dd/mm/yyyy

Hấp dẫn lễ hội Mừng cơm mới của đồng bào Khơ Mú ở Than Uyên

Trong chuỗi các hoạt động chào mừng Tết Độc lập, Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Than Uyên, Tuần Văn hóa - Du lịch năm 2023, Lễ hội Mừng cơm mới của đồng bào Khơ Mú đã được tái hiện sinh động, thu hút đông đảo người dân và du khách tới xem.

Lễ hội Mừng cơm mới của đồng bào Khơ Mú diễn ra khi mùa màng kết thúc

Đồng bào Khơ Mú ở Than Uyên (Lai Châu) sinh sống tập trung ở các bản: Thẩm Phé (xã Mường Kim), bản Mè (xã Ta Gia) và các bản: Noong Ỏ, Noong Ma (xã Tà Hừa). Theo quan niệm người Khơ Mú, trong một chu kỳ canh tác nông nghiệp, sau khi đã thu hoạch xong mùa màng, các gia đình dâng cúng lên tổ tiên những hạt nếp cốm mới và tham gia nhiều sinh hoạt cúng tế, vui chơi độc đáo. Mỗi gia đình tổ chức lễ mừng cơm mới trong một ngày, gia đình này nối tiếp gia đình kia, tạo nên một mùa lễ hội, đó là Lễ hội Mừng cơm mới.

Hấp dẫn lễ hội Mừng cơm mới của đồng bào Khơ Mú ở Than Uyên - Ảnh 1.

Lễ hội Mừng cơm mới của đồng bào Khơ Mú ở Than Uyên mới được phục dựng. (Ảnh: Tuấn Hùng)

Lễ hội Mừng cơm mới của đồng bào Khơ Mú gồm 2 phần, đó là phần lễ và phần hội. Để chuẩn bị cho phần lễ, ngoài cốm mới, người dân còn phải chuẩn bị nhiều lễ vật dâng cúng như: Rượu cần, rượu cất, một đôi gà trống hoa, xôi trắng, xôi đỏ, các loại rau cùng các sản vật khác như: cá, cua...

Theo ông Hoàng Văn Tiến, ở bản Thẩm Phé (xã Mường Kim), cứ vào tháng 8 - 9 dương lịch hằng năm, khi mùa màng kết thúc, đồng bào Khơ Mú lại bảo nhau tổ chức Lễ hội Mừng cơm mới. Mở màn là nghi lễ "Thỉnh mời tổ tiên". Ông chủ lễ kính cẩn mời tổ tiên về dự và khấn kể về nguồn gốc của lễ hội, quá trình khai khẩn và gieo trồng nương rẫy.

Hấp dẫn lễ hội Mừng cơm mới của đồng bào Khơ Mú ở Than Uyên - Ảnh 2.

Lễ hội Mừng cơm mới của đồng bào Khơ Mú gồm 2 phần, đó là phần lễ và phần hội. (Ảnh: Tuấn Hùng)

Trong bài cúng, ông chủ lễ nhắc đến công ơn của tổ tiên đã phù hộ con cháu, giúp con cháu trông nom nương rẫy, cây trồng. Tiếp đến là nghi thức mời cơm. Ông chủ lễ một tay vít 2 cần rượu mồi cho rượu chảy ra rồi khấn mời tổ tiên hưởng lễ. Sau đó là lễ khấn xin tổ tiên tiếp tục phù hộ cho gia đình được mọi điều tốt đẹp.

Hấp dẫn lễ hội Mừng cơm mới của đồng bào Khơ Mú

Ở phần nghi thức cầu may, bà chủ nhà bưng chõ xôi đỏ có 2 đồng tiền trong đó ra giữa nhà. Chõ xôi được đổ xuống đất kèm theo câu nói của bà chủ nhà: "Ăn nên làm ra nhớ". Mọi người chen nhau vào bới đồng tiền với hi vọng năm tới sẽ khỏe mạnh, làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu. Tiếp theo là nghi thức phát lộc. Nghi thức cuối cùng là hát mừng cơm mới.

Hấp dẫn lễ hội Mừng cơm mới của đồng bào Khơ Mú ở Than Uyên - Ảnh 3.

Nghi thức mời cơm trong lễ hội Mừng cơm mới của đồng bào Khơ Mú. (Ảnh: Tuấn Hùng)

Sau phần lễ, phần hội diễn ra với nhiều trò chơi, điệu múa như: Vũ điệu "Hưn mạy", trò chơi thi uống rượu cần. Khi cơm đã no, rượu đã say, chiêng trống được mang ra, mọi người tay trong tay cùng đắm say trong điệu xòe.

Theo đồng bào Khơ Mú, Lễ hội Mừng Cơm mới mang ý nghĩa linh thiêng, là dịp dâng lên tổ tiên cơm mới, món ăn truyền thống và cầu mong họ phù hộ cho các thành viên trong gia đình khỏe mạnh, cầu cho mùa màng bội thu. Đây còn là dịp để ông bà, cha mẹ dạy bảo con cháu biết quý trọng sức lao động, giúp gia đình, dòng họ đoàn kết, gắn bó với nhau hơn.

Hấp dẫn lễ hội Mừng cơm mới của đồng bào Khơ Mú ở Than Uyên - Ảnh 4.

Nghi thức hát mừng cơm mới trong lễ hội Mừng cơm mới của đồng bào Khơ Mú. (Ảnh: Tuấn Hùng)

Ông Trần Quang Chiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết, những năm qua, huyện Than Uyên luôn chú trọng bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn, trong đó có Lễ hội Mừng cơm mới. Năm nay là năm thứ hai huyện Than Uyên tổ chức phục dựng Lễ hội này. Qua đó, giới thiệu nét văn hóa độc đáo đến du khách gần xa, đồng thời nâng cao ý thức của người dân trong việc gìn giữ giá trị văn hóa của dân tộc mình.


Thanh Ngân - Tuấn Hùng