Clip: Giữ màu xanh cho rừng đặc dụng Xuân Nha
Ban Quản lý rừng đặc dụng Xuân Nha làm tốt công tác BVR và PCCCR
Thực hiện nhiệm vụ quản lý BVR, PCCCR & PTR năm 2023, Ban Quản lý, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha (Sơn La) đã tổ chức triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực Lâm nghiệp trên địa bàn quản lý. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Ban Quản lý rừng đặc dụng Xuân Nha đã chủ động phối hợp với các lực lượng làm tốt công tác tuần tra kiểm soát BVR, PCCCR & PTR trên địa bàn.
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Phạm Quang Cảnh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha (Sơn La) cho biết: "trong công tác quản lý BVR và PCCCR, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, nhất là Chi cục Kiểm lâm Sơn La, Thường trực Huyện ủy, HĐND-UBND huyện Vân Hồ và Mộc Châu; phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng đóng trên địa bàn; với tinh thần trách nhiệm và cống hiến của các cán bộ công chức, viên chức bảo vệ rừng đặc dụng Xuân Nha tại các trạm địa bàn xã Tân Xuân, Chiềng Xuân (huyện Vân Hồ), Xã Chiềng Sơn (huyện Mộc Châu) các bộ phận chuyên môn Pháp chế, Kỹ thuật, Kế toán tài chính thuộc Hạt Kiểm lâm - Ban quản lý rừng đặc dụng Xuân Nha… Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha luôn cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao."
Trên cơ sở kế hoạch BVR và PCCCR đầu năm 2023 đã đề ra, Ban Quản lý, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha (Sơn La) đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn, kiểm lâm địa bàn phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã của huyện Vân Hồ, Mộc Châu và Đồn Biên phòng Chiềng Sơn triển khai công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về Lâm nghiệp đến cộng đồng nhân dân các dân tộc đang sinh sống trong và gần vùng quy hoạch là rừng đặc dụng Xuân Nha. Lồng ghép các cuộc tuyên truyền vào các cuộc họp bản, họp xã, đồng thời vận động bà con ký cam kết thực hiện các quy định về bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Kết quả: 09 tháng đầu năm 2023 tổ chức được 44 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, PCCCR (Trong đó có 11 cuộc tuyên truyền lưu động; 33 cuộc tuyên truyền lồng ghép với các cuộc họp của xã, của Ban quản lý bản), với 2.394 lượt người nghe; 1.453 người tham dự ký cam kết tham gia bảo vệ rừng và PCCCR; kiện toàn, củng cố 17 tổ đội BVR&PCCCR với 236 thành viên tham gia. Thông qua các buổi tuyên truyền, người dân đã dần dần nêu cao tinh thần, trách nhiệm góp phần thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong công tác BVR & PCCCR.
Ông Vì Văn Thiệp, cán bộ pháp chế Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha cho biết: "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cùng với Tổ Kiểm lâm địa bàn tiếp tục thực hiện theo kế hoạch của cấp trên giao, sẽ tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục Pháp luật đến các cơ sở bản, đến từng hộ dân, chủ động phối hợp với tổ quản lý bảo vệ rừng các bản thường xuyên đi tuần tra, kiểm tra rừng tận gốc nhằm phát hiện và kịp thời xử lý những vụ việc vi phạm".
