong muốn mang lại nguồn thực phẩm tươi, sạch cho gian bếp Việt...

Tuệ Linh