Huyền tích văn hóa của người Vân Kiều
11/02/2017 22:16 GMT +7
Sinh sống dọc theo dãy Trường Sơn hùng vĩ thuộc hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, người Vân Kiều chứa đựng trong mình nhiều huyền tích văn hóa kỳ bí thể hiện qua các lễ hội và sinh hoạt đời thường. Trang Trại Việt xin giới thiệu với bạn đọc hai trong rất nhiều phong tục văn hóa, tính ngưỡng độc đáo riêng có của đồng bào Vân Kiều nơi đây.
Cả nhà bưng mâm lễ vật tạ ơn Giàng, sau đó mời cả bản cùng hưởng lộc, uống rượu chung vui
Kỳ bí lễ cúng hồn người sống
Khác với người Kinh chỉ thờ cúng ông bà tổ tiên, những người quá cố, người Vân Kiều lại có một phong tục rất kỳ lạ là thờ linh hồn người sống ngay từ khi họ mới được sinh ra.
Người Vân Kiều giải thích với chúng tôi rằng, nơi thờ linh hồn của thành viên trong gia đình họ là những chiếc bát sứ đặt trong chiếc kiềng đan thủ công bằng tre, đặt trên bàn thờ treo sát mái nhà. Người Vân Kiều quan niệm, mỗi con người khi sinh ra đều có một linh hồn và một vị thần bổn mạng. Mỗi chiếc bát là nơi thờ linh hồn của một người, để cầu mong người đó sống khỏe mạnh, gặp nhiều may mắn…
Một mâm lễ được soạn ra bằng một vuông thờ để cúng các “vị thần bảo hộ”. Mâm lễ này bắt buộc phải có thanh kiếm, nồi đồng…
Theo Già làng người Vân Kiều: Một đứa trẻ, dù trai hay gái sau khi sinh 3 ngày sẽ được làm lễ “giỗ sống” đầu tiên và lễ buộc chỉ cỏ máu - sợi chỉ nhuộm từ cây cỏ máu trong rừng, với mong muốn hồn đứa trẻ không bỏ nó, mà ở lại trần thế với thể xác. Sau lần đó, hằng năm vào ngày 18.8 đều có làm lễ “giỗ sống”, gọi là lễ “xana chiết”. Lên 8 tuổi, đứa trẻ được tổ chức lễ mừng hồn, và chiếc bát trong giỏ tre sẽ được đưa lên cao hơn một bậc. Đến 18 tuổi làm lễ “rặp chăm pa rơ” mừng hồn trưởng thành. Cái bát thờ mạng sống chàng trai lại được đưa lên bậc nữa, sát mái nhà sàn, bắt đầu một cuộc sống vững vàng sinh tồn giữa núi rừng...
Nơi thờ linh hồn của từng thành viên trong gia đình.
Để làm lễ cúng, người Vân Kiều có một con dao A Châu Cor truyền đời còn gọi là dao gọi hồn và chiếc sáo pi mà khi thổi lên âm thanh của nó lúc trầm lúc bổng. Lễ vật để cúng bắt buộc là một con lợn khoảng 40 kg, nhà nào nghèo thì cũng phải mua được cái thủ, 4 cái chân và cái đuôi coi như là tượng trưng cho một con lợn. Lễ còn có một bát gạo, 4 miếng trầu cắm xung quanh và giữa bát đặt 1 quả trứng gà. Ngoài ra, lễ vật còn có 3 chai rượu, những miếng sáp ong rừng nặn thành những hình thù kỳ bí…
Người Vân Kiều quan niệm: Buộc chỉ cổ tay cho người được cúng cũng là buộc linh hồn vào với thể xác …
Cưới hai lần trong một đời người
Sau thời gian “đi sim”, khi cái bụng của chàng trai, cô gái Vân Kiều đã thấu hiểu và ưng nhau thì họ sẽ nói với bố mẹ hai bên tiến hành làm lễ cưới. Trong lễ cưới, lễ vật nhất định phải có 1 thanh kiếm, 1 nồi đồng, 1 vòng cườm đeo cổ, 1 vòng bạc trắng. Thanh kiếm tượng trưng cho tinh thần của người Vân Kiều; chuôi kiếm và lưỡi kiếm thể hiện nghĩa vợ chồng thủy chung. Nó còn là vật “dẫn chuyện” như buồng cau, lá trầu của người kinh ở miền xuôi. Nồi đồng biểu trưng sự thịnh vượng của quê hương, vòng cườm và vòng bạc trắng là 2 món trang sức làm cho phụ nữ Vân Kiều đẹp thêm trong mắt dân bản.
Trong lễ cưới của người Vân Kiều: Đại diện nhà trai trao thanh kiếm, vòng bạc cho cô dâu.
Ông Hồ Văn Ba, bản Đá Còi, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình vừa mới tổ chức lễ cưới cho đứa con gái. Ông Ba kể: Trong lễ cưới, một lễ cúng ma nhà và tổ tiên nhà gái được cử hành bài bản, trang trọng để xin cho chàng rể nhập tục họ hàng, chính thức được nhận là con cháu. Sau đó nhà trai nhất thiết phải ở lại nhà gái một đêm cùng ăn uống, chuyện trò với nhau vui vẻ, hôm sau mới làm lễ rước dâu. Khi con dâu về chạm nhà sàn, mẹ chồng đón vào đường cầu thang bếp và làm một cái lễ quan trọng gọi là tục rửa chân cho con, xem con là con của mẹ, không phân biệt con dâu hay con gái trong nhà…
Sau khi được trao kiếm, cô dâu sẽ dùng thanh kiếm đó như “vật dẫn đường” để dẫn lần lượt các thành viên trong họ nhà trai vào nhà, đầu tiên là mẹ chú rể, tiếp đến chú rể…
Theo ông Ba, người Vân Kiều không chỉ có duy nhất một đám cưới đó, họ còn có một lần cưới thứ hai trong đời với chính người vợ của họ. "Đó là lễ koil, để công nhận vợ là thành viên của họ nhà trai. Lễ này tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình và để minh chứng cho cuộc sống của vợ chồng được hạnh phúc viên mãn…", ông Ba nói.
Ngày nay, tại bản làng, người Vân Kiều đã tổ chức đám cưới theo phong cách nếp sống mới, nhưng một số phong tục riêng có vẫn được lưu truyền.