Ban Quản lý rừng đặc dụng – phòng hộ Thuận Châu được thành lập theo Quyết định số 3278/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La trên cơ sở sáp nhập của 2 đơn vị là Ban Quản lý rừng đặc dụng Copia và Ban Quản lý rừng phòng hộ Thuận Châu với tổng diện tích rừng và đất rừng được giao là 19.589,596 ha.
Diện tích đất được giao nằm trên địa bàn 2 huyện Thuận Châu và Quỳnh Nhai. Trong đó, huyện Quỳnh Nhai gồm 2 xã: Mường Giàng, Mường Sại; Thuận Châu gồm 6 xã: Nậm Lầu, Bản Lầm, Mường Bám, Long Hẹ, Co Mạ, Chiềng Bôm.
Hầu hết các xã trong lâm phần có địa hình dốc, chia cắt sâu; các hộ dân sinh sống gần diện tích rừng chủ yếu là đồng bào người dân tộc Mông, Thái… có trình độ dân trí thấp; bà con mưu sinh chủ yếu là sản xuất nông nghiệp trên đất dốc và chăn nuôi đại gia súc; thu nhập thấp, đời sống khó khăn… gây ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.
Với số diện tích rừng lớn cộng với những khó khăn trên, để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn được giao, ngay sau khi được thành lập, Ban Quản lý rừng đặc dụng – phòng hộ Thuận Châu đã nhanh chóng kiện toàn bộ máy và ổn định tổ chức.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Trang Trại Việt, ông Nguyễn Văn Việt – Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng – phòng hộ Thuận Châu, cho biết: Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. Đồng thời, đã chỉ đạo, tăng cường cán bộ kiểm lâm viên phụ trách địa bàn để bám sát cơ sở, kịp thời giúp cấp ủy, chính quyền sở tại để triển khai thực hiện các phương án, kế hoạch tuần tra, kiểm tra trong công tác bảo vệ rừng.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý rừng đặc dụng – phòng hộ Thuận Châu đã thực tốt các chương trình dự án trồng rừng, bảo vệ rừng. Nhờ vậy, ý thức, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên toàn huyện đã không ngừng được nâng lên; các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm đáng kể so với những năm trước.
"Nhờ được cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn thường xuyên tuyên truyền Luật Lâm nghiệp; các quy định của pháp luật trong công tác bảo vệ rừng; tầm quan trọng, giá trị của rừng đối với đời sống nên nhận thức và trách nhiệm của bà con ngày càng được nâng lên. Mấy năm trở lại đây, sau khi Nhà nước giao khoán rừng cho cộng đồng bản quản lý, chúng tôi đã thành lập các Tổ đội thường xuyên cùng cán bộ kiểm lâm đi tuần tra rừng; tuyên truyền cho các hộ dân có nương rẫy gần rừng tuân thủ các quy định về thời gian đốt, tuyệt đối không để xảy ra cháy rừng" – anh Vừ A Thánh – bản Cửa Rừng, xã Co Mạ bảo vậy.