Để định hướng cho bà con nuôi cá nước ngọt một cách bền vững, hiệu quả. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Sở NNPTNT Hưng Yên vừa tổ chức Diễn đàn Khuyến nông@ nông nghiệp: "Phòng và trị bệnh nuôi cá nước ngọt" tại tỉnh Hưng Yên.
Hiệu quả từ mô hình "sông trong ao"
Theo Chi cục Thủy sản Hưng Yên, tỉnh có khoảng hơn 5.600ha nuôi trồng thủy sản; ngoài ra còn có khoảng 350 lồng nuôi cá trên sông và 50 sông trong ao nước tĩnh. Năng suất nuôi thủy sản trung bình của tỉnh ước đạt 8 tấn/ha/chu kỳ nuôi, lợi nhuận đạt trên 200 triệu đồng/ha/chu kỳ, thậm chí có mô hình thâm canh tốt, năng suất còn đạt tới 12 - 14 tấn/ha/chu kỳ.
Để mang lại sản lượng cũng như lợi nhuận trong nuôi trồng thủy sản, tỉnh Hưng Yên đã chú trọng đầu tư, hướng dẫn người nuôi áp dụng mô hình "Sông trong ao" rất hiệu quả.
Đến thăm mô hình ương cá giống và nuôi cá thương phẩm của HTX thủy sản Hưng Phát, tại đây, các đại biểu và nông dân được giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm về nuôi cá lồng đạt hiệu quả cao đối với các loại cá như: cá lăng, cá chày mắt đỏ, cá quả, bống, trắm cỏ… Các chuyên gia cũng trả lời những thắc mắc của bà con xung quanh các vấn đề kỹ thuật quản lý chăm sóc cá nuôi lồng, thức ăn, môi trường, phòng bệnh...
Ông Lưu Văn Dũng - Giám đốc HTX thủy sản Hưng Phát cho biết: HTX có 24 thành viên tham gia, với diện tích 45ha mặt nước nuôi thủy sản. Được sự hỗ trợ vốn và công nghệ từ Chi cục Thủy sản tỉnh Hưng Yên, HTX đã tiên phong áp dụng mô hình "sông trong ao". Một đầu bể được lắp đặt hệ thống bơm nước, kết hợp sục khí. Đầu còn lại sẽ được lắp lưới ngăn cá và hệ thống lắng phân cá cùng các chất thải khác được hút ra ngoài theo định kỳ.
"Nước ao được hệ thống máy bơm chuyên dụng bơm liên tục qua bể, biến thành con sông nhỏ chảy không ngừng, tăng lượng ô xy. Nhờ đó, cá được sống trong môi trường như nuôi trên lồng bè trên sông, nhưng không phải tiếp xúc với bùn và các tác nhân gây bệnh. Mật độ cá nuôi trong bể 10 lần so với ao thông thường, cá phát triển nhanh và hoàn toàn sạch"- ông Dũng chia sẻ.
Với mô hình ương cá giống và nuôi cá thương phẩm, hàng năm HTX bán ra từ 200 - 300 tấn cá các loại, tổng doanh thu đạt trên 20 tỷ đồng, thu hút 24 thành viên tham gia.
Nông dân được chia sẻ nhiều kinh nghiệm
Tại diễn đàn, rất nhiều kinh nghiệm quý, cách làm hay trong nuôi trồng thủy sản đã được các nhà nông và doanh nghiệp chia sẻ, nhiều vướng mắc khó khăn về kỹ thuật chăm nuôi, tiêu thụ sản phẩm cá đã được các nhà khoa học và nhà quản lý giải đáp thỏa đáng.
PGS.TS Kim Văn Vạn, Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: Trong nuôi cá, nhà nông cần nắm vững nguyên tắc "3 xem", "4 định" và nguyên tắc phòng bệnh hơn là trị bệnh, đó là: xem điều kiện thời tiết khi cho ăn, xem biến động các yếu tố môi trường, xem tình trạng sức khỏe của thủy sản nuôi; "4 định" là: định chất lượng, định số lượng, định thời gian, định địa điểm.
Trả lời câu hỏi của bà Đào Thị Lan (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) về giải pháp xử lý khi nước ao có màu nâu, cá chép, rô phi bị chết, PSG - TS Kim Văn Vạn cho rằng: Ao đang bị ô nhiễm do một số loại tảo gây ra, cách tốt nhất là thay từ 40 - 50% lượng nước ở trong ao, sau đó bổ sung vôi bột với lượng từ 20 - 30kg hòa tan vào nước, rải đều trên mặt ao, kết hợp máy bơm hoặc quạt nước để tăng ôxy, sẽ có tác dụng ổn định môi trường nước trong ao.
Trả lời thắc mắc của một số bà con về cách phòng bệnh cho cá khi thời tiết thay đổi giữa các mùa trong năm đối với mô hình "sông trong ao" - chuyên gia thủy sản Nguyễn Thị Hà cho hay: "Bà con nên phòng bệnh trước cả một chu kỳ nuôi. Còn giai đoạn chuyển mùa, sau khi cải tạo, lấy nước vào ao phải sử dụng chế phẩm sinh học ngay từ đầu. Định kỳ 7 ngày/lần phải bón chế phẩm sinh học kết hợp điều chỉnh thức ăn phù hợp theo giai đoạn phát triển của cá. Sau giai đoạn này định kỳ 15 ngày bón vôi 1 lần".
Chuyên gia Nguyễn Thị Hà cũng lưu ý, bà con nên dùng tỏi để làm thức ăn cho cá rất hiệu quả, nếu dùng tỏi tươi thì sử dụng 100 - 150g/100kg cá/ngày, mỗi đợt từ 10 - 15 ngày. Hoặc có thể ủ men tỏi với liều lượng 10kg tỏi khô bóc vỏ, nghiền nhỏ, cộng với 1kg đường kính pha với 1 lít dấm và 16 lít nước, sau đó trộn đều đưa vào thùng nhựa hoặc chum sành ủ từ 25 - 30 ngày rồi lấy ra cho cá ăn.
"Còn khi nước ao bị váng xanh, váng đỏ và nước đục, không được để cho tảo phát triển quá mức, hoặc nước để đục lâu từ 20 - 30 ngày. Nước bị như vậy là do dư thừa dinh dưỡng" - bà Hà nói.