dd/mm/yyyy

Hà Nội kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm theo chuỗi: Xử lý tận gốc cơ sở vi phạm

Hà Nội hiện mới sản xuất, cung ứng được một phần thực phẩm, còn lại phải nhập khẩu từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Do đó, các ngành chức năng của thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành truy xuất nguồn gốc sản phẩm lưu thông trên thị trường, qua đó góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi

Thực hiện Chương trình phối hợp số 7237/CTPH-BNNPTNT-UBND ngày 23/10/2021 về bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản, giao thương giữa TP.Hà Nội và các tỉnh, thành phố giai đoạn 2021-2025, Hà Nội và 43 tỉnh, thành phố đã chủ động, tích cực duy trì và hỗ trợ phát triển 946 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thành phố. Các chuỗi này đã góp phần cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn cho TP.Hà Nội.

Theo Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Cường Thịnh (tỉnh Hòa Bình) Phạm Văn Thịnh, mỗi năm, doanh nghiệp cung ứng khoảng 500-600 tấn cá các loại, chủ yếu cho thị trường Hà Nội. 

Đây là thị trường tiềm năng nên công ty xác định tiếp tục khai thác tốt hơn trong thời gian tới. Đối tác của công ty là các siêu thị, nhà hàng cao cấp nên họ yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm.

Kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm theo chuỗi: Xử lý tận gốc cơ sở vi phạm - Ảnh 1.

Khách hàng lựa chọn những sản phẩm nông sản an toàn tại một chi nhánh bán thực phẩm sạch trên địa bàn TP.Hà Nội. Ảnh: Q.N

Hiện tại, khả năng sản xuất nông nghiệp của thành phố tùy từng loại mới đáp ứng được 30-65% nhu cầu sử dụng cho hơn 10 triệu người dân sinh sống, làm việc trên địa bàn.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La - Nguyễn Thành Công, Sơn La có tổng diện tích cây ăn quả các loại trong năm 2023 khoảng 84.784ha, sản lượng quả thu hoạch dự kiến đạt 451.779 tấn, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành phố. 

Hiện tại, tỉnh đang phối hợp với Hà Nội đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ, đưa các loại nông sản an toàn của tỉnh đến tay người tiêu dùng Thủ đô.

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội - Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản của thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Trong thời gian qua, nhiều hoạt động kết nối giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố đã được thực hiện, như: Hội chợ, festival, hội nghị kết nối, trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản đặc sản của các tỉnh, thành phố ở Thủ đô...

Nâng chất sản phẩm

Hiện công tác phối hợp quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm còn gặp không ít khó khăn, do phần lớn các sản phẩm nông sản của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội bán ở dạng thô hoặc mới qua sơ chế. Rất ít sản phẩm có tem nhãn, mã vạch, mã số, nên chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý và thị hiếu người tiêu dùng. Ngoài ra, các địa phương chưa quy hoạch được nhiều vùng sản xuất tập trung, gây khó khăn cho việc giám sát chất lượng khi lưu thông trên thị trường.

Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội - Nguyễn Ngọc Sơn cho hay, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ nông, lâm, thủy sản an toàn; đẩy nhanh việc áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, các mô hình sản xuất thực phẩm theo chuỗi, hệ thống phân phối thực phẩm an toàn.

Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản; duy trì chương trình giám sát các sản phẩm sơ chế, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên diện rộng; cảnh báo nguy cơ về an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, các ngành chức năng của Hà Nội tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nông sản, thực phẩm của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ, tập trung vào những nhóm sản phẩm có nguy cơ cao, kịp thời phát hiện những vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với những mẫu vi phạm, Hà Nội sẽ thông báo tới các tỉnh, thành phố để có biện pháp xử lý tận gốc tại các cơ sở vi phạm, nhằm minh bạch thông tin sản phẩm tới tay người tiêu dùng...

Quỳnh Nguyễn