Clip: Khai giảng lớp dạy trồng, khai thác, chế biến và bảo quản sản phẩm quế cho nông dân Lào Cai.
Tới dự và chỉ đạo khai giảng lớp dạy nghề có đồng chí Tô Mạnh Tiến, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai, lãnh đạo Hội Nông dân huyện Bảo Thắng, lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND các xã.
Dạy trồng, khai thác, chế biến và bảo quản sản phẩm quế
Trong 2 tháng (từ ngày 26/4) các học viên sẽ được cán bộ Hội Nông dân tỉnh Lào Cai và Hội Nông dân huyện Bảo Thắng hướng dẫn kỹ thuật, trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến và bảo quản sản phẩm quế đúng quy trình kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ chế biến các sản phẩm từ quế, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị trên thị trường và nâng cao thu nhập cho người dân.
Không chỉ nhằm nâng cao năng lực sản xuất cho người dân trồng quế, lớp dạy nghề còn góp phần làm thay đổi phương thức tổ chức sản xuất của người nông dân, từ bán vỏ quế thô sang sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến các sản phẩm có chất lượng, quy cách, mẫu mã đa dạng cho giá thành cao, nâng cao thu nhập cho người trồng quế.
Bên cạnh đó, 2 lớp dạy nghề cũng tập trung hướng dẫn việc tăng cường các mối liên kết hỗ trợ lẫn nhau giữa các hộ dân trồng quế tại các xã về tổ chức quản lý sản xuất, chia sẻ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về kiến thức trồng, thu hoạch, sơ chế, chế biến ngành hàng quế.
Chia sẻ với phóng viên, ông Tô Mạnh Tiến, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai cho biết: Chương trình đào tạo dạy nghề không chỉ tập trung vào các kỹ thuật trồng trọt và chăm sóc cây trồng, mà còn bao gồm các chủ đề như: Quản lý đất đai hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nông nghiệp, kỹ năng tiếp cận thị trường và tiếp thị sản phẩm nông sản, cũng như các phương pháp bảo vệ môi trường.
Thông qua các lớp đào tạo nghề này, sẽ góp phần hình thành nên các tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc tổ hội nông dân nghề nghiệp, qua đó từng bước phát triển kinh tế tập thể, làm cơ sở để kết nối người nông dân với doanh nghiệp hợp tác xã để phát triển ngành hàng quế và đưa các sản phẩm quế của Lào Cai nói riêng cũng như của Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Lớp đào tạo nghề lần này chúng tôi lựa chọn 2 xã Bản Phiệt và Phong Hải, đối tượng tham gia được chúng tôi lựa chọn là những người có hoàn cảnh khó khăn là đồng bào dân tộc thiểu số như dân tộc Dao, dân tộc Mông. Tham gia lớp dạy nghề, các học viên sẽ được hỗ trợ kinh phí; ngoài đào tạo trên lý thuyết, chúng tôi sẽ phối hợp với các doanh nghiệp giúp học viên thực hành, đồng thời cho học viên đi tham quan học tập ở các địa phương có thế mạnh về phát triển quế.
Hy vọng sau 2 tháng được tập huấn, các học viên sẽ vận dụng những kiến thức đã học vào hoạt động thu hoạch, sơ chế, chế biến sản phẩm vỏ quế để nâng cao thu nhập cho gia đình. Góp phần giảm nghèo và làm giàu cho bà con nông dân.