Công tác Bảo vệ rừng và đảm bảo chấp hành pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp luôn được Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha quan tâm và là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của hai huyện Vân Hồ, Mộc Châu như lực lượng công an, quân đội, Hạt Kiểm lâm Vân Hồ, Mộc Châu, Bộ đội biên phòng Chiềng Sơn, Đội cơ động và PCCCR số 2, UBND các xã Tân Xuân, Xuân Nha, Chiềng Xuân của huyện Vân Hồ và xã Chiềng Sơn của huyện Mộc Châu; thường xuyên trao đổi thông tin và phối hợp với Đảng ủy, UBND các xã vùng giáp ranh với huyện Mường Lát, huyện Quan Hóa của tỉnh Thanh Hóa tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha đã chỉ đạo kiểm lâm địa bàn tăng cường công tác bám địa bàn, nắm bắt tình hình chung về hoạt động lâm nghiệp; tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra các khu vực trọng điểm, điểm nóng dễ xẩy ra phá rừng, khai thác vận chuyển lâm sản trái pháp luật, các điểm dễ xẩy ra cháy rừng. Đặc biệt là vùng có diện tích rừng giáp ranh với tỉnh Thanh Hóa, nước CHDC nhân dân Lào; triển khai các phương án, chỉ thị, kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, Chi cục Kiểm lâm Sơn La, UBND huyện Vân Hồ, Mộc Châu về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn quản lý; phối hợp với Trung tâm dịch tễ huyện Vân Hồ, Ban quản lý các bản thuộc xã Tân Xuân kiểm tra, nắm bắt tình hình phát triển của dịch Châu chấu lưng vàng phá hoại diện tích rừng tre, nứa, lùng và kịp thời phun thuốc dập dịch Châu chấu tre lưng vàng.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng trạm địa bàn xã Tân Xuân - Ban Quản lý, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha Chia sẻ: "Thực hiện nhiệm vụ quản lý BVR, PCCCR tuy còn nhiều khó khăn, bất cập nhưng bằng tình yêu nghề, cán bộ Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha chúng tôi không ngại khó, ngại khổ cùng với người dân và tổ đội BVR&PCCCR quyết tâm giữ lấy màu xanh của rừng"
Ban Quản lý, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha làm tốt công tác PTR
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Kiểm lâm Sơn La; Ban Quản lý, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn thường xuyên, liên tục rà soát đánh giá, tổng hợp và báo cáo đầy đủ, kịp thời thông tin vị trí diện tích rừng và đất lâm nghiệp có biến động tăng, giảm theo các nguyên nhân thuộc địa bàn quản lý từ đó đề ra các kế hoạch cụ thể trong công tác PTR.
Trong công tác trồng rừng, chăm sóc rừng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha đã thực hiện trồng 30,37ha thay thế của công trình thủy điện Nậm Chiến tại bản Pù Lầu và bản Chiềng Nưa, xã Xuân Nha (Vân Hồ, Sơn La), trồng khôi phục và bảo tồn rừng đặc dụng với diện tích là 51,52ha tại bản Khò Hồng, xã Chiềng Xuân (Vân Hồ, Sơn La).
Đối với công tác kiểm tra, giám sát trồng cây hỗ trợ vùng đệm, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha đã cấp được tổng số 33.222 cây/19 bản, trong đó số cây tre là 18.288 cây, cây quế 13.334 cây, mắc ca 1.600 cây.
Ông Phạm Quang Cảnh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha (Sơn La), cho biết: "công tác trồng rừng, chăm sóc rừng và kiểm tra giám sát trồng cây hỗ trợ vùng đệm đến nay Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha đã thực hiện tốt theo kế hoạch đã đề ra như: phối hợp với Công ty TNHH Vũ Phong kiểm tra, giám sát công tác chăm sóc 30,37 ha rừng trồng thay thế tại xã Xuân Nha, chăm sóc năm thứ 2 đối với diện tích trồng 51,52 ha rừng đặc dụng là của năm 2022, kiểm tra 19 cộng đồng bản được hỗ trợ cây trồng thì tỷ lệ cây sống đạt 72,3%".
Có thể thấy công tác BVR, PCCCR & PTR trên địa bàn quản lý của Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha được thực hiện có hiệu quả. Số vụ vi phạm pháp luật về lĩnh vực Lâm nghiệp giảm mạnh, diện tích có rừng tăng lên hàng năm. Để có được kết quả đó Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha đã chủ động triển khai nhiều biện pháp cũng như thực hiện các nhiệm vụ được giao. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý BVR, PCCCR & PTR của Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha (Sơn La) cũng có nhiều khó khăn và hạn chế, như: địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, chia cắt, diện tích rừng đặc dụng Xuân Nha quản lý nằm trên 02 huyện Vân Hồ và Mộc Châu và đặc biệt là giáp ranh với tỉnh thanh hóa, có đường biên giới tiếp giáp Nước CHDCND Lào; trình độ dân trí không đồng đều, phong tục tập quán canh tác của người dân còn lạc hậu, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa chủ yếu sống dựa vào rừng; đối tượng vi phạm chủ yếu là nghèo khó, không hiểu biết về pháp luật; trang thiết bị cũng như kinh phí hỗ trợ cho nhân lực thực hiện công tác BVR & PCCCR còn thiếu thốn. Nhưng với sự chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và khắc phục khó khăn, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha sẽ giữ màu xanh cho rừng đặc dụng Xuân Nha.