dd/mm/yyyy

Hải Dương: Cả tỉnh chung tay lo kết nối tiêu thụ vải thiều

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Việt Nam và thế giới, Hải Dương đã xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp để vừa triển khai thu hoạch và tiêu thụ vải thiều, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch.

Sáng nay, tại vùng vải đặc sản Thanh Hà, UBND tỉnh Hải Dương và chính quyền các địa phương đã tổ chức "lễ mở vườn" hái vải xuất khẩu và cắt băng xuất khẩu vải đi Nhật Bản, Mỹ, Úc, EU, Singapore...

Sau lễ mở vườn, UBND tỉnh phối hợp với các Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà Hải Dương năm 2021.

Hải Dương: Vải thiều Thanh Hà là sản phẩm mũi nhọn, tạo ra giá trị cao so với các quốc gia trồng vải khác - Ảnh 1.
                                  Lễ cắt băng mở vườn vải tại huyện Thanh Hà.

Trước đó, Hải Dương đã thực hiện các chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh kết nối tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu trên nền tảng số, ứng dụng thương mại điện tử, trên các kênh thông tin truyền thông đa phương tiện phù hợp với xu thế thời đại 4.0, khởi động chương trình đưa vải thiều và nông sản của Hải Dương lên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn như: Alibaba, Lazada, Tiki và Sendo... nhằm quảng bá kết nối giao thương, kết nối trực tuyến tới các đầu mối, các nhà nhập khẩu, góp phần tiêu thụ nông sản của tỉnh Hải Dương tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, Hải Dương được đánh giá là địa phương có tiềm năng về phát triển kinh tế nông nghiệp với sản phẩm nông sản đa dạng, phong phú, chất lượng và sản lượng cao. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hải Dương hiện nay đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thông minh và hữu cơ.


Vải thiều Thanh Hà sản xuất từ giống vải thiều bản địa, được trồng và chọn lọc tự nhiên qua hàng trăm năm. Vải thiều Thanh Hà được sản xuất theo tiêu chuẩn Gap, tiêu chuẩn xuất khẩu, đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý và được dán tem truy xuất nguồn gốc.


Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng NN&PTNT đánh giá cao Hải Dương đã vượt qua chính mình trong đại dịch Covid-19 bằng tư duy mới trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Dẫn 2 câu thơ "Vải em là vải vườn nhà/ Em là con gái Thanh Hà xứ Đông", ông Hoan khẳng định, vải thiều Thanh Hà nói riêng và nông sản Hải Dương nói chung tạo được sự lan tỏa nhất định, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Hải Dương: Vải thiều Thanh Hà là sản phẩm mũi nhọn, tạo ra giá trị cao so với các quốc gia trồng vải khác - Ảnh 2.
                      Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NNPTNT phát biểu tại Hội nghị.


Thời gian qua, những biến động của thị trường và tình hình phức tạp của dịch Covid-19 làm đứt chuỗi cung cầu, ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp. Song Hải Dương đã biến khó khăn thành lợi thế, thúc đẩy tiêu thụ nông sản thuận lợi trước nhiều biến cố.

Bộ trưởng NNPTNT đề nghị Hải Dương cần định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, cần có giải pháp tích hợp đa giá trị trong xây dựng thương hiệu nông sản. Trong đó, quan tâm việc phối hợp hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm, ưu tiên những nông sản thế mạnh, đa dạng hóa sản phẩm để phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.

Ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Hải Dương trong công tác chỉ đạo sản xuất nâng cao chất lượng, chủ động phối hợp trong khâu tiêu thụ, quảng bá thương hiệu quả vải và tìm đầu ra cho sản phẩm, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ kết nối cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vải và nông sản Hải Dương, áp dụng thí điểm hệ thống truy xuất nguồn gốc vải thiều và các nông sản tiêu biểu của tỉnh; giao dịch trực tuyến với các nhà nhập khẩu từ nhiều thị trường xuất khẩu quan trọng như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Hà Lan…


Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam khẳng định, nông sản Hải Dương có nhiều tiềm năng xuất khẩu. "Vải thiều Thanh Hà với những đặc trưng nổi trội về chất lượng, mẫu mã, được canh tác theo tiêu chuẩn quốc tế là sản phẩm mũi nhọn, tạo ra giá trị cao so với các quốc gia trồng vải khác" – ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, năm 2020, Nhật Bản chính thức chấp thuận nhập khẩu quả vải tươi của Việt Nam, từ đó đã tạo ra ưu thế lớn trong xuất khẩu loại nông sản đặc sản này.


Hải Dương: Vải thiều Thanh Hà là sản phẩm mũi nhọn, tạo ra giá trị cao so với các quốc gia trồng vải khác - Ảnh 3.
Những trái vải đầu mùa thơm ngon, mọng nước.

Trong thời gian tham gia sản xuất, thu mua và xuất khẩu vải thiều, doanh nghiệp đã được các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ. Nông dân thực hiện nghiêm quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Điều này càng củng cố lòng tin, tạo uy tín với các doanh nghiệp để họ đồng hành cùng người dân tìm kiếm thị trường tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.

Công ty CP Ameii Việt Nam cam kết thời gian tới sẽ tập trung nguồn lực để đồng hành cùng nông dân Hải Dương đưa nhiều nông sản của tỉnh đến với khách hàng quốc tế. Trước mắt, doanh nghiệp sẽ tập trung khai thác những nông sản thế mạnh, áp dụng công nghệ chế biến tiên tiến, hiện đại nhất để cho ra những sản phẩm có chất lượng tốt nhất tới các thị trường lớn, khó tính nhưng mang lại giá trị cao.

Ông Paul Lê, Giám đốc công ty Kiến tạo chia sẻ và xúc tiến thương mại Central Retail cho biết, sau khi khảo sát quy trình sản xuất, chứng nhận các điều kiện về chất lượng sẽ cam kết gắn 5 sao cho sản phẩm vải Thanh Hà và đưa khoảng 1.000 tấn vải vào chuỗi trung tâm thương mại của doanh nghiệp.

Khẳng định truyền thống văn hiến ngàn đời là niềm tự hào, là cội nguồn tạo nên sức sống mãnh liệt, sức bật mạnh mẽ của Hải Dương trong công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng nhận định, những kết quả đạt được đã khẳng định Hải Dương đang đi đúng hướng về phát triển kinh tế nông nghiệp.

"Hải Dương luôn quan tâm chú trọng đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới và tại Việt Nam, việc tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu là một thách thức lớn.


Hải Dương sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Ứng dụng công nghệ cao, thực hiện chuyển đổi số và áp dụng các phương pháp canh tác tiêu chuẩn để sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đặc trưng" – Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng nói.


Thi Ngọc