dd/mm/yyyy

Hòa Bình: Bổ sung tiểu dự án giao thông khoảng 6.800 tỷ đồng vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025

Tại Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình tháng 8, ông Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình thống nhất với các tờ trình, đồng ý chủ trương bổ sung tiểu dự án giao thông khoảng 6.800 tỷ đồng vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Ngày 29/8, ông Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy tháng 8 cho ý kiến vào những nội dung quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe và cho ý kiến vào Tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng. 

Theo đó, thời gian thực hiện dự án, triển khai chuẩn bị đầu tư từ năm 2017 và đưa công trình vào vận hành năm 2022 – 2023. Đề nghị điều chỉnh thành: Triển khai chuẩn bị đầu tư từ năm 2017 và đưa công trình vào vận hành trong quý IV năm 2025. Lý do điều chỉnh vì dự án chậm tiến độ so với quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư lần thứ nhất; bị tạm dừng thi công do sạt trượt hố móng nhà máy từ ngày 05/11/2021 và được cho phép thi công trở lại sau khi đã đáp ứng điều kiện an toàn.

Tham gia ý kiến về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Lê Chung.

Các đại biểu cũng đã cho ý kiến vào Tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đề xuất bổ sung danh mục Dự án đường giao thông kết nối liên vùng từ đường Hồ Chí Minh, tỉnh Thanh Hóa đến quốc lộ 6 và đường cao tốc CT03, tỉnh Hòa Bình gồm 2 dự án (tiểu dự án 1 qua tỉnh Thanh Hóa, tiểu dự án 2 qua tỉnh Hòa Bình) vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 16.600 tỷ đồng. Trong đó, tiểu dự án 2 đoạn qua tỉnh Hòa Bình khoảng 6.800 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ và nguồn vốn đầu tư công của tỉnh; thời gian thực hiện từ năm 2024 đến năm 2030.

Dự kiến nghiên cứu theo 2 phương án. Phương án 1 có tổng chiều dài dự án khoảng 39km: Điểm đầu Km0+000 giáp ranh địa giới hành chính xã Phú Thanh, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa và xã Vạn Mai, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đến Km20 (địa phận tỉnh Hoà Bình) cơ bản phát triển theo quốc lộ 15; đoạn từ Km20 đến Km39 tuyến mở mới phát triển theo địa bàn xã Sơn Thuỷ và điểm cuối kết nối vào nút giao IC5 thuộc cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên (CT03).

Phương án 2 có tổng chiều dài dự án khoảng 39 km (tương đương phương án 1). Cụ thể: Điểm đầu Km0+000, giáp ranh địa giới hành chính xã Phú Thanh, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa và xã Vạn Mai, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình; đoạn từ Km0 đến Km20 hướng tuyến phát triển song song với tuyến QL15; đoạn từ Km20 đến Km39 tuyến mở mới phát triển theo địa bàn xã Sơn Thuỷ và điểm cuối kết nối vào nút giao IC5 thuộc cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên (CT03).

Các đại biểu phân tích ưu, nhược điểm của 2 phương án và quan tâm đến nguồn vốn thực hiện dự án. Bên cạnh đó, hội nghị cũng cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng khác.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình thống nhất với các tờ trình, đồng ý chủ trương bổ sung tiểu dự án 2 qua tỉnh Hòa Bình. 

Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh triển khai các thủ tục dự án đảm bảo đúng quy định; nghiên cứu, tính toán bố trí nguồn lực để triển khai phù hợp với định hướng, quy hoạch, quy định và điều kiện của tỉnh; tham mưu bố trí kinh phí chuẩn bị đầu tư khi Trung ương cân đối bố trí vốn tối đa cho dự án.

PV Tây Bắc