Hòa Bình phấn đấu thành trung tâm dịch vụ du lịch và công nghiệp chế biến chế tạo hàng đầu miền núi phía Bắc
Theo đó, tỉnh Hòa Bình đề ra mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân thời kỳ 2021 – 2030 đạt 9%/năm; trong đó: nông - lâm - thủy sản đạt khoảng 3,5%, công nghiệp - xây dựng đạt khoảng 10,8%/năm, dịch vụ đạt khoảng 10%/năm, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt khoảng 6,7%/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quần đạt trên 8%/năm.
Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người của Hòa Bình là 168 - 170 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế: nông lâm - thủy sản chiếm khoảng 15%, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 47%, dịch vụ chiếm khoảng 34%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 4%. Tổng thu ngân sách đạt từ 13.000 đến 15.000 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 4.500 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 3.580 triều USD. Tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GRDP của tỉnh, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt trên 40%.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 70%, trong đó, đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt khoảng 30 - 32%. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 40,5%. Tỷ lệ hộ dân có điện sử dụng đạt 100%, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới là 80%, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là 50%, tỷ lệ huyện đạt chuẩn nông thôn mới là 60%...
Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Hòa Bình trở thành tỉnh phát triển, có thu nhập bình quân đầu người đạt mức cao, là trung tâm dịch vụ du lịch và công nghiệp chế biến chế tạo hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại và kết nối; hệ thống đô thị thông minh; khu vực nông thôn hiện đại; môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hoá dân tộc, thích ứng hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu; người dân có điều kiện sống tốt, mức sống cao.
Các giá trị, bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn đặc biệt là văn hóa Mường và nền văn hóa Hòa Bình được giữ gìn, bảo tồn và phát triển. Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo vững chắc.
Đến năm 2025, Hòa Bình sẽ có thêm 2 đô thị loại V
Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Hòa Bình có 13 đô thị. Bao gồm 11 đô thị hiện hữu, trong đó có 1 đô thị loại II (thành phố Hòa Bình), 2 đô thị loại IV (thị xã Lương Sơn và thị trấn Mai Châu), 8 đô thị loại V (các thị trấn: Đà Bắc, Cao Phong, Vụ Bản, Mãn Đức, Chi Nê, Ba Hàng Đồi, Hàng Trạm, Bo). Thành lập 2 đô thị mới đạt tiêu chí đô thị loại V (thị trấn Phong Phú, huyện Tân Lạc và thị trấn Mường Vó, huyện Lạc Sơn). Giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh Hòa Bình có 17 đô thị.
Đối với 13 đô thị phát triển đến năm 2025: Đô thị thành phố Hòa Bình tiếp tục củng cố phát triển chỉ tiêu hạ tầng đô thị loại II; thị xã Lương Sơn đạt tiêu chí đô thị loại III; 4 đô thị đạt tiêu chí đô thị loại IV (thị trấn Bo, Mãn Đức, Chi Nê và Mai Châu); 7 đô thị loại V (thị trấn Đà Bắc, Cao Phong, Vụ Bản, Ba Hàng Đồi, Hàng Trạm, Phong Phú, Mường Vó), tiếp tục củng cố và hoàn thiện hạ tầng để nâng loại đô thị. Thành lập 4 đô thị mới đạt tiêu chí loại V (thị trấn Dũng Phong huyện Cao Phong, thị trấn Ân Nghĩa huyện Lạc Sơn, thị trấn Vạn Hoa huyện Mai Châu, đô thị Bãi Xe huyện Kim Bôi).
Đô thị Hòa Bình phát triển theo mô hình chuỗi đô thị, gồm đô thị trung tâm hành chính - chính trị và các đô thị vệ tinh, được liên kết bằng hệ thống giao thông bán vành đai kết hợp các trục dọc, trục ngang có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng trung du và miền núi phía Bắc và quốc gia. Phát triển không gian dựa trên kết nối các yếu tố tự nhiên và văn hóa truyền thống. Phát triển mô hình "Hành lang xanh" trong cấu trúc không gian đô thị của tỉnh.
Về phương án tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn, quy hoạch các khu dân cư mới theo nhu cầu thực tế của từng địa phương. Hình thành điểm dân cư nông thôn phân bố dọc theo các trục giao thông và lân cận các đô thị - công nghiệp tập trung. Đối với các khu dân cư thuần nông, có định hướng chuyển dịch sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa, áp dụng mô hình kinh tế trang trại. Bố trí các điểm dịch vụ thương mại hàng hóa tại các trung tâm xã, nhằm khuyến khích phát triển trao đổi sản phẩm nông nghiệp hàng hoá.