Cả nước có 28 triệu con lợn, 500 triệu con gia cầm nhưng mỗi xã chỉ có... 1 thú y viên

Trần Quang Thứ hai, ngày 26/06/2023 13:41 PM (GMT+7)
Theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT), tính hết tháng 5/2023, đã có 56/63 tỉnh, thành phố triển khai đề án ngành thú y nhằm kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống thú y các cấp.
Bình luận 0

Kiểm soát tốt các loại dịch bệnh nguy hiểm

Mới đây, chia sẻ tại hội nghị tư vấn hỗ trợ triển khai đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021 - 2030, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) Phan Quang Minh cho biết, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện đề án ngành thú y, hệ thống tổ chức các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp tại địa phương đã bước đầu được củng cố, nâng cao năng lực. 

Đến hết tháng 5/2023, tổng cộng đã có 56 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai đề án. Có 1 tỉnh đã thành lập lại chi cục chăn nuôi, thú y và thủy sản cấp tỉnh; 5 tỉnh đã thành lập lại trạm chăn nuôi thú y/trạm chăn nuôi thú y và thủy sản cấp huyện; 9 tỉnh đã có đề án thành lập lại Trạm Chăn nuôi thú y/trạm chăn nuôi thú y và thủy sản cấp huyện.

56 địa phương đã “tăng lực” hệ thống thú y   - Ảnh 1.

Nông dân chăm sóc nái tại trang trại ở Quốc Oai (Hà Nội). Ảnh: Trần Quang

Đến nay, đã có 13/63 tỉnh, thành phố đã sáp nhập chi cục thú y cấp tỉnh với các ngành nông nghiệp khác. 33/63 tỉnh, thành phố đã sáp nhập trạm thú y cấp huyện (trực thuộc chi cục cấp tỉnh) với các ngành nông nghiệp khác và chuyển thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp/phòng kinh tế do UBND cấp huyện quản lý.

Cả nước có hơn 16.000 người làm công tác thú y tại các địa phương, bao gồm: hơn 3.000 người làm tại các cơ quan thú y cấp tỉnh, hơn 4.000 người làm tại các cơ quan thú y cấp huyện và hơn 9.000 nhân viên thú y cấp xã.

Theo đánh giá, với quy mô phát triển đàn lợn, cũng như gia cầm, gia súc lớn như hiện nay với 28 triệu con lợn, 500 triệu con gia cầm, số người làm công tác thú y như hiện nay là quá mỏng với trung bình mỗi xã trên địa bàn cả nước chỉ có 1 thú y viên.

Đặc biệt, thời gian qua ngành thú y đã cơ bản kiểm soát tốt các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi. 

Cụ thể, về tình hình dịch bệnh năm 2022 so với năm 2021, số ổ dịch cúm gia cầm giảm 60%, số gia cầm bị dịch phải tiêu hủy giảm hơn 78%; số động vật mắc bệnh viêm da nổi cục (VDNC) giảm trên 75%; đặc biệt số ổ dịch VDNC giảm gần 95% và số gia súc mắc bệnh giảm gần 99%; số ổ dịch tả lợn châu Phi giảm 60%, số lợn bị phải tiêu hủy tại các ổ dịch giảm gần 80%...

Cũng theo ông Minh, đến nay đã có 2.230 cơ sở, vùng chăn nuôi tại 55 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh. Trong đó có các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh đối với nhiều loài động vật, nhiều bệnh, bao gồm: 922 cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm; 1.133 cơ sở, vùng chăn nuôi lợn và 175 cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác...

Tích cực hợp tác quốc tế

Để triển khai thành công, đạt mục tiêu của Đề án ngành Thú y, giai đoạn 2021 - 2030, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các tổ chức quốc tế, các nước và các nhà tài trợ xem xét hỗ trợ cả về kỹ thuật, chuyên gia và kinh phí để triển khai một số nhiệm vụ như: Hỗ trợ rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống tổ chức các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp; hỗ trợ nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh động vật...

Ông Ronello Abila - đại diện khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) tin tưởng Việt Nam đủ khả năng đáp ứng các yêu cầu nêu trong đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021 - 2030. 

"Việt Nam đã và đang nỗ lực mở rộng xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi ra toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam hiện còn lỗ hổng trong việc xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo chuẩn OIE" - đại diện OIE nói và nhấn mạnh, để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, nhất thiết phải xây dựng vùng an toàn dịch bệnh.

Cũng theo ông Ronello Abila, OIE đã liên lạc với Việt Nam thông qua nhiều diễn đàn, hội nghị và hội thảo để cung cấp các biện pháp kỹ thuật. Tuy nhiên, các giải pháp thiết lập vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của OIE thông thường mất khoảng 1 năm kể từ khi nộp hồ sơ. Điều này có thể khiến những nông hộ nhỏ, hoặc chăn nuôi gia cầm gặp khó. 

Để xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, ông Abila cho rằng không chỉ cần sự nỗ lực của chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp mà còn cần sự vào cuộc của mọi thành phần xã hội, bao gồm cả các doanh nghiệp chăn nuôi.

Tư vấn các giải pháp cho Việt Nam triển khai đề án ngành thú y, Giám đốc Ban Chăn nuôi và Thú y của Tổ chức Nông – Lương Liên Hợp Quốc (FAO) Thanawat Tiensin đề ra 3 nội dung. Một là, xây dựng chương trình lồng ghép sự tham gia của nhiều bên. Hai là, triển khai các biện pháp thực hành tốt để ngành chăn nuôi trong nước có thể áp dụng chung trên diện rộng. Ba là, xây dựng chính sách cấp quốc gia để thúc đẩy, thu hút đầu tư từ khối ngoại.

Đến từ tổ chức đã và đang triển khai các giải pháp tập trung vào phát triển bền vững hệ thống chăn nuôi, đảm bảo sinh kế của các hộ chăn nuôi nhỏ tại Việt Nam, TS Fred Unger - Trưởng đại diện Viện nghiên cứu chăn nuôi quốc tế (ILRI) tại Đông Á và Đông Nam Á đánh giá: Tại Việt Nam, tỷ lệ số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn tương đối lớn. TS Unger nhìn nhận, rất nhiều sản phẩm từ thịt và chế biến từ thịt được bán ở thị trường truyền thống. 

"Đó thực sự là một thách thức đối với hệ thống thú y, bởi để giải quyết các vấn đề ở quy mô vừa và nhỏ, chính phủ cần tính đến nhiều khía cạnh, trong đó có sinh kế của người dân"- ông Unger nói.

Vừa qua, ILRI đã phối hợp triển khai nghiên cứu "Các phương pháp tiếp cận dựa vào thị trường nhằm cải thiện an toàn thịt lợn tại Việt Nam" (SafePORK). Dự án tập trung xây dựng một số biện pháp can thiệp đơn giản và xây dựng năng lực để làm giảm sự ô nhiễm vi khuẩn Salmonella trong chuỗi thịt lợn. 

Thông qua vệ sinh cơ sở giết mổ và chợ truyền thống, tỷ lệ nhiễm Salmonella trên thịt lợn tại chợ truyền thống Việt Nam ở vùng dự án đã giảm từ 52% xuống còn 24%. Từ đó đại diện của ILRI đến nhận định, rằng khu vực chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ vẫn giữ vị trí, vai trò quan trọng tại Việt Nam. Ngoài ra, khu vực này vẫn có thể can thiệp để nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem