dd/mm/yyyy

Hà Nội: Hoàn tất chuẩn bị hàng hóa sẵn sàng phục vụ trong 3 tháng có dịch Covid-19

Theo thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội, các doanh nghiệp bán lẻ và dịch vụ trên địa bàn Thủ đô đã chuẩn bị lượng hàng hóa sẵn sàng phục vụ nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội trong 3 tháng có dịch với tổng giá trị khoảng 194.000 tỷ đồng

Ngành Công Thương Hà Nội cam kết bảo đảm đáp ứng đầy đủ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, các siêu thị không tăng giá. Người dân không cần thiết phải mua hàng hóa tích trữ trong thời gian dịch bệnh.

Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 5/5 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về tăng cường thực hiện quyết liệt các biện pháp PCD Covid-19 trong tình hình mới, ngành Công Thương thủ đô đã phải tăng cường công tác quản lý, tránh đầu cơ, thổi giá; kiểm tra, kiểm soát hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả hàng nhái, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Hà Nội: Hoàn tất chuẩn bị hàng hóa sẵn sàng phục vụ trong 3 tháng có dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Nhờ sự chủ động trong việc chuẩn bị hàng hóa, TP Hà Nội sẽ bảo đảm các mặt hàng thiết yếu cho người dân trong mọi kịch bản của dịch bệnh.

Nhờ sự chủ động trong việc chuẩn bị hàng hóa, TP Hà Nội sẽ bảo đảm các mặt hàng thiết yếu cho người dân trong mọi kịch bản của dịch bệnh. 

Liên quan đến nguồn cung hàng hóa trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Hà Nội bảo đảm dự trữ hàng hóa đầy đủ, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân Thủ đô khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Theo đó, lượng hàng hóa thiết yếu trong tháng dịch tăng gấp 3 lần so với tháng thường.

Bà Trần Thị Phương Lan khẳng định, căn cứ theo mức độ lây lan của dịch đã xác định tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo cấp độ như sau: Cấp độ 1 (từ 20 ca nhiễm đến dưới 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên): 313,78 tỷ đồng; cấp độ 2 (từ 1.000 - 3.000 trường hợp mắc): 1.048,71 tỷ đồng; cấp độ 3 (từ trên 3.000 đến 30.000 trường hợp mắc): 5.359,05 tỷ đồng. Để chung tay PCD Covid-19, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, rất cần sự chung tay của chính người dân, thực hiện nghiêm quy định 5K và không đầu cơ tích trữ hàng hóa gây khan hiếm cục bộ trong thời điểm dịch bệnh.

Trước đó, Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành Công văn số 629/PA-SCT triển khai phương án 5 về đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân theo các cấp độ của Trung ương và thành phố Hà Nội nhằm ứng phó với dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố (giai đoạn 4).

Theo đó, Sở Công Thương xác định 3 cấp độ dịch có thể xảy ra theo mức độ lây lan dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

Cấp độ 1, tình hình như hiện nay (từ 20 ca nhiễm đến dưới 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên): Có các khu vực cách ly rải rác thuộc địa bàn nhiều quận, huyện. Giả định có 10 khu vực cách ly với tổng số người trong khu vực cách ly 2.000 người và 127.500 người cách ly tại nơi ở trong thời gian 28 ngày. Nhu cầu mua hàng tăng cao (từ 50-100%) so với ngày bình thường. Hàng hóa phải điều tiết mạnh, nhiều lần/ngày trong các hệ thống phân phối trong thành phố. Hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động do nằm trong vùng cách ly. Các doanh nghiệp tăng cường bán hàng qua kênh thương mại điện tử và thực hiện giao hàng tại nhà.


Cấp độ 2, dịch liên tục lây lan mạnh ở mức độ thấp (từ 1.000 đến 3.000 trường hợp mắc): 30 quận, huyện, thị xã đều có khu cách ly. Giả định mỗi quận, huyện có 1-5 khu vực bị cách ly đưa số khu vực cách ly 30-150 khu vực, với số người trong khu vực cách ly 30.000 người và 382.500 người cách ly tại nơi ở trong thời gian 28 ngày. Nhu cầu sử dụng hàng hóa tăng mạnh trong nhiều ngày, phải tăng thêm nhiều kho dự trữ hàng hóa tại các quận huyện, phải thực hiện điều tiết hàng hóa trong nội bộ thành phố và phải huy động một số hàng hóa thiếu nhiều (thực phẩm, rau, củ, quả...) từ kho hàng của các doanh nghiệp từ các tỉnh, thành phố khác.

Cấp độ 3, dịch lây lan diện rộng (từ trên 3.000 đến 30.000 trường hợp mắc) khiến cho khoảng trên 2 triệu người dân thành phố có nguy cơ lây nhiễm cao (chiếm gần 1/4 số dân trên địa bàn); người dân trên địa bàn chỉ ra khỏi nơi ở để mua nhu yếu phẩm. Hoạt động một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đa số phải tạm ngừng, chỉ có một số điểm bán nhu yếu phẩm hoạt động theo chỉ đạo của thành phố. Lượng hàng hóa cần cung ứng cho người dân trên địa bàn tăng đột biến, tiếp tục mở thêm các kho hàng để đưa hàng về tăng lượng dự trữ, trong trường hợp cần thiết phải mở các kho hàng dã chiến tại các vùng ngoại thành, điều tiết cung ứng hàng hóa từ các tỉnh về trong thời gian ngắn nhất. Huy động thêm các phương tiện để vận chuyển hàng hóa.

Về lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân toàn thành phố trong thời gian có dịch được tăng gấp 3 lần so với tháng thường. Lượng hàng hóa chuẩn bị sẵn sàng phục vụ nhân dân trên địa bàn trong 3 tháng khoảng 194.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố (nếu có) khoảng 21.500 tỷ đồng.

Căn cứ theo các mức độ lây lan của dịch, xác định tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ nhân dân theo cấp độ như sau: Cấp độ 1 là 313,78 tỷ đồng, cấp độ 2 là 1.048,71 tỷ đồng, cấp độ 3 là 5.359,05 tỷ đồng.

Các phương án cũng nêu rõ việc điều phối hàng hóa phục vụ nhân dân toàn địa bàn; công tác điều phối hàng hóa đến các khu vực cách ly; công tác vận chuyển hàng hóa, cung ứng hàng hóa từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội; công tác hỗ trợ các tỉnh, thành phố tiêu thụ hàng hóa (nếu có). Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, Sở Công Thương đã giao các phòng thuộc Sở chịu trách nhiệm chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể và đề nghị các cơ quan, đơn vị và địa phương của thành phố Hà Nội phối hợp triển khai các nhiệm vụ đảm bảo hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong thời gian có dịch bệnh; kết nối với các địa phương chuẩn bị sẵn nguồn cung hàng hóa, thực phẩm cho Thủ đô khi có tình huống xảy ra.

N.